CÒN BỢ CỤ LỚN NỮA HẾT?

Nói thì mích lòng, chớ coi bộ đời nay sao mà những người vai dưới hay bợ đỡ kẻ bề trên quá thể.

Trong đám quan trường, mấy ông nhỏ cứ hay ca tụng mấy ông lớn ở trên. Nào là cụ lớn coi đâu nhớ đó! nào là cụ lớn phê cái chữ như phụng múa rồng bay; cho đến cụ lớn đánh ích-xì sáng nước, đánh tài bàn cao trổ trời; những lời bàu chuốt ấy tới đâu cũng nghe có người nói cả, thật đã nhàm tai.

Còn trong làng báo nữa. Không nói thì người ngoài họ la mình sao có khoả lấp cho nhau; còn nói thì đâu khỏi có bạn đồng nghiệp trách rằng sao trong đám nhà nghề với nhau lại nỡ đi xoi tệ, chớ thiệt, chính tờ báo cũng không khỏi có sự ấy.

Bữa nay đăng ông nầy được Bắc đẩu bội tinh rồi khen ba hơi nhập một, cho rằng được như vậy  thật là xứng đáng. Bữa mai đăng ông kia từ chỗ nầy đi chỗ khác, bạn đồng liêu làm tiệc đãi, đọc bài diễn văn, mười người mười tiếc sự ông ấy không ở lại.

Đại ý nhà báo làm điều ấy chẳng phải là vô nghĩa. Bởi người ta dựa vào hai chữ "khuyến thiện", nói đăng những tin ấy là để khích lệ những người tốt cho càng thêm tốt và người xấu thấy đó cũng nống chí mà đổi nết ăn ở cho tốt ra. Nhưng, theo tôi thì tôi tưởng không cần. Phàm "khuyến thiện" thì phải có "trừng ác", hai việc ấy vẫn đối đãi cùng nhau. Nay, trong xã hội ta, há chẳng có người được thưởng bội tinh mà không xứng đáng sao? há chẳng có người trong lúc ở nơi nầy đi nơi khác mà thiếu điều người ta vãi thêm tro muối để tống đi nữa sao? Song những người ấy, điều xấu của họ, chưa hề có tờ báo nào nhơn trong lúc được thưởng hoặc dời đi mà nói đến. Vậy thì cái sự tán dương kia, rút lại, cũng chỉ là giả dối mà thôi vậy.

Nhơn tôi đọc sách, thấy một chuyện bợ đỡ quan lớn mà bị xử tử, tôi phát ghê lạ thường. Cho nên, ai làm sao chẳng biết, chớ tôi, tôi phải đem luôn câu nầy hỏi mình: Còn bợ cụ lớn nữa thôi?

Đời Minh Mạng, ông Nguyễn Hữu Thận làm Bắc thành Tổng trấn. Chức Tổng trấn bấy giờ lớn lắm, các ông công thần như ông Nguyễn Văn Thành ông Lê Văn Chất mới có làm được mà thôi.

Người ông Nguyễn Hữu Thận thế nào không biết. Song bấy giờ có một thầy Tú ở Quảng Bình tên Hồ Công Quang, lại nhè dâng thơ cho vua, nói ông Thận là bực đại hiền, làm thầy dạy vua mới đúng, chớ sao lại dùng làm quan coi ngoại trấn? Cái thầy Tú ấy gẫm thật đa sự, thì đã đành rồi. Vua Minh Mạng giao bức thơ của Tú Quang cho đình thần coi và hội nghị xem sao. Nhiều người cho rằng thầy Tú Quang xưng tụng một vị đại thần như thế là có tội – tội thế nào, không nói rõ – nên xử trảm lập quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Tuân đương làm Tham tri bộ Lễ, xuất ban tâu rằng: "Đời xưa có tên Đoàn Chí Xung xin vua Đường Thái Tôn truyền ngôi cho thái tử; các quan xin vua giết Đoàn đi, vì một tên tiểu tốt vô danh mà dám luận đến quốc gia đại sự. Nhưng vua Thái Tôn lại tha cho Đoàn. Vậy thì, nay Tú Quang nói bậy mặc dầu, chiếu theo lệ Thái Tôn đó, bệ hạ cũng có thể tha cho va được chớ".

Vua Minh Mạng không nghe. Ngài phán: "Thứ ông Đường Thái Tôn là ông vua háo danh, miễn cho có danh thì thôi, việc gì mà ổng chẳng làm? Rất đỗi bốn trăm tù án chết mà ổng còn thả trong một ngày đặng thay, huống chi một tên Đoàn Chí Xung. Cái gì chớ cái đó trẫm đây không thèm bắt chước. Cái tội (?) của Tú Quang, Trẫm nói cho mà biết, không có thể đặng đâu".

Ấy là thầy Tú Hồ Công Quang chết thẳng rẵng!

Ghê chưa? còn bợ quan lớn nữa hết? Ông Nguyễn Hữu Thận ổng có đại hiền thì ổng nhờ, ổng có đáng làm thầy dạy vua kệ ổng, người ta có bổ ông ra ngoại trấn cũng thây người ta, mắc mớ chi mình mà xía miệng vô chỗ đó? Thầy Tú Quang thẩy chết, trong sách chỉ nói là có tội mà không nói rõ tội gì, nhưng tôi chắc là cái tội "thày lay".(*)

Thày lay việc gì kia, chớ thày lay về sự bợ đỡ cụ lớn là nguy hiểm lắm! Thôi đừng bày đặt khen những ông nầy công bình, ông kia liêm khiết nữa nghe hôn!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6646 (23. 1. 1932)


 

(*) thày lay: gánh vác việc vô can (H.T. Paulus Của), xen vào việc của người khác, không dính đến mình (Từ điển tiếng Việt, Hà Nội – Đà Nẵng, 2006)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân