ĐẠO ĐỨC VỚI CHIẾN TRANH

Lúc Thái Hư pháp sư (*) (người Tàu, xứ ta có ít nhiều người biết) đi du lịch Âu châu (năm 1929), khi tới nước Đức, có một vị danh nhơn Đức nói chuyện với Pháp sư rằng:

Trận Âu chiến mới rồi, không phải là không có thể tránh đi cho khỏi được, thế mà rốt cuộc không tránh khỏi, là cũng bởi các người đương cuộc của các nước Âu châu rất kém thiếu về sự tu dưỡng đạo đức cho nên mới đến nỗi. Nghe đạo Phật rất trọng về sự tu dưỡng đạo đức; nay Pháp sư đến đây rao truyền đạo Phật, chúng tôi bởi vậy rất lấy làm hoan nghinh".

Thái Hư pháp sư trả lời rằng:

"Âu châu từ trước vẫn cũng có tông giáo để mà nuôi lấy đạo đức; nhưng từ thế kỷ gần đây, khoa học ở Âu châu tấn bộ mau quá, rồi cái tông giáo mà người Âu tín ngưỡng hồi trước phải bị lung lay, sự tín ngưỡng ấy ở trước mặt khoa học khó mà thành lập được nữa, nên mới thành ra cái hiện tượng như thế. Bây giờ phải có một cái tín ngưỡng mới cho họ, mà cái tín ngưỡng ấy tức là đạo Phật rất cao diệu, rất đầy đủ, không trái nhau với khoa hoc lý trí mà lại vượt lên trên khoa học lý trí, để mà giục giã cho sự tu dưỡng đạo đức, thì mới được. Các ông đã biết răn sự về trước thì phải lo sự về sau. Nếu các ông lo dựng nên cái tín ngưỡng mới nầy để dưỡng thành cái đạo đức chơn thật, thì sự hòa bình của thế giới, của loài người mới có thể giữ được mà thôi" (Thái Hư pháp sư hoàn du ký, trương 44).

Ai mới đọc qua lời vấn đáp nầy cũng phải cho là có ý nghĩa cao thượng lắm. Cái ý nghĩa ấy tức là muốn lấy đạo đức mà làm tiêu diệt chiến tranh đi.

Song người nào có cái óc duy vật sử quan (Materialistic Conception of History) một chút mà đọc qua đoạn nghị luận đó thì lại lấy làm vô vị; bởi vì cách giải quyết như Thái Hư pháp sư đó không phải là cách giải quyết tận gốc.

Cuộc Âu chiến 1914-1918 phát sanh ra là bởi khoa học tấn bộ quá, những sản vật do cơ khí chế tạo ra nhiều quá, các nước giành nhau chỗ thị trường để mà tiêu thọ nên mới đánh nhau. Theo như lời vị danh nhân Đức ấy nói thì đạo đức chỉ là để tránh khỏi sự chiến tranh sau khi nó đã gây mối ra. Còn theo ý Pháp sư thì cũng chỉ lấy đạo đức của Phật giáo mà thay vào cho đạo đức cũ của Âu châu là đạo đức của Gia-giáo(*). Vậy thì ai dám chắc rằng cái đạo đức ấy có thể tiêu diệt chiến tranh được?

Mặc dầu có tín ngưỡng mới, sự tín ngưỡng ấy đủ gây nên đạo đức chơn thật, song khoa học cũng cứ tấn bộ, cơ khí cũng cứ sanh sản ra nhiều, thì cũng không khỏi chiến tranh. Đến khi cái ngòi chiến tranh muốn cháy rồi mới lấy đạo đức mà tắt nó đi, có được đi nữa thì cũng là sự cầu may mà chớ. Cho nên nói rằng đạo đức chưa phải là cái đồ để tiêu diệt chiến tranh tận gốc.

C.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 158 (7. 7. 1932)


 

(*)  Thái Hư (1890-1947) họ Lữ, tên Cán Sâm, nhà sư, nhà hoạt động văn hóa Trung Quốc.

(*) Gia-giáo: ý nói Gia-tô giáo (Catholicisme tức Công giáo, hoặc Christianisme tức Thiên Chúa giáo).

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân