ĐẢNG LẬP HIẾN KÊU TRỜI

Trời ơi! Đảng Lập hiến là một đảng thế lực oai phong, tại vị có cả chục viên hội đồng quản hạt, trong tay cầm hai hiệu báo Tribune Indochinoise với Đuốc nhà Nam, ai dám rờ tới họ sao, mà nói chuyện kêu trời kêu đất?

Không, không. Kêu trời là một cách nói cũng như: la hoảng, la khan, la bài hải vậy mà.

Thì tôi đã nói trước với quan đốc phủ Bảy, phải không sao. Tại chỗ nầy, hôm ngày 23-24 Octobre, tôi có nói: "Hãy coi chừng! Cái máy giảm lương quan lại nó ăn ghê lắm. Đừng có tưởng đút chơi ngón tay út mà không kẹt tới thân".

Rẹo! Ngày 31 Octobre 1932, cái máy ấy ăn đứt trụm cánh tay, nghĩa là có nghị định quan Toàn quyền cho hưu trí, trước 55 tuổi kể từ 1er Février 1933 một lần cả nửa ngàn quan lại [.....](**) hết tới hai mươi tám ông đốc phủ và tri phủ, nghĩa là hết bộn bàng người trong hội "Lương hữu Quan lại" của ông đốc phủ Bảy làm đầu rồi.

Très ému (*)! Rất động lòng! Đợi tới họ động lòng, thời người ta đã chết tê trong ruột! Đồng bào quan lại ta ôi! [.....](**)

(Kiểm duyệt bỏ)

Phải đâu! Họ vẫn là người một xương một thịt giống ta mà. Nói họ khờ họ vụng thì họ rầy, chớ thiệt ra là họ bị người ta dỗ họ xiêu rồi lỡ... dại. Nhưng, họ lỡ nhiều lần quá, rồi anh em quan lại là một phần đại đa số cử tri của họ, anh em mới nghĩ sao?

Thì đây: những lời tôi đã nói trước (T.L. 23-24 Octobre 1932) mà họ có nghe đâu.

"Ông (ông đốc phủ Bảy) hỏi: Trong lúc khuẩn bách nầy, không biết Trung lập có rõ tình hình trong xứ chăng? Cái là ông muốn hỏi nghiệt T.L. chơi, chớ đứa trẻ ba nhe ở chợ Bến Thành nó cũng biết: năm nay nghèo lớn. Lúc nghèo lớn tỉ như cơn đau nặng, ta lại càng thấy rõ các bộ phận ở trong một thân thể, thảy đều có tương liên quan hệ với nhau là dường nào! Phần nào đau ta lo chạy chữa đã đành, còn phần nào mạnh ta phải giữ gìn cho đỡ với chớ. Ông có biết những người còn đổi được giọt mồ hôi nước mắt với nhà nước mà lấy ba đồng bạc tháng kia, họ có ích cho thân tộc, bà con, anh em thất nghiệp là thể nào chăng?

Nhưng ta hãy tạm dẹp cái lợi ích thiển cận ấy lại mà ngó mông cho cao xa hơn thí nữa. Ta thử tưởng các ty các sở của nhà nước như một cái máy để vận động cho toàn thể quốc gia đặng sống (chẳng khác nào bộ máy tiêu thực ở trong thân thể kia), mà quan lại là những thợ thuyền làm cho cái máy ấy đặng chạy. Vậy thì hỏi trong cơn nguy khốn, ta có nên làm cho giảm sức mấy anh thợ máy đó hay chăng?"

Trả lời cho hai câu hỏi ấy, Đuốc nhà Nam đã lớn lối mà lên giọng quở rằng: "Đừng có kiếm chuyện xui quan lại tẩy chay bổn báo, bổn báo vẫn càng thêm độc giả mãi và đứng vững như thường".

Lạ hôn! Trong lúc người ta đang phập phồng cho nồi gạo của các quan, mà chú Đuốc lại quýnh quáng chạy chữa bàu cho nồi gạo của chú chớ.

Để tới nay (21 Novembre 1932) đảng Lập hiến mới nhìn nhận trong cơ quan cái của họ (La Tribune Indochinoise) rằng: bớt 500 quan lại và ty thuộc đi một lượt là làm cho gia quyến của quan lại phải nguy nan trong lúc ngặt (juste au plus fort de la crise) và phá hoại các ty, sở bởi mất tay thạo việc sành nghề (la disparition de fonctionnaires expérimentes désorganisera les services).

Dữ ác hôn! Hại thiệt hay sao, a các ông? Vậy thì rút dù đi, chớ còn núm níu nữa chi cho thần dân đều oán hận.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6878 (24. 11. 1932)

 


 

(*) Très ému (chữ Pháp): Rất xúc động

(**) Các chỗ này ở báo gốc chấm lửng liền nửa dòng mỗi chỗ.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân