CỔ HÀ, KIM HÀ?

Cái đầu đề tuy vịn theo lối thầy đồ nói chữ, song nó rẻ rề, ai cũng hiểu: đề nầy có nghĩa là xưa sao? nay sao? hay là xưa sao nay vậy khác nào.

Hôm nay áp lễ, Thông Reo tính thuật chuyện đời xưa cho bà con nghe chơi.

Đời vua Trang Công nước Tề có một chàng tên là Tân Ti Tụ, đêm nằm thấy một người lưỡng lực mặc quần gai áo vải, đột mão trắng, đi giày đen, tự dưng vào tận nhà chàng, mắng chàng rồi khạc nhổ nước miếng vào mặt.

Chàng ta giựt mình thức dậy, mới biết là điềm chiêm bao. Chàng tức giận bời bời, ngồi đợi sáng mà bực mình khó chịu lắm.

Rạng ngày sau, Tân Ti Tụ cho mời một người bạn thân đến và than với bạn rằng: "Anh ơi! anh biết tôi từ trẻ đến giờ vẫn là người hiếu dõng. Từng tuổi nầy, đầu hai thứ tóc, tôi chưa hề bị đứa nào tỏa nhục bao giờ. Thế mà đêm hồi hôm, bị một đứa nó làm nhục tôi. Tôi định tìm kỳ được đứa ấy để báo thù mới chịu. Nếu tôi tìm ra nó thì tốt, bằng không tìm thấy thì tôi chắc chết, chớ không thể nào mà sống đặng với cái nhục nầy".

Từ đó về sau, sáng ngày nào ai cũng thấy Tân Ti Tụ cùng người bạn ra đứng ở ngã ba đường cái để mà nhìn mặt khách lại qua. Kiếm trọn ba ngày mà không nhận được cái người đã khạc nhổ vào mặt chàng đêm nọ. Chàng ta về nhà mang bịnh tức, nghẹn hoài cho tới chết.

Sách Lữ Thị Xuân Thu thuật chuyện nầy rồi kết luận rằng: Bị một người trong mộng nhục mình mà phẫn uất hão huyền cho đến chết là điều không đáng. Nhưng tựu trung lại có chỗ đáng khen ngợi là cái lòng biết nhục, biết xấu của chàng Tân.

Ôi! Trong khi mộng ảo mơ màng, bị người nhục còn không chịu được, thì trong lúc thật rõ ràng tỉnh táo mà bị người nhục mới làm sao cho đáng nưa?

Thế mà hay cho ở đời! Có lắm kẻ hoặc ham mê danh lợi, hoặc quen thói tôi đòi, chôn hết cả liêm sỉ, chịu hết cả nhục nhằn, thậm chí đương tỉnh táo hẳn hòi mà bị chúng khạc nhổ ngay vào mặt, cũng lì lì lợm lợm, váo váo vinh vinh, thì bút mực nào mà tả ra cho xiết được.

Ấy đó, anh chị cô bác nghĩ coi như ông Diệp Văn Kỳ đòi khạc nhổ trên mặt ông Nguyễn Phan Long, thì ông Nguyễn Phan Long phải làm thế nào? Theo như Thông Reo thì có ba cách:

1- Đâm đơn vô tòa kiện Diệp Văn Kỳ về tội làm tổn hại danh giá (phỉ báng);

2- Nếu có ngại về chỗ nhà viết báo với nhau không lẽ kiện (vì kiện như thế cũng đê hèn nhục nhã nữa) thì thân hành đến tận mặt ông Diệp Văn Kỳ mà hỏi ổng: "Ông có chịu lấy lời mà ông đã nhục mạ tôi đó lại hay không?" Như đàng kia chịu thì thôi, bằng chẳng chịu thì xáng cho bên địch một bạt tai mà rửa nhục;

3- Dữ kỳ không đủ mật mà ra tay rửa nhục, thục nhược ta chết êm chết ái là cùng.

Ông Nguyễn Phan Long nghĩ sao?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6861 (30 và 31. 10. 1932)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân