ĐI LẠI RỒI CŨNG AN NAM KHINH AN NAM

Một dân tộc mà được người ta trọng hay bị người ta khinh, ấy là tại mình, cũng không khác chi một cá nhân được trọng hay bị khinh, là tại mình vậy. Thầy Mạnh Tử nói rằng: "Người ta, ắt mình khinh lấy mình mà sau rồi kẻ khác mới khinh; nhà, ắt mình phá lấy mình mà sau rồi kẻ khác mới phá; nước, ắt mình đánh lấy mình mà sau rồi kẻ khác mới đánh". Vậy thì một người, một nhà, một nước, nếu muốn khỏi bị khinh thì cũng chỉ phải giữ một cái lẽ gốc giống nhau, là sự tự trọng.

Như thế thì trong khi một người, một nhà, một nước mà có bị ai khinh, tưởng cũng chẳng nên trách cái người khinh mình đó làm chi, mà chỉ phải trách mình thôi.

Ấy đó, bữa nay mình bị người ta khinh, mình nên tỉnh ngộ lại, mình hỏi mình rằng tại sao mình lại bị họ khinh? Biết cái lỗi tại mình rồi thì liền ăn năn chừa bỏ, tu đức sửa nết mà tỏ ra mình biết tự trọng đi. Làm như vậy tôi dám chắc rằng đến bữa mai, người ta quyết không khinh mình nữa, mà họ lại trọng cho mà coi.

Người Việt Nam mình hình như lại ít làm theo cách ấy. Người Việt Nam mình khi bị kẻ khác khinh thì liền trách kẻ ấy rằng: Sao anh lại khinh tôi? Ấy là do cái bịnh quên xét lấy mình. Mình cho đứng đắn thì ai dám dể khinh?

Chúng ta ở chung với người Pháp, thấy người Pháp có ý không trọng chúng ta thì chúng ta liền trách móc.

Đừng giấu ai làm chi, có sao nói vậy. Thật chúng ta có trách người Pháp về chỗ ấy, cho nên có mấy ông quan lớn người Pháp, biết điều lắm, muốn chúng ta khỏi trách thì mấy ông lo dạy bảo nhau về cách giao thiệp đối với chúng ta.

Trước đây có một ông quan đứng đầu trong nhà binh, thông tư cho các quan dưới quyền mình, từ rày về sau không được dùng chữ indigène mà xưng người Việt Nam trong giấy tờ việc quan. Lại còn quan Toàn quyền Pasquier thì năm ngoái cũng có thông tư cấm hết thảy người Pháp ở trong cõi Đông Pháp không đặng dùng chữ "tu" chữ "toi" mà xưng hô người Việt Nam, nghĩa là ngài không cho người Pháp kêu tụi mình bằng "mầy".

Như vậy là người Pháp đối với chúng ta có lễ phép lắm rồi đó? Mặc dầu chúng ta có đáng trọng hay không, không biết; người Pháp cũng cứ giữ lễ phép mà không khinh chúng ta, như vậy là họ ở phải thế lắm chớ!

Bây giờ đây, có ông quan binh nào dùng chữ indigène mà chỉ bọn lính tập không? Anh em hết thảy có khi nào bị người Pháp nào kêu mình bằng "tu" hay "toi" không? Tôi tưởng chắc không có, vì họ biết phục tùng mạng lịnh quan trên lắm mà.

Hay! Ngày nay người Pháp không khinh An Nam nữa rồi. Chỉ  An Nam khinh An Nam thì có.

Chiều chúa nhựt rồi, tôi đi bộ từ Sài Gòn vô Gia Định thăm một người bạn. Rủi bạn đi khỏi, làm bực cả mình. Lần hồi ra ga xe điện để về nhà thì xe điện vừa chạy, làm tức mình thêm nữa. Đứng chỗ ga, liếc mắt qua một tờ yết thị, càng tức mình hơn. Ôi! cái buổi chiều ấy của tôi nó xui làm sao!

Yết thị như vầy:

"La Compagnie française de tramways (Indochine) a l' honneur d' informer le public que...."

Đó là bên chữ Pháp. Tờ giấy chia hai ra in chữ ta phía tay mặt, dịch theo nguyên văn chữ Pháp đó, như vầy:

"Công ty xe lửa nhỏ người Pháp (Đông Pháp) rao cho nhân dân hay rằng..."

Ông nào dịch vậy? Thiệt nó đem chướng quá! Làm sao bên chữ Pháp nói "a l' honneur" ra dáng kính trọng như vậy mà bên quốc ngữ lại bỏ đi không dịch ra?

Phải vậy mà thôi đâu. "Informer" mà dám dịch là "rao", "le public" mà dám viết là "nhân dân" nữa kia, mới dễ xung cho chớ! Hãng xe lửa nhỏ mà "rao" cho ai cà? Chỉ có chánh phủ thì mới kêu tụi nầy bằng "nhân dân" chớ mặt nào lại dám kêu phăng như vậy, dầu mặt ấy bảnh tới đâu đi nữa cũng không được mà!

Quả là cái yết thị bằng chữ Pháp đó nói một cách lịch sự lắm, không ai trách được. Mà tại ông An Nam nào đó đem nhè dịch ra cái giọng chảnh nói ở trên óc o người ta, thiệt nghe mà phát ghét!

Có phải An Nam lại trở khinh An Nam không? Ông nào dịch đó? Hãy nằm xuống giường Hồng Kông rồi biểu vợ cầm roi đánh ba chục, vừa đánh vừa dặn: "Nhớ nghe mình! rày về sau đừng dịch bậy nữa nghe!"

THÔNG REO

         Trung lập, Sài Gòn, s. 6669 (1. 3. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân