CÓ TẤN HÓA KHÔNG

Mấy nhà luân lý học hay cãi nhau về vấn đề: "Nhơn loại có tấn hóa không?" Có hay không?

Người thì nói: "Xưa kia con người, hai mươi tuổi mà còn ở truồng ở lỗ, còn bây giờ con nít mới mười một mười hai tuổi đã sanh ngụy, biết chuyện "ma quỷ". Sao gọi rằng nhơn loại có tấn hóa được? Đời Nghiêu, Thuấn lấy đạo đức mà trị dân; xã hội ngày xưa đâu có lấy tư lợi mà giục người, dùng cường lực mà trị người. Rủi có người phạm phép nước, thì lấy lau đánh sơ vài roi theo luật, vẽ vòng dưới đất nhốt phạm nhơn cho có chừng là đủ. Có đâu như ngày nay, chánh phủ phải lo kiếm bắt phạm nhơn, bắt được rồi, nhốt vào khám rất to rất chắc mà phạm nhơn còn tìm phương tẩu thoát, thì nhơn loại đời nay tấn hóa chỗ nào kia?

Đến như trong gia đình anh em, vợ chồng, cha con không được hòa thuận như xưa. Phải chi có giận thôi thì chửi nhau ít tiếng, thoi nhau ít thoi rồi êm xuôi, cũng còn dễ chịu. Chí như cốt nhục tương tàn hại nhau đủ khoé thì gia đình kia phỏng còn toàn hảo đặng chăng? Phương chi như thế giới chiến tranh ngày nay, con người chế ra máy móc mà sát hại lẫn nhau, thiệt là không xiết kể. Giết nhau cả chục triệu, mà còn chưa đã giận, những còn lo âm mưu gây cuộc chiến tranh khác. Xưa kia, đánh giặc chỉ có các tướng đánh nhau, binh lính có lộn xộn thì giỏi lắm là cầm dao mác đâm bậy nhau chút đỉnh là cùng! Lấy đó mà so thì sao rằng nhơn loại có tấn hóa được.

"Nếu đứng về phương diện khoa học mà nói, thì người đời nay kể ra nào là tàu lặn, nào là máy bay, kể tới xe hơi, giây thép gió. Vậy chớ xưa kia không biết thăng thiên độn thổ, lặn nước đằng vân sao? Lưu Huệ Nương trong Thủy hử, bầy trâu máy vận lương ở đời Tam quốc, máy móc như vậy có kém gì đời nay? Sánh về y khoa thời xưa kia cũng thuốc men, cũng mổ xẻ vậy chớ, lại xưa kia chưa hề có sanh ra nhiều bịnh gớm ghê quái lạ như bây giờ. Hai tiếng "vệ sanh" thường hay dính đeo ở chót lưỡi bọn văn minh đời nay, nếu quả vệ sanh đời nay là đúng, thì sao con người lại nhỏ con, ốm yếu, hay đau, rồi chết yểu hơn người đời xưa? Vậy nói nhơn lại có tấn hóa là tấn hóa chỗ nào".

Có tấn hóa cùng không? Có văn minh thêm hay chẳng? Nếu đứng về các phương diện đó mà cãi cọ với nhau mãi, thì chắc là phái binh đời xưa với phái binh đời nay khó mà giải hòa với nhau được.

Theo ý Thông Reo, thì chi bằng mình đứng về phương diện nầy, chắc bà con ai cũng phải nhìn nhận là nhơn loại có tấn hóa.

Như một đứa bé, lấy gì làm bằng cớ hiển nhiên rằng nó có tấn hóa. Lúc nhỏ nó tập bò. Bò quen rồi, lom khom tập đứng. Đến chừng nó đứng được, thì chập chững tập đi. Ấy không phải lúc bò, lúc lom khom, lúc đứng, là mấy chặng rõ ràng trên con đường tấn hóa của đứa bé sao? Đến lúc sức lực kém suy, còn người lom khom trở lại.

Coi cái tướng bò, khom, đứng mà đoán chắc rằng nhơn loại có tấn hóa là đúng lắm. Như ở vào đời phong kiến thì còn cái tục lạy; qua đời văn minh hơn một tí thì xá là đủ lễ; đến chừng đứng thẳng mình đưa tay lên trời mà chào như bọn phát xít thì thật là cực điểm văn minh!

Các nhà khoa học cũng phải nhìn nhận rằng loài thú bò là bực chót, thứ có bốn chơn chạy được là khá hơn, loài khỉ đứng lom khom, vừa đi như người vừa chạy như thú thì còn khôn hơn nữa, đến con người đứng đi thẳng răng thì con người là khôn hơn hết.

Nhơn loại có tấn hóa không? Thế nào Thông Reo cũng phải nhìn nhận là có.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6831 (15. 9. 1932)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân