ĐẦU ÓC ĐỊA PHƯƠNG

"Sống, cái nhà; thác, cái mồ" là câu tục ngữ xưa nay. Cái mồ rất trọng hơn cái nhà, vì cái nhà chỉ quan hệ có một đời, còn cái mồ quan hệ cho cả mấy đời con cháu về sau. Cổ tục mê tín ở xứ ta đã dạy như vậy.

Nhà giàu không những tham cái đời sống của họ mà lại còn mưu tính cho con cháu của họ về sau nữa. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng nầy, "thầy đồ" được thêm cái nghề "thầy địa lý" để kiếm cơm cũng khá. Song cái đầu óc quý trọng cái mồ thời quá, Thông Reo nghĩ cũng nên phá nó đi. Đối với đám người mê muội trọng dị đoan thì Thông Reo không dám đả động đến. Chớ đối với hạng người có chút học thức, cũng nên cho họ thấy sự mâu thuẫn trong việc làm của họ.

Những Nam Kỳ nghĩa địa ở Bắc, Bắc kỳ, Trung kỳ nghĩa địa ở Nam, thôi thì nói rằng, cốt cho gia quyến ở xa dễ tìm đến viếng thăm, một bó hương một chùm hoa nhớ tới người vắng mặt. Chớ đã bà con cháu chắt dòng Hồng Lạc, non sông tổ quốc dầu cách xa ngàn dặm cũng là dân chung một nước, mười mấy năm nay đã từng nhắc nhủ nhau "Anh em ơi, Nam Trung Bắc cũng một nhà" thì có lẽ đâu nay lại bày ra nuôi giữ cái đầu óc phân chia dòng Hồng Lạc.

Còn Gò Công nghĩa địa, Long Xuyên, Sa Đéc nghĩa địa, vân vân, người mình lập ra đó có vì sự tiện lợi gì chăng? Thông Reo suy không ra cho nên Thông Reo buồn. Buồn vì cái chí nam nhi xưa nay lấy bốn biển làm nhà, mà sao còn cho Nam kỳ là rộng thới quá. Rộng cho đến khi chết rồi mà hồn còn ngộp, phải thâu Nam kỳ lại cho bằng một cái tỉnh cỏn con kia, linh hồn mới được bình yên!

Người đi biển rủi chết giữa biển lấy nước biển làm mồ. Ba trăm triệu dân Ấn Độ kia, khi chết rồi, hoặc thiêu tan xương cốt quăng tro xuống sông Gange, hoặc bỏ ở tháp cao cho quạ làm tiệc. Có người thuật lại: dân tộc nhỏ ở một cái cù lao kia làm thịt cha mẹ già mà ăn, đặng gìn giữ máu mủ của cha mẹ ở lại trong xác thịt mình.

Thông Reo không xúi người mình ăn thịt cha mẹ già. Song sự chôn cất thây ma, trên thế giới nầy có nhiều cách, lấy gì làm chắc rằng cách của dân mình là hay? Trọn đời sống, cái thây sồ sộ không làm được một việc gì hay. Đến lúc thịt tan xương rã lại lo phương này phương kia để gìn giữ. Cái đời trăm tuổi, mưu không được chút gì để truyền danh thơm lại. Khi óc nát tim tan, xây mồ xây mả, mượn đá khoe danh với hậu thế!! [......] Biết bao nhiêu anh hùng, vĩ nhơn, xưa nay chết không có hòm chôn, không vì đó mà anh hùng, vĩ nhơn mất giá trị.

Trái đất nầy là hẹp. Sự sắp đặt của thế giới ngày nay làm cho các dân tộc các nước quan hệ nhau. Phải có đầu óc quốc tế mới mong hiểu nổi xã hội. Người mình chưa thoát khỏi ranh giới quốc gia, mà lại còn đầu óc địa phương phân rẽ. Nghĩ cũng buồn thay!

Nam nhơn chi chí lấy bốn biển làm nhà, chết ở đâu cũng được mà!

(Bị kiểm duyệt bỏ)

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6848 (5. 10. 1932)(*)


 

(*) Sau số này, Trung lập bị Thống đốc Nam kỳ Eutrope phạt đình bản 8 ngày (vì đã đăng 2 tấm hình có nội dung bài Nhật mà Sở Kiểm duyệt đã cấm), đến 14.10.1932 mới ra lại số tiếp theo.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân