ĐỐ CHẠY THOÁT CÁI NGHỀ NẦY

Thông Reo, nếu ai lấy cái tuổi tác trong làng báo ra mà so với nó thì nó cũng dám so với chơi. Nó tuy chưa đặng làm anh cả trong làng báo chớ cũng chưa đến nỗi là đàn em mà từ khi chưa đổi tên là Thông Reo, nó đã cầm cây viết nầy mà lãnh lương mỗi mỗi tháng rồi. Nếu lấy số đại khái mà tính, thì Thông Reo nầy làm báo, cũng không mất 15 năm; bằng như tính từ năm (*) cho đúng thì nó cũng đến 16-17 năm chớ không ít.

Nhiều khi vì cớ làm không đủ nuôi vợ nuôi con mà Thông Reo toan gác bút. Giấy từ chức đưa cho ông chủ nầy rồi lại đưa cho ông chủ khác hoài hoài. Tuy vậy, cái nghề làm sao mà nó cột chặt người ta quá: mở ra, nó cũng như cái nghề làm đĩ của cô Kiều, rồi lại buộc vào như chơi!

Tưởng có mình Thông Reo – mầy ơi! vinh hạnh lắm mầy ơi! – làm vậy mà thôi, ai ngờ anh bạn đồng nghiệp cũ của nó là Maurice Sarraut ở bên kia cũng vậy.

Nói mà nghe chớ Thông Reo nếu có muốn nhìn bạn đồng nghiệp thì nên nhìn Albert Sarraut kia, chớ còn Maurice Sarraut thì sợ có hơi xa một chút, liệng ba tầm rựa chưa chắc tới. Tuy vậy hai người họ chẳng là anh em ruột với nhau, mình làm quen với anh Albert thì cũng có thể nhơn đó mà làm quen với anh Maurice luôn được.

Số là lúc Thông Reo mới bước chưn vào làng báo, thì Albert Saraut qua làm Toàn quyền Đông Pháp lần thứ nhì. Khi ngài mới lại Nam kỳ, dạo chơi Lục tỉnh, có ăn một trái chuối trên bàn án của anh em Thông Reo đặt ra bái hạ ngài, thì Thông Reo đã viết bài khen ngài từ đó. Hồi đó Albert trở về Sài Gòn, làng báo đặt tiệc trà hoan nghinh, ngài bèn diễn thuyết một bài thiệt khoái, chính Thông Reo đã dịch bài ấy ra mà.

Nhờ bài diễn thuyết nầy mới rõ rằng chính Albert Sarraut đã do nghề báo mà xuất thân. Ngài có nói, dầu nay đặt mình vào chánh giới, nay phát biểu ý kiến nầy, mai tuyên bố chánh sách kia, vận động om sòm, mà cũng không quên được cái nghề cũ. Thế nào một ngày kia về hưu rồi cũng lăn vào mà sống trong cái nghề bạc bẽo ấy chớ không thôi.

Lời nói ấy thật có ý vị. Bởi Thông Reo ngày nay có kinh nghiệm nhiều nên càng thấy rõ ý vị lung.(*) Mà lời nói ấy cũng đã thành ra lời sấm rồi sao! Albert Sarraut thì chưa đến ngày về hưu, chưa biết có giữ vẹn lời thề với nghề báo chăng, chớ còn anh ruột ông ta là Maurice Sarraut thì đã thiệt hành cái câu ấy rồi đó.

Theo tin ở Paris ngày 31 Mars thì Nguyên lão nghị viên Maurice Sarraut đã từ chức ở Thượng nghị viện rồi, lần nầy ông ta về, có ý hy sanh hết cả ngày giờ cho một tờ báo địa phương rất có giá trị thuở nay, "La Dépêche de Toulouse", là tờ báo của ông ta và em ruột mình là Albert Sarraut đã sáng lập.

Mới nghe nói Maurice Sarraut trở về làm báo mà càng quyết cho Albert Saraut một vài năm nữa, đến ngày hưu trí, rồi cũng lăn vào đó như anh mình, chớ đố chạy đâu cho thoát cái nghề nầy. Bởi cái nghề nó lạ lắm, thuốc phiện người ta nói có ma "anh chị" thế nào, thì nghề báo, hình như nó cũng có ma anh chị thế ấy, chạy nó đâu có thoát.

Vậy chớ đến phiên Albert về làm báo thì có lẽ nào lại cũng chun vào tờ "La Dépêche de Toulouse" mà sống nữa hay sao? Thông Reo tưởng lúc đó phải có tờ "La Dépêche d' Indochine" cho ông ta làm mới xứng đáng. Vì Albert đã có lần nhận Indochine là "quê hương thứ nhì" của mình, thế thì có khác gì Toulouse mà lại không binh vực cho nó ư?

Có tờ báo Tây đăng tin nầy mà lấy làm lạ, sao Maurice Sarraut lại coi tờ "La Dépêche" trọng hơn Thượng nghị viện, bỏ cái nọ mà lấy cái kia? Ấy là họ chưa biết: cái nghề báo nó hay cột người ta đó, chú anh bữa nay như vầy, rồi chú em bữa sau cũng phải vậy không khỏi.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6697 (5. 4. 1932)


 

(*) "tính từ năm" cần được hiểu như "tính từng năm"; "từ" là dạng biến âm của "từng" ở phương ngữ miền Nam.

(*) lung: nhiều, dồi dào… (Từ điển phương ngư Nam Bộ, sđd)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân