CÓ, CÓ; KHÔNG, KHÔNG

Đức Chúa Jésus có một lần cấm môn đồ ngài về sự chỉ trên đầu mà thề, ngài bảo họ cứ nói: có, có; không, không (oui, oui; non, non).

Tôi, thật tôi ưng cái lối ăn ở thật thà ngay thẳng như ngài vậy. Có thì nói có, không thì nói không, chớ thề mà làm gì?

Ở đời có lắm kẻ không chịu giữ mực thật thà ngay thẳng, họ c hay nói có chẳng ra có, không chẳng ra không, tôi thấy mà bực mình quá.

Người ta tưởng nói cách mờ ớ như vậy là lợi cho họ; không ngờ nhiều khi là hại.

Nếu là tay già hàm khéo chối, việc quả có mười mươi đi nữa, mặc kệ nó, cứ nói không đại đi cái cho êm. Cái thói trở trái làm mặt, đổi trắng ra đen như vậy tôi phải sợ họ; nhưng bực mình thì tôi không bực. Chớ còn rán sức nói không hoài, mà rọt đồng hồ không trốn được cái có; – cái đó là cái tôi bực mình mà cũng hại cho họ nữa.

Câu chuyện dưới nầy, thuật lại sợ e vô phép một chút, nhưng vì nó là câu chuyện hay, bỏ uổng.

Chẳng có gì lắm mà vô phép. Chỉ vì muốn nói câu chuyện đó thì không thể nào tránh được chữ "cứt" mà không nói. Vậy xin lỗi bà con, cho tôi thuật nó ra đây. Vả lại, nó là chuyện trong làng báo, tôi cũng xin lỗi cùng các bạn đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Bổng, người viết báo Nông công thương ở Hà Nội, nguyên trước kia có viết mấy bài bươi móc một người chứa cờ bạc ở Hải Phòng làm sao đó, làm cho người ấy căm giận ông ta. Mới rồi, nhằm lúc cuối năm dương lịch, rốt tam tai của họ Nguyễn, họ Nguyễn không cẩn thận giữ mình, lại khinh suất đi  từ Hà xuống Hải chơi. Người thù của ông nọ tin trước, ra đón nơi ga xe hỏa, bắt tay chào mừng ông Bổng, rồi thò tay vào túi áo, lấy ra một gói nhét thẳng vào mồm ông ấy, – xin lỗi lần nữa! – đó là gói cứt.

Trời ôi! Tôi viết tới đây mà cũng thấy khó chịu rồi, huống hồ gì họ Nguyễn đã chính mình nhận lấy!

Đại khái những việc như vậy ở đời thiếu gì, thánh hiền nếu có gặp cũng cho là cái sự hoạnh nghịch hay là cái tai vô vọng, có quái gì đâu, một nụ cười là đủ!

Cái việc xảy ra trên đó, nhiều báo Hà Nội có đăng, mà họ đăng làm sao, tôi thuật ra đây làm vậy.

Thế mà chính tờ báo Nông công thương của ông Bổng viết, lại nói thế khác: nói rằng hồi đó ông Bổng đã bước lên xe kéo rồi, người kia nhét cái gói vào miệng ông thì ông hất một cái, nó rớt xuống làm vấy nệm xe.

Có thì nói có, không thì nói không. Nói như mấy lời của Nông công thương đó là có hay là không? Nếu tôi cầm cây bút và nếu cây bút của tôi là "láu" có tiếng như của họ Nguyễn thì tôi đã viết rằng: Chuyện người kia nhét gói vào miệng ông Bổng là chuyện đặt điều, không thật, bổn báo xin đính chánh. – Như vậy có phải ngon lành hơn không?

Gặp chuyện nầy khiến tôi nhớ lại ba năm về trước ở Sài Gòn cũng có một chuyện giống nhau như hệt, xin kể ra để cho nó làm sui với nhau.

Hồi đó Đông Pháp thời báo (xin nói rõ là về trào Diệp Văn Kỳ) tiếp được một bài lai cảo nói người chức việc làng kia bị một người đàn bà đánh, – cái đời tôi cứ phải xin lỗi hoài! – đánh quần lên đầu. Sau khi đăng cái tin ấy lại tiếp được một bài cải chánh của người bị việc, nói rằng mình không hề bị đánh trên đầu, nhưng bị đánh trên vai thì có, bởi nhờ mình trớ lẹ!(*)

Cải chánh như vậy thì cũng như tố thêm câu chuyện cho càng đậm; chẳng biết họ để cái khôn ở đâu mà đi cải chánh bằng những lời dại dột như thế chớ?

Câu chuyện ở Hà Nội nói hôm nay thì so còn tĩnh trí hơn nhiều. Song, giá phải "bỏ tro vào" như lời báo Đông phương và đừng thèm nói tới, tôi tưởng còn hay hơn nữa.

Tuy vậy, ông Nguyễn vẫn là người khôn ngoan thuở nay ở Hà thành mà!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6630 (5. 1. 1932)


 

(*) trớ lẹ: nhanh mà tránh được (trớ: tránh; lẹ: nhanh - theo Từ điển phương ngữ Nam bộ, sđd.).

                                                           

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân