DANH DỰ

– Anh Tư, anh biết danh dự là gì không?

– Chú mầy làm nghề nhựt trình, coi báo chí bên Tàu bên Tây thường biết rõ nói nghe chơi, chớ nhè tôi Huất Trì mà hối đố tôi làm chi.

– Ừ, nói thì nói: bên Pháp người ta mới đặt ra một giải thưởng văn chương cho con nít dưới 13 tuổi. Anh Tư, anh nghĩ sao?

– Tốt lắm! Tốt lắm! Con nít xưa nay có nhiều đứa có khiếu thông minh về âm nhạc, về nghề họa, về nghề nắn tượng, vân vân..., chớ hiếm có đứa nào là thần đồng văn chương. Bây giờ bày ra giải thưởng văn chương, ấy là giục lòng nông chí chúng nó trong nghề làm văn. Tốt lắm... À, mà mấy cậu dự tranh phải làm gì? Viết một bộ tiểu thuyết chăng?

– Không đâu anh Tư. Họ chỉ buộc các cậu gởi đến một bài đoản thiên, một câu chuyện vặt mà có lý thú, viết văn vắn vậy thôi. Những chuyện các cậu thuật sẽ giúp cho người ta biết thấu đến tâm tánh các cậu. Tỷ như thằng Bẻn, con anh nó có cái óc mạo hiểm, thì nó thuật chuyện lính kín, ăn cướp, máy bay...

– Thôi, thôi, hiểu rồi, chú mày không cần ví dụ cho dông dài nữa... À quên, vậy chớ họ sẽ thưởng vật gì?

– Thưởng tiền: 2 ngàn quan.

– Chà chà! Khá quá hớ! Mà mấy ông chủ khảo còn buộc điều gì nữa không?

– Họ buộc các cậu phải lấy danh dự mà thề rằng sẽ không chạy mượn ai làm bài thi giùm cho hết; để cho các cậu làm "ên" thê! Anh Tư, anh nghĩ coi có phải là mấy ông chủ khảo họ trớ trêu không?

– Sao mà trớ trêu?

– Anh suy nghĩ mà coi: đời bây giờ, cho tới người lớn mà còn không biết danh dự là gì, huống chi con nít. Bởi vậy nên họ có làm việc gì quấy, mà họ chối, mình biểu thề "lăng ông Bà Chiểu" súc huyết, hay là Bà Đen móc nhãn, thấy họ "ứ hơi" ngay, chớ biểu họ lấy danh dự ra mà thề, thì, ôi thôi, họ đổ ra cả dọc nghe xuôi rót...

Ừ, anh cười! Bộ anh nghi tôi nói giỡn chăng? Thôi, để tôi tỉ cho anh nghe.

Anh lại tiệm Chệt mua hai xu đường phèn. Anh đưa tấm giấy ngàn. Thằng Chệt nó thấy anh khờ, nó muốn ăn gian anh chơi, nó thối lại chín cắc tám. Anh cãi anh biểu nó phải thối bốn đồng chín cắc tám. Nó cũng cãi, nói rằng anh đưa có 1 đồng mà thối 4p98 cái gì! Anh bảo nó lấy danh dự ra mà thề, nó "tỉu na" danh dự, nó thề liền... Nếu anh quỷ hơn nó một thí, anh biểu nó thề đứa nào ăn gian, ông bổn hay là bà Chợ Lớn hại, chắc là nó sẽ đổ mồ hôi hột, đem tiền ra trả lại anh liền.

Gần đây có một ông hội đồng tên L... rủi bữa nọ túng tiền, sai vợ chạy mượn một người bà con bên vợ 3.000 đồng. Đến chừng đòi, ông L. nói trả rồi. Chủ nợ không chịu, đòi lên tòa, ông cũng lên. Tòa biểu ông L. lấy danh dự ra mà thề, ông lập tức thề liền, còn giơ cả hai tay nữa. Đến chừng chủ nợ đòi đi lăng ông Bà Chiểu thề, ông dân biểu nhà ta xanh mặt, xin hẹn để về nhà hỏi lại vợ coi trả nợ chưa, chớ thật thì ông đã đưa cho bà ba ngàn rồi.

Cách đây vài tháng, hai vợ chồng anh nọ ăn cắp tiền làm nghĩa. Người ta bắt được, vợ chồng nhà vẫn chối lia chối lịa, rồi danh dự gì cũng đổ tuông ra, đem thề mỗi ngày trên tờ báo. Cái thứ con buôn dám đem của thập phương vô mà làm của nhà, đã không lương tâm thì còn gì danh dự nữa mà không thề sướt.

Phải chi có ai biết tâm lý ăn trộm, biểu thằng chả thề Bà Đen móc nhãn, và biểu con mẻ thề đứa nào thò tay mặt đặt tay trái vô ăn cắp thì mụ bà cho đẻ ngược, chắc là thằng như cỏn thú thật liền, đâu có sanh sự lôi thôi, phải kéo đến hai ba tờ báo vô tư đến cửa công mà hầu kiện.

Đó, kể vài ba chuyện như vậy cho anh biết rằng danh dự bây giờ, đem rẻ thúi.

Bởi vậy nên đọc xong cái tin nói rằng sẽ có giải thưởng văn chương cho con nít, tôi không khỏi cười thầm. Cười thầm ai, noi theo gương kẻ lớn, trẻ nhỏ sẽ đem hai chữ danh dự bỏ trật ra đằng sau ót rồi mạnh đứa nào giỏi chạy là đứa đó được "thần đồng" [.............](*)

G. de la Fouchardière(*) tiên sanh là một người rõ tâm lý người đời hơn ai hết, có viết, ở đâu tôi quên rồi, một câu như vầy:

"L'honneur, qu'est-ce, si ce n'est qu' une blague de moralistes". "Danh dự là quái gì đâu, ấy chỉ là điều huyễn hoặc chơi của các nhà luân lý học".

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6812 (24. 8. 1932)


 

(*) Chỗ này ở báo gốc chấm lửng liền 2 dòng.

(*) Georges de la Fouchardière (1874-1946): nhà báo Pháp.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân