DỊ ĐOAN

Dị đoan là gì? Dị là lạ là kỳ, đoan là đầu mối; vậy thời dị đoan là mối lạ chớ gì.

Đối với việc lạ mà mình chưa tìm ra manh mối, thì tưởng có hai cách, một là hất trật nó ra đàng sau ót cho nó khỏi án tầm con mắt của mình; hai là dùng lý trí mà suy đặng khám phá cho ra manh mối.

Trong hai cách đó Thông Reo không thấy chỗ nào mà hai chữ dị đoan kia đáng cho người mình khinh bỉ chê bai hoặc kiêng dè sợ sệt cả.

Thật tiếc quá! Trong một bài "Nghe thấy" cỏn con nầy không thể nào khảo cứu cái nguyên lai của hai chữ dị đoan cho được. Song việc đời vẫn quanh đi quẩn lại, thời Thông Reo hãy còn có dịp mà bàn bạc với bà con. Dị đoan – ủa quên! – dị kỳ quá! Không biết phải tại dân Nam ta ăn chung ở lộn với Tây, rồi phong tục lễ giáo gì đều tiêm nhiễm theo Tây hết ráo chăng? Ừ, tiêm nhiễm chẳng tiêm nhiễm. Mà tiêm nhiễm phải. Phải tiêm nhiễm theo họ đặng sống còn chịu đựng chớ.

Theo Tây thời mùa nầy là mùa sinh nhật. Nghe họ hát Noel! Noel! chẳng hay bà con ta có ngụ ý chi chăng? Tiếng Noel do bởi gốc chữ Latin là natalis, dịch ra chữ Pháp là natal, mà nghĩa ta là ngày sanh (sinh nhựt). Trong các cuộc vui mừng mà ta thấy họ hoan ho bằng hai tiếng Noel! Noel! thì ta phải hiểu hai tiếng đó có nghĩa là sinh nhựt! sinh nhựt!

Chắc bởi tại hai tiếng sinh nhựt ấy mà dạo nầy các báo Tây, Nam ở Sài Gòn khi không rồi còn rùng rùng rủ nhau đăng những tin sanh là tin sanh! Thì vừa rồi ai nấy đã thấy báo Trung lập mách ngữ là con nít mới đẻ mà đã mọc đủ răng, đàn bà ăn ổi mà thọ thai, chửa đẻ, đâu cho tới gà trống cũng là rán đẻ được một thôi năm trứng.

Mới đây báo Công luận lại đăng tin một người đàn bà chửa đi chuyến xe lửa về Mỹ Tho, lối 7 giờ, xe chạy gần Tân Lý Tây, chị ta vùng chuyển bụng đẻ rơi trên xe lửa. Bạn đồng nghiệp có la rầy dức bẩn "Đàn bà thai nghén đã gần ngày mà còn đi xe đi cộ làm gì cho dọc đường phải khai hoa nở nhụy?" Thông Reo cũng lấy làm thương hại cho chị nớ. Đã biết mình cận ngày cận tháng mà còn lo chạy đôn chạy đáo cho đẻ rớt đẻ rơi! Thiệt gặp cái hồi kinh tế ngặt nghèo nầy mà chị dám quên mình, thì Reo tôi phải chịu cho câu hát nhà ta là đúng: "Thương chồng nên phải gắng công; nào ai xương sắt da đồng chi đây".

Song tôi nghĩ mùng giùm cho chị, là rơi cũng thì rơi, mà đẻ rơi trên xe lửa Tây không sao hết. Chớ phải chị đẻ thử ở khách sạn hoặc trên xe đò của người mình coi họ có ngầy(*) chị thẳng tay không cho biết.

Dân Nam ta có cái thói gặp người chết ở nhà mình thì không lấy làm điều, mà gặp người đẻ ở nhà mình lại cho là hệ lụy – cái thói dị đời đó mà kêu là dị đoan, thì Thông Reo phải chịu ngay. Dị đoan cái gì! Sanh tử sờ sờ trước mặt mà còn đặt điều tin dị? Họ tin dị là vì họ tin: chết là thế đầu cho họ, còn đẻ là giành chỗ ai đây... Nếu tính như vầy thời đừng tin số mạng nữa chớ!

Thôi mối manh phăng kiểu đó nó lộn nhộng rối nùi giờ. Đã theo Tây thời cứ việc Tây đi.

Theo Tây thì họ chẳng cữ kiêng chi ráo. Một cái cớ hiển nhiên chan nhản(**) là vừa rồi tạp chí Indochine có vẽ hình (hình lớn) một người đàn bà lõa thân đương nằm đẻ thiệt tình. Trong một gian phòng rộng có cả chục ông đang lóng xóng(**): ông bắt mạch bà đẻ, ông bồng em, ông đẩy nôi, mà nhứt là có một ông già râu đương bợ một sợi giây không thấy mối, chạy từ rún đứa ấu sinh cho tới cửa... mà nó mới chun ra đó. Ông già râu nầy có mang bao tay cao su cầm cái kéo sè dợm cắt... rún trên hình đề Noel! Noel! Dưới hình giải cuộc sanh đẻ khó khăn của một cái ngân sách.

Dị đoan! Dị đoan! Mối lạ! Mối lạ!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6909 (31. 12. 1932)

 

 


 

(*)  ngầy: dức lác, rầy la (H.T. Paulus Của, sđd.)

(**)  chan nhản: nhan nhản.

(**) lóng xóng: lóng nhóng với vẻ lăng xăng rối rít (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân