DÂN VI QUÝ

Đức Bảo Đại, lúc sửa soạn về xứ, có vui mà lãnh cái danh "công dân thành Vichy".

Thành Vichy là một chỗ để nghỉ hè ở bên Pháp. Chỗ ấy, tới mùa nóng nực, thì nhà giàu, các nhà đại danh trong trường chánh trị, trong làng báo, trong nghề hát, trong giới thể thao, vân vân... đến đó nghỉ cho mát và dùng nước suối Vichy có dược tánh. Bên Tây còn nhiều chỗ như vậy như Aix-les-Bains, vân vân... Qua mùa hè thôi thì đô hội, rộn rực, ăn chơi, cờ bạc, vui lắm. Nhà xéc nguy nga to tát; tiệm bán vàng xoàn, bánh mứt, tơ lụa, tuy nhỏ mà rực rỡ và đủ đồ như các tiệm lớn ở kinh đô. Người sang Âu châu mà không có nghỉ hè ở một châu thành như Vichy, thì là chưa biết hết sự vui chơi sung sướng của nhà giàu Âu châu.

Thông Reo xin trở lại với đầu đề: Đức Bảo Đại vui mà nhận lãnh chức "công dân của thành Vichy", các bạn đồng nghiệp rộn rực, vui mừng. Nghề làm báo thì phải chiều lòng quốc dân. Dầu anh làm báo nào mà trong đầu óc chỉ tưởng "tư lợi", ngoài miệng cũng phải vì muốn có đông độc giả, mà la hét "vì quốc dân". Ngày trước có một tờ báo bằng tiếng Pháp của người An Nam   có lấy câu thầy Mạnh Tử: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", mà đề theo danh hiệu của báo. Ngày nay cũng có bạn đồng nghiệp nhắc đến sự: dân không vua thì có, chớ vua không dân thì không. Các bạn đồng nghiệp rộn rực, người lẽ nầy, người lý kia, đều có câu để chào mừng vui tiếp đức Bảo Đại là người chắc thế nào cũng sẽ cải lương nhiều việc cho dân ngoài Trung. Vì đã là bực Thiên tử mà lãnh chức "công dân" thì,  trong lịch sử Việt Nam, cũng là một sự cải lương "mới mẻ và quan trọng". Vichy không phải là thế giới, nhưng hai chữ "công dân" đem ra mà đối với cái danh của một bực "đế vương" nghe thật là hay.

Ngoài Trung, [.......].(*) Các nhà thủ cựu chắc sợ cho đức Bảo Đại làm như thế khó trị dân.

Thông Reo xin các người lo sợ đó yên tâm đi. Bên Âu châu nhiều nước đã tuyên bố dân chủ chủ nghĩa. Mà bên Âu châu thì cái tiếng "vua" càng ngày càng quý trọng. Những người tài cao, thế lực lớn, được địa vị xuất chúng thì thiên hạ tôn cho chức "vua". Như vua "hộp quẹt", vua "dầu hôi", vua "xe hơi", vua "sắt thép", vân vân ... Trong các cuộc chơi, dân chúng thường chọn một người gái đẹp và đủ tư cách trong việc giao thiệp, cử lên làm "bà hoàng hậu". Cho tới cái nghề xe kéo mà bên Thượng Hải mới đây, cũng có cử được một "vua". Cái danh "vua" trong các nghiệp nghệ đó, để thưởng người xuất chúng, là một cái bằng chắc chắn rằng dân Âu châu kia đã sâu nhiễm dân chủ chủ nghĩa mà còn quý trọng vua thay!

Vua Louis 14 là người khôn có nói: "cái nghề làm vua...". Nay đức Bảo Đại dầu có lãnh hai ch "công dân" không đi nữa, thì đức Bảo Đại cũng là đứng vào bực vua biết chiều thời, biết suy xa. Hai tiếng "công dân" đó, nếu chỉ để làm vui lòng dân mà thôi, thì cũng là hay rồi.

Cái "nghề làm vua" lắm lúc cũng khổ tâm rối trí. Cái "nghề làm dân" cũng không phải là vui vẻ sung sướng gì. Dầu không đem phước trời xuống được cho dân, mà đức Bảo Đại nói được một tiếng gì mát bụng dân cũng nên nói.

Thông Reo nghĩ: "Dân Việt Nam dại gì cho đến mỗi mỗi đều bắt chước theo Âu châu". Thông Reo cũng có đọc sách Tây, truyện Tàu chút ít. "Dân chúa" của các nước cộng hòa bên Âu châu, làm chúa chỉ có được trong ít ngày tuyển cử đại biểu đó thôi. Trong mấy ngày đó "dân chúa" có tiền uống rượu, say ba ngù, hò hét chánh trị. Qua hết mấy bữa say, thì cũng "ví thà" như bên ta. Bên cực Đông nầy "Dân chúa" của Trung Hoa cọng hòa đó có sung sướng hơn dân ta không?

Đức Bảo Đại lãnh chức "công dân của thành Vichy" Thông Reo đây chịu lắm. Còn với các người thừa dịp mà đờn ít câu có dân chủ chủ nghĩa, có cọng hòa chủ nghĩa, Thông Reo tưởng nên "dẹp" câu chuyện đó đi.

Hay ho gì câu chuyện "lơ-bớp-xú-vơ-ranh"(1).

Moả thất nghiệp, cho mỏa hoãnh-xu mỏa ra chợ ăn cơm ra-gu chơi, mỏa còn phục hơn.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6802 (11. 8. 1932)

 


 

(*) Chỗ này bản gốc để chấm lửng liền nửa dòng.

(1) Âm của "le peuple souverain" (nguyên chú).

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân