CÔNG CỦA AI?

Mới nghe cái giọng như là giọng tranh công, mà không phải, đó chẳng qua là lời hỏi. Người ta muốn biết thử cái công ấy là công của ai nên hỏi nhau.

Ăn cái Tết Nhâm Thân mới vừa xuống khỏi cuống họng thì đọc ngay tờ Quan báo, thấy đạo mạng lịnh của đức Giám quốc nước Pháp liền tay. Trong đạo mạng lịnh ấy ngài phán cho giữa Hội đồng quản hạt Nam kỳ từ nay về sau, số nghị viên Tây Nam bằng nhau, mỗi bên mười mạng. Hết thảy là 24 mạng, mà được 20 rồi, còn 4 nữa, do hai phòng Thương mãi và Canh nông cử vào, cũng lại Tây Nam bằng nhau, mỗi bên hai mạng.

Hồi trước đâu có được vậy, số An Nam bao giờ cũng kém số Tây, mà bây giờ được ngang nhau, nên dân An Nam mừng thiếu điều hết lớn. [....](*)

Có kẻ thề từ rày ngày Tết không thèm đốt pháo, vậy mà bữa hôm đọc cái mạng lịnh ấy trong tờ Quan báo, liền vác pháo ra đốt, đùng! rẹt... rẹt... đùng! Sướng!... Mừng dẩu lên!... Vậy rồi mới ngồi mới nghĩ. Nghĩ cho ra thử tại sao có đạo mạng lịnh nầy. Họ hỏi nhau đã lắm, mà kẻ nói vầy, người nói khác, không ai giống ai. Đợi cho đến bữa mồng bảy, ăn Tết phỉ sức rồi hạ nêu, các báo Quốc ngữ ở Sài Gòn ra như mưa, nhờ đó mới biết công của ai.

Ấy là nhờ đọc tờ Đuốc nhà Nam. Ở giữa trương đầu, thuật lại đạo mạng lịnh ấy, dùng ba cái đề, cái đề trên hết (sur titre) như vầy: "Sau bữa tiệc vô ý nghĩa". Nói cái gì vậy? Ấy là người ta nhắc lại hồi năm ngoái, khi quan Tổng trưởng thuộc địa tới đây, mười ông Hội đồng quản hạt ta có tổ chức một tiệc đãi ngài, khi bấy giờ có một phần đông dư luận công kích bữa tiệc ấy, cho là vô ý nghĩa. Nay Đuốc nhà Nam mới nói gần lại như vậy đó, có ý thế nầy: một bữa tiệc các anh cho là vô ý nghĩa mà bữa nay nó có kết quả tốt đẹp như vầy đây! Bởi vậy liền theo đó mới để cái chánh đề to tướng, nói rằng: "Việc cải cách đã bắt đầu ban hành!".

Xin kẻ đọc chớ có thiệt thà quá mà không hiểu đến cái ý sâu của người viết. Người viết viết vậy là có ý như vầy: Nhờ có bữa tiệc – các anh kêu là – vô ý nghĩa đó mà hôm nay có việc cải cách ban hành!

Rồi đến cái đề phó (sous-titre),[a] người ta kể sơ đạo mạng lịnh.

Đến vào trong lòng bài, người ta kể đến Tập Dân nguyện(*) và chánh sách đề huề. Rồi nói ngay rằng "Thế là Tập Việt Nam dân nguyện đã bắt đầu thi hành một vài khoản về chánh trị rồi".

Công của ai?

Cứ như trên đó thì công của bữa tiệc đãi quan Tổng trưởng Reynaud, công của tập Việt Nam dân nguyện, công của mười ông Hội đồng quản hạt hiện thời, công của Đảng Lập hiến, chớ của ai? Khéo hỏi!...

Phải, nhưng mà tôi tiếc.

Tiếc là vì nó có công mà khí muộn! Tại sao cái đạo mạng lịnh rộng rãi ấy lại không ra sau khi các ông Lập hiến đưa Tập Dân nguyện cho ông Varènne? Tập Dân nguyện đã đưa một lần trước ba bốn năm rồi, sao chẳng thành công ngay lúc bấy giờ cho sốt dẻo?

Người ta nói tại phen nầy có quan Tổng trưởng thuộc địa qua [.......](*)

Công của ai?

Công của bữa tiệc, công của Tập Dân nguyện, công của 10 ông Hội đồng, công của đảng Lập hiến, phải, chẳng ma nào giành hòng sợ mất công ai.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6656 (15. 2. 1932)


 

(*) Chỗ này báo gốc để chấm lửng liền 2 dòng, tức có khoảng 7-12 từ bị tòa soạn bỏ.

[a] Lưu ý: ở đây cho thấy tên (titre = đề, nhan đề) một bài báo, một tác phẩm có thể gồm đủ: sur titre (= đề trên cùng); titre (= tên, nhan đề chính); sous titre (= phó đề, phụ đề).

(*) Tập dân nguyện (Cahier des Voeux, cũng được dịch là Tập Dân vọng): văn bản do Nguyễn Phan Long đứng đầu danh sách 600 người Việt, dâng cho Toàn quyền Đông Dương Varènne năm 1925 (xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, H., 2006, tr. 332-335).

(*) các chỗ này bản gốc chấm lửng mỗi chỗ hơn 2 dòng.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân