CUỘC PHỤ NỮ VẬN ĐỘNG Ở NƯỚC TRIỀU TIÊN

I. Triều Tiên có cuộc phụ nữ vận động trước Việt Nam. – Ở đó, đời xưa cũng có nữ quyền, sau mới bị bóc lột. – Nho giáo là gông tróng cho đàn bà xứ ấy. – Nhờ hội Tin Lành truyền tới, lập trường nữ học, phụ nữ Triều Tiên mới mở mắt ra. – Năm 1919, phụ nữ ở đó đã xen vào các hội đảng đàn ông mà mưu cầu cho Triều Tiên độc lập

 

Cuộc phụ nữ vận động cũng như cuộc dân chủ vận động, sanh ra từ phương Tây rồi dần dần tràn qua phương Đông. Hai cuộc vận động nầy lại có ý nghĩa giống nhau: dân không chịu ở dưới quyền vua cũng như đàn bà không chịu ở dưới quyền đàn ông vậy. Hai cái đều sanh ra bờ một trăm năm nay, mà coi bộ càng ngày đều càng đắc thế, có tới chớ không có lui. Cứ theo lịch sử đã qua thì nước nào rồi cũng phải chịu ảnh hưởng của hai cái đó chớ không thể nào khỏi được.

Giống gì nước ta cũng chậm hơn các nước ở châu Á, thì tự nhiên cuộc phụ nữ vận động cũng phải ở sau họ. Hiện ngày nay, nước ta đã có cuộc ấy chưa? Phải đáp rằng chưa có. Chưa có nhưng mà thế tất rồi phải có, là vì nó đã nứt mộng ra trong mấy năm gần đây rồi, có ngày nó phải mọc và nẩy nở lên.

Có nhiều kẻ thấy nó nứt mộng ra mà cho như là một điềm quái, muốn bẻ gãy đi; song muốn vậy đâu có được; nếu ai đã rõ cái lẽ tấn hóa của nhân loại và đã để mắt đến cái lịch sử của cuộc phụ nữ vận động thì đừng muốn vậy mới phải.

Nhựt Bổn, Tàu, Ấn Độ, trong ba nước ấy, cuộc phụ nữ vận động đã gây nên ba bốn chục năm nay. Cái lịch sử về cuộc vận động ấy của họ, tuy trên tập báo nầy chưa có dịp phô bày ra, chớ những công việc phụ nữ họ làm, dĩ vãng hoặc hiện tại, thì cũng đã nhiều lần nói đến, sự tấn bộ của nữ giới họ, chúng ta đều thấy rõ.

Duy về nước Triều Tiên, tức Cao Ly, hiện làm thuộc địa của Nhựt Bổn, nước nầy thì đất đai, văn hóa, cũng suýt soát với nước ta, và nhứt là cái cảnh ngộ của họ cũng giống như chúng ta nữa; vậy mà cuộc phụ nữ vận động ở nước ấy lại có trước nước ta, ấy mới là điều mà chúng ta nên biết.

Vì cớ ấy chúng tôi xin dựa theo một bài của Lý Trinh Minh nữ sĩ nước Triều Tiên, thuật lại cuộc phụ nữ vận động đã xảy ra ở nước ấy thế nào cho độc giả biết. Đọc qua bài nầy đủ thấy sự giải phóng cho phụ nữ ở đời nầy chẳng có lạ gì hết, các nước ở Á đông ta nước nào cũng đã có rồi, chỉ còn sót có một mình nước ta đây mà thôi.

Theo lịch sử loài người, ở đời thượng cổ, xứ nào cũng từng có một phen nữ quyền lừng lẫy, sau rồi mới bị nam quyền đè ẹp đi, thì ở nước Triều Tiên cũng vậy. Phụ nữ Triều Tiên hiện nay bị bạc đãi giữa xã hội đó, chính họ ngày xưa cũng đã được đặt mình vào nơi trung tâm xã hội.

Người ta kể lại đời xưa, hồi nước Triều Tiên chia làm ba nước, Cao Câu Ly, Bách Tế và Tân La, thì cái dấu nữ quyền cũng vẫn còn sót lại. Hồi đó người Cao Câu Ly kết hôn cùng nhau, con trai phải tới nhà con gái trong đêm đi cưới, quỳ ngoài cửa xưng tên mình ba lần; khi được bên nhà gái cho phép mới được vào nhà kết nghĩa vợ chồng. Nếu chưa có con thì người chồng phải ở luôn bên nhà vợ cho tới khi sanh sản rồi mới được đem nhau về nhà mình.

Sau đến thời đợi nước Tân La nhứt thống thì nữ quyền càng ngày càng suy lạc; cho đến triều Lý lên làm vua, phe phụ nữ lại còn bị áp chế hơn trước.

Triều Lý là lúc Nho giáo thạnh hành, bất kỳ giống gì trong xã hội cũng dựa theo Nho giáo cả. Mà hễ theo Nho giáo thì ắt là bất lợi cho đàn bà rồi. Thuở trước còn được ly hôn và cải giá tự do, chớ đến triều Lý, thôi không còn quyền tự do ấy nữa đâu.

Ở Triều Tiên cũng tuân phụng đạo tam tùng và luật thất xuất như ở nước ta. Về luật thất xuất càng gắt lắm, người vợ phạm một điều trong bảy là bị để liền. Còn người chồng dầu có thế nào, đui què sứt mẻ hoặc đến tàn tật nằm một chỗ đi nữa, người vợ cũng phải ở với trọn đời. Chồng chết rồi, cũng không được phép lấy chồng khác. Chánh phủ thuở ấy đến nỗi dùng pháp luật nghiêm cấm sự cải giá, luật có định rằng con cháu của người đàn bà cải giá thì không được ra làm quan nữa kia.

Bởi vậy bà góa lúc ấy hay tự sát. Nhưng bên nhà nho lại nói rằng bởi họ tưởng mến chồng mình mà chết như vậy, lại trở cho là một cái phong hóa tốt do Nho giáo gây nên!

Bấy giờ con gái có chồng rồi thì giao cả thân mạng cho chồng, không được tự do chút gì hết; mà con gái đương ở với cha mẹ lại phải theo cha mẹ, cũng không có quyền kén chồng, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, dầu gả cho đứa khùng đứa điên cũng phải chịu.

Bởi đó trong dân mới sanh ra cái tục mua bán con gái, họ coi con gái như là một món hàng buôn. Lại cũng bởi quyền cha mẹ rộng quá nên mới sanh ra cái tục gả con lấy chồng sớm. Thường thường có đứa gái mới 13-14 mà đem gả cho ông già bốn năm mươi tuổi. Hoặc cũng có đứa gái vài mươi tuổi mà đem gả cho thằng lên tám lên chín nữa. Tại vợ chồng không xứng đôi vừa lứa cho nên thường có xảy ra sự giết chồng.

Ở Triều Tiên trai gái bất bình đẳng có lẽ hơn ở xứ ta nữa; sự nam nữ giao tế không có ở đó trước đây vài chục năm. Nho giáo có cái luật "trai gái bảy tuổi chẳng ngồi chung chiếu", thì cũng đem thiệt hành ở Triều Tiên rồi. Ở đó, người ta cho sự người đàn bà đi ra đường là sự xấu hổ lắm, khi cực chẳng đã phải đi ra, thì phải mặc một cái áo dài phủ từ trên đầu xuống tới chưn, vì sợ người ta ngó thấy mình. Nhưng cái tục đó thì ngày nay đã bỏ.

Ở dưới cái chế độ ấy, thôi con gái còn học làm gì, cho nên không hề có sự giáo dục cho phụ nữ. Con gái nếu có biết chút ít quốc văn (Triều Tiên trước cũng dùng chữ Hán, quốc văn đây là chỉ chữ riêng của nước họ, cũng như quốc ngữ ta vậy), thì đã bị người ta chê cười rồi.

"Con gái mà biết gì, chỉ phải phục tùng mà thôi", – câu "luật"  ấy không cần là một người đàn ông có học, chỉ là một người đàn ông thì cũng đủ quyền dùng mà nói với phụ nữ. Cho nên bọn nam tử ở Triều Tiên lừng lẫy lắm; còn phụ nữ thì rúc đầu trong xó buồng, lo việc nấu ăn, may vá, giặt áo, giữ con như đầy tớ. Nếu đàn bà có mở miệng nói lời gì, thì đàn ông họ đã nạt cho: "Đàn bà mà biết gì cũng xen lo vào?" Phụ nữ Triều Tiên vì ở dưới cái tình trạng ấy nên đã chẳng mong sự trồi đầu lên mà lại còn càng ngày càng tự vùi giập cái nhân cách mình đi nữa!

Thế nào mặc dầu, trong thế giới đã có cái ánh sáng dọi vào cõi phụ nữ, rồi cái ánh sáng ấy lâu ngày cũng phải dọi đến Triều Tiên, và phụ nữ ở đó cũng có ngày mở mắt ra.

Trên đó là nói về nữ giới Triều Tiên trong khi còn hắc ám; đây sắp xuống xin kể một vài sự quan hệ xảy ra trước thời kỳ mà có cuộc phụ nữ vận động ở Triều Tiên.

Trong lúc đàn bà bị áp chế, không cho học, như đã nói trên kia thì hội Tin Lành ở ngoại quốc lại nhập cảng vào nước Triều Tiên, lại bắt đầu dựng trường học lên để dạy dỗ đàn bà con gái. Người ta cho rằng sự lập trường nữ học nầy ví chẳng khác nào như cái vồ bằng sắt đập vào đầu những người đàn ông thủ cựu, và như cái chuông mai gióng giả cho bọn phụ nữ bị đày đọa kia được tỉnh thức ra.

Nhưng việc giáo dục của hội Tin Lành ở đó có phải là chủ ý định tháo cởi cho phụ nữ Triều Tiên chăng? Không phải đâu. Họ dạy con gái học là cốt để tuyên truyền cái đạo của họ và thêm tín đồ vào hội cho nhiều đó thôi. Huống chi theo cái giáo nghĩa của hội ấy thì lại cũng chẳng ích gì cho sự giải phóng của phụ nữ nữa.

Trong Kinh Thánh mà hội Tin Lành vâng làm kinh điển, cũng nói "Đức Chúa Trời lấy một cái xương sườn của ông A-đam mà tạo ra bà E-va", thế thì, theo cái giáo nghĩa ấy, đàn bà cũng vẫn là vật phụ thuộc đàn ông mà chưa hề được độc lập. Theo cái tín điều đó thì phụ nữ cũng lại chỉ phục tùng mà thôi, thật chẳng có ích cho sự giải phóng của họ chút nào cả. Cái kết quả giáo dục của hội Tin Lành chỉ là làm cho phụ nữ biết chữ, chớ còn về sự bất bình đẳng giữa nam nữ thì hội ấy lại cũng nhìn nhận là lẽ chánh đáng.

Tuy vậy, sự giáo dục của hội Tin Lành tuy không bổ ích về mặt ấy, chớ có bổ ích về mặt khác. Nhờ sự giáo dục phụ nữ của hội ấy mà làm cho xã hội Triều Tiên tỉnh ngộ ra dần dần, phải coi sự giáo dục ấy là cần có. Từ đó đến nay, tuy không phải tín đồ của hội Tin Lành cũng bắt đầu mở trường dạy con gái; hiện nay trường nữ học ở nước Triều Tiên càng ngày càng nhiều, mà truy nguyên ra thì cũng phải cảm ơn hội Tin Lành.

Phụ nữ bên Triều Tiên bây giờ không phải như hồi trước nữa. Giáo dục ở nước họ cũng gần gần được phổ cập, đàn bà con gái cũng đã rủ nhau vượt khỏi buồng khuê cửa các mà đi ra xen lộn với đàn ông ngoài đường cái. Năm 1919, nước Triều Tiên mưu độc lập, cũng đã có hằng ngàn phụ nữ gia nhập vào cuộc "Tam nhứt vận động" (là cuộc vận động độc lập ngày mồng một tháng ba năm 1919), đủ biết rằng trình độ phụ nữ họ đã cao lắm.

Phải như nước ta đâu mà hòng nhắc đến bà Trưng bà Triệu, ở Triều Tiên mấy ngàn năm nay toàn là đàn bà ở trong bếp hết, vậy mà ngày nay dám chen vai cùng nam tử, nhúng tay vào cuộc cách mạng, thì có phải đã tỏ ra rằng họ đã tỉnh thức rồi chăng? Lần vận động ấy cũng đã chảy ra bao nhiêu máu của phụ nữ, mà là một việc trong lịch sử Triều Tiên từ xưa đến nay chưa hề thấy.

Trong lần vận động đó, họ có lập ra một cái hội gọi là "Phụ nhân ái quốc hội". Bao nhiêu nữ hội viên, người làm việc nầy, kẻ làm việc khác, đã tỏ ra cho đàn ông xứ ấy biết rằng đàn bà cũng biết yêu nước như mình và cũng làm việc được như mình. Hội ấy sau rồi bị giải tán liền, song từ đây người ta phải nhìn nhận rằng đàn bà Triều Tiên cũng đã biết múa nhảy trên đàn chánh trị rồi.

Đó là nói phụ nữ Triều Tiên tham dự vào cuộc cách mạng ở nước ấy, chớ chưa nói đến sự họ lo giải phóng cho chính mình. Đến kỳ sau sẽ tiếp theo nói về cuộc phụ nữ vận động của họ.

 

 

 

 

II.  Do cuộc vận động độc lập mà day qua vận động phụ nữ. - Cái hội đảng của phụ nữ Triều Tiên: Đồng hữu hội; Nữ tử đồng minh; Thanh niên hội; Cẩn hữu hội; - Đảng phái của đàn bà mà cũng có sự tranh đấu rất kịch liệt. - Hiện nay cuộc vận động phụ nữ ở Triều Tiên đã có tấn bộ nhiều lắm.

Như bài trước đã nói, năm 1919 ở Triều Tiên có cuộc "Tam nhứt vận động", là một cuộc do dân chúng Triều Tiên dấy lên nghịch với chủ nghĩa đế quốc của Nhựt Bổn, và có nhiều đàn bà con gái dự vào. Cuộc ấy kết quả không có gì, bị binh lực của người Nhựt đàn áp rồi cũng phải tan tành hết. Tuy vậy, dân chúng Triều Tiên nhơn đó nhìn biết rằng Nhựt Bổn sở dĩ chinh phục được Triều Tiên là nhờ cậy ở cái chủ nghĩa tư bổn, cho nên họ bèn day qua hướng khác mà vận động.

Bên phụ nữ chịu lấy cái ảnh hưởng ấy, rồi cũng day hướng của cuộc vận động mình luôn. Hồi trước họ nghĩ rằng muốn giải phóng cho toàn thể phụ nữ thì phải giải phóng cho toàn thể quốc dân trước đã; bởi vậy họ mới chăm vận động về mặt chánh trị, yêu cầu cho nước Triều Tiên được thoát ly nước Nhựt Bổn mà độc lập. Nhưng nay trải qua nhiều sự kinh nghiệm rồi, họ biết làm vậy chưa được, khi ấy họ bèn day hướng qua mà bỏ mặt chánh trị, chuyên về mặt xã hội mà thôi.

Muốn gieo mình vào công việc xã hội, tất nhiên phụ nữ phải có lập ra đoàn thể vững vàng mới được. Nhưng hồi đó thật chưa có đoàn thể phụ nữ nào cho hoàn thiện hết. Đến năm 1924, ở kinh thành mới có các nữ sĩ như là Trinh Tường Thục, Phác Nguyên Hy, Trịnh Chung Minh, bắt đầu lập ra một hội kêu bằng "Triều tiên nữ tánh đồng hữu hội", mà ở đây chúng tôi kêu tắt đi là "Đồng hữu hội".

Hội viên của hội nầy có hơi lộn xộn một chút, nghĩa là những người vào hội chưa chắc là có chung một ý kiến và một mục đích như nhau. (Đây là một cái bịnh chung trong sự lập hội của người Á Đông ta, nước nào cũng có thế, đàn ông cũng có thế, chớ đừng nói phụ nữ Triều Tiên làm chi). Có người thì vẫn ôm lòng nóng nảy của cuộc "Tam nhứt vận động" khi trước mà vào hội; có người thì vào hội để tỏ mình ra là con gái kim thời, cho đến trong những người đứng ra lập hội mà trong óc cũng không được trong suốt cho lắm, chẳng rõ mình lập hội ra là có mục đích gì.

Bởi đó mà sự hành động của Đồng hữu hội cũng không ra chi, chẳng có kết quả gì tốt lắm. Tuy vậy, được cái hình thức bề ngoài coi cũng rột rạc lắm, làm cho cả nước đều tưởng rằng phụ nữ đã có thế lực mạnh lớn lắm rồi.

Hồi năm 1924 đó, ở nước Triều Tiên, về bên nam giới, lại có cuộc đảng phái tranh đấu cùng nhau. Đảng phái nầy đều là về chủ nghĩa xã hội chớ không phải đảng phái cách mạng mưu việc độc lập năm trước. Nhờ sau lại, họ dồn làm hai cánh lớn, là "Lao nông tổng đồng minh" và "Thanh niên tổng đồng minh", hai cái đồng minh nầy thành lập mà rồi sự tranh đấu được hòa huỡn bớt. Cuộc đảng tranh bên nam giới đó cũng làm cho khiên động đến bên nữ giới. Vì người đàn bà nào có chồng, có cha, có anh ngả về bên cánh nào thì họ cũng ngả theo bên cánh ấy. Nhơn đó Đồng hữu hội cũng chia rẽ ra.

Bấy giờ Đồng hữu hội chia ra hai nhánh, một nhánh lập ra "Nữ tử thanh niên đồng minh" (kêu tắt là Nữ tử đồng minh); một nhánh lập ra "Nữ tử thanh niên hội" (kêu tắt là Thanh niên hội). Hai bên kình địch với nhau; chẳng những làm ồn ào các nơi đô thị mà đến chốn thôn quê cũng giành xé nhau kịch liệt. Cho đến năm 1927 nhờ hòa giải lần lần mới dứt.

Trong cuộc tranh đấu ấy có một điều đáng cho là trẻ con, không khỏi bị thức giả cười, là sự tranh đấu toàn bởi ý khí chớ không phải về chủ nghĩa. Trên kia đã nói ai có chồng, có cha, có anh, hễ chồng, cha, anh theo bên nào thì theo bên nấy, thế đủ tỏ ra họ không phải vì chủ nghĩa, và cũng làm cho người ta biết rằng phụ nữ hình như vẫn không trừ được cái bổn tánh bạc nhược, ít hay tự chủ theo ý kiến mình.

Thế nào mặc lòng, chớ trong cuộc tranh đấu ấy cũng vẫn có điều ích lợi cho phụ nữ, xong việc rồi mới biết. Vì nhơn trong lúc chia xẻ đó, có chị lại tham gia vào "Triều Tiên công đảng", có cô lại nhơn thất thế rồi xuất dương du học, còn cũng có cô lại bỏ nơi quê quán mình mà đi khắp các nơi khác để tuyên truyền cổ động, thành ra cuộc phụ nữ vận động nhờ đó được lan rộng ra hơn trước nhiều.

Mùa thu năm 1927, phụ nữ Triều Tiên lại tổ chức ra một hội khác, kêu là "Cẩn hữu hội". Hội viên gồm có đủ người các giai cấp. Còn mục đích là để hiệp với dân chúng Triều Tiên đồng tình đứng lên phải kháng lại Nhựt Bổn. Nói cho lớn lối làm vậy, chớ sau khi hội ấy thành lập rồi, coi việc hành động của họ chẳng có thể đạt đến cái mục đích ấy chút nào. Có người phê bình hội nầy, cho rằng một đảng tính làm việc như trời kia mà trong đảng toàn các bà các cô sang trọng hết, còn cũng có một mớ đàn bà tầm thường chỉ chạy theo hụ huợ, thì làm được việc quái gì mà mong!

Trong Cẩn hữu hội cũng có các cô theo chủ nghĩa xã hội, nhưng họ không có quyền hành mấy, có thi thố ra việc gì, thì lại bị các cô theo chủ nghĩa quốc gia gàn trở. Theo như ý kiến của các cô trên thì họ cho rằng cái thái độ và cách hành động của Cẩn hữu hội không nên khuynh hướng về chánh trị mới phải.

Họ nói, nếu đem cả Cẩn hữu hội làm cái cơ quan để vận động chánh trị thì thà để nó làm cái cơ quan giáo dục luyện tập cho phụ nữ và làm các việc từ thiện còn hơn. Cái trình độ tri thức của phụ nữ Triều Tiên còn kém lắm, sao mà người ta không thấy chỗ đó và không lo bồi bổ? Lấy cái trình độ tri thức ấy mà đem làm việc chánh trị, mà lại làm bằng cách kịch liệt quá khích, thì hẳn là chẳng có kết quả gì. Đó là theo như các cô về phe xã hội chủ nghĩa đã chủ trương.

Họ lại nói, trong thời kỳ nầy, phải hết sức lo việc mở mang dạy dỗ cho phụ nữ đã, còn về chánh trị thì chỉ nên làm cho có chừng. Bằng ai muốn đem cả Cẩn hữu hội xoay cả về chánh trị thì tất nhiên nó phải chia rẽ như các hội lần trước.

Quả nhiên đến năm 1928, mùa xuân, trong chi hội của Cẩn hữu hội ở Tô Kiêu có mấy tay nữ sĩ Lương Phụng Thuận, Kim Thuấn Thiệt, hiệp với mấy cô ở chi hội Mộc Phố là Cao Liên Võ, Hàn Quốc Huệ, đứng lên xin hội chánh phải xem xét tình thế lại và thay đổi chánh sách đi. Nhưng trong lúc đó, ở chi hội Mộc Phố vì sự khuynh hướng không đồng nhau mà có sự chia rẽ rồi nữa. Trong chi hội ấy, phe hữu với phe tả vì chủ nghĩa không đồng, nổi lên kình địch.

Người ta thấy ra cuộc phụ nữ vận động ở Triều Tiên, các hội đảng của họ, mỗi một lần đấu tranh mỗi một lần chia rẽ, là có sự tấn bộ đi theo sau. Như sự đấu tranh chia rẽ của Cẩn hữu hội lần nầy ròng là vì chủ nghĩa mà đấu tranh chia rẽ, chớ không như trong Đồng hữu hội lần trước chỉ vì ý khí.

Vậy nhưng nói về sự hành động của Cẩn hữu hội thì lại vì sự chia rẽ mà thành ra không có điều chi đáng ghi chép cả. Bởi vì theo tình thế Triều Tiên, duy có theo chủ nghĩa xã hội mới có phương hành động. Nay những hội viên theo chủ nghĩa ấy đã không đắc dụng rồi thì có làm ra được việc gì đâu? Mấy bà mấy cô theo quốc gia chủ nghĩa, chăm vận động về chánh trị, thì lại chỉ có ý kiến suông mà thôi, chớ không làm ra gì được hết.

Theo như lời thuật trong bài trước với bài nầy, độc giả đã thấy được đại khái nữ giới ở nước Triều Tiên hiện tình ra thế nào rồi. Cũng như xứ Việt Nam ta, đã mười mấy thế kỷ, phụ nữ Triều Tiên ở dưới quyền áp chế, mà một mai họ đứng lên, vùng dậy, đi ra, bước lên võ đài chánh trị và xã hội như thế, thật là đã tấn bộ hơn nữ giới ta nhiều lắm.

Một vài năm nay coi cuộc vận động phụ nữ ở Triều Tiên hơi im im, không có gì oanh liệt lắm, song trải bao lâu nay nhờ cuộc vận động ấy, mà phụ nữ họ đã được nhiều kinh nghiệm, trải nhiều luyện tập, thì sau nầy ắt sẽ có một phen vùng vẫy mạnh hơn xưa.

Mấy lâu nay các nhà tư bổn bên Nhựt đem tiền bạc qua Triều Tiên mở nhiều công xưởng, mỗi một công xưởng dùng hằng ngàn đàn bà Triều Tiên làm thuê. Đám nữ công nhân nầy càng ngày càng hiểu rõ cái chủ nghĩa tư bổn là lợi hại thế nào rồi họ lại càng khuynh hướng về xã hội chủ nghĩa lắm. Bọn nầy thì chỉ hiểu có một cách rằng muốn tự giải phóng cho mình, thì phải phấn đấu ở dưới chủ nghĩa xã hội mà thôi. Ta coi ở Triều Tiên gần đây xảy ra cuộc bãi công của bọn nầy luôn luôn thì đủ biết.

Bổn ý của người viết bài nầy ra, không có gì lạ. Chẳng qua thấy phụ nữ họ đã tấn lên bao nhiêu, có thể ngang hàng với phụ nữ Tàu, phụ nữ Nhựt Bổn, còn nước mình trầm trầm như vậy, nay mới có một hai kẻ kêu gào cho phụ nữ tỉnh thức ra thì lại bị gàn bị trở, cho nên muốn đem phô bày ra cho ai nấy biết.

P. K.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 138 (6. 6. 1932); s. 144 (16. 6. 1932)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân