DỄ GÌ BẮT CHƯỚC

Người ta là con thú ít ưa bình đẳng mà lại ham nói chuyện bình đẳng hơn hết. Bởi ít ưa bình đẳng nên xã hội nào cũng có phân ra giai cấp, cũng có thượng, trung và hạ lưu.

Thượng lưu là gì? Trung, hạ lưu là gì?

Nếu anh Bốn Huế ở đây, ảnh biểu Reo cắt nghĩa giùm, thì Reo tôi cứ theo lối cũ, là đem ví dụ ra mà trưng.

Thượng lưu đi xe hơi, ở uy-la (villa). Trung lưu đi xe kéo ở phố mướn. Còn hạ lưu thì lết bộ, ở phố lá.

Nếu ai cãi Thông Reo, nói rằng hạ lưu cũng có đi xe hơi, cũng ở uy-la, cũng đi xe kéo như ai kia vậy thì Reo xin đáp.

Hạ lưu ở uy-la đặng làm tay sai, đi xe hơi đặng cầm tay bánh, còn họ chỉ đi xe kéo, khi nào họ phải chở chuyên vật gì nặng, mà họ khiêng không nổi. Không bao giờ tôi thấy được một anh nào, nhà không có xu mua gạo, mà lại ngồi vích đốc trên xe kéo, để cho người làm ngựa kéo đi chơi.

Thông Reo nghèo, hay đi xe số 11, nên cũng có thể tự xưng là thuộc về hạng hạ lưu được. Không phải phủ binh phủ, huyện binh huyện, chớ tôi dám chắc ở trong bọn nghèo chúng tôi, có nhiều tánh tốt mà mấy ông thượng lưu khó bắt chước cho in. Cái tánh tốt mà Reo tôi muốn nói đây là tánh làm nghĩa mà không khoe không kể ơn.

Mới đây, anh ba Nghèo, sớp-phơ ông hội đồng Rồng thấy thằng Mạc, là bồi của ổng, đau liệt giường liệt chiếu. Trong hồ bao còn năm đồng ba cắc rưỡi, anh ba Nghèo ảnh trút ráo cho thằng Mạc uống thuốc. Trong lúc thằng Mạc chưa mạnh, ảnh không chạy khoe với ai chuyện ảnh làm, mà đến khi nó hết đau, ảnh cũng không đi kể ơn như anh Tào Tháo ở đường Vannier.(*)

Thằng Mạc, mạnh rồi, lại lạy lục cám ơn anh Nghèo, ảnh chỉ đáp có một câu cụt ngủn:

– Tính cho qua mà, em!

Ông hội đồng Rồng hay được chuyện đó, kêu anh ba Nghèo lên khen vài câu, rồi nghĩ trong đám bồi bếp mình mà còn có đứa "lớn bụng" như vậy, ông mắc cỡ, nên ông quyết làm y như kẻ dưới tay mình, chớ không chịu thua.

Thấy một ông bạn đồng nghiệp bị kẻ thì đặt tuồng chế nhạo, người viết sách bài trừ, ông bèn đem hai tờ báo, bốn tấc lưỡi ra mà binh vực, che chở. Ông dùng đủ cách, cho đến cái kiểu cậu học trò nhỏ nhứt động nhứt tĩnh kể: "Thưa thầy, thằng nầy chưởi tôi" – cho đến kiểu đó ông cũng không chừa. [........](*) người mà ông hội đồng ta binh vực cám ơn ông quá, nên lại kiếm ông, có lạy lục hay không, thì Reo không rõ. Ông hội đồng nhớ câu trả lời của tên sớp-phơ ông, ông cũng muốn đem ra xài với anh nọ, song không hiểu lúc đó cái lưỡi ổng trát ổng hay sao, mà ổng không nói "Tính cho qua mà, em!" Ông lại nhè nói: "Tính cho qua chút đỉnh mà, em!"

Vì dư cái chữ chút đỉnh, mà anh kỉa kia hiểu lầm, móc bóp...

Nói có một câu: "Tính cho qua mà, em!" mà còn không xuôi, vậy thì đủ biết rằng có nhiều chuyện, đám hạ lưu làm, mà mấy ông quân tử bắt chước không in được...

Ủa, mà biết người ta bắt chước không in được hay là người ta muốn bắt chước không được in?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6821 (3. 9. 1932)


 

(*) "Anh Tào Tháo ở đường Vannier" có lẽ muốn trỏ ông Nguyễn Đức Nhuận, chủ báo Phụ nữ tân văn.

(*) Chỗ này ở báo gốc chấm lửng liền 1 dòng.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân