ĐÔI LỜI VỀ LỐI "THƠ MỚI" CỦA PHAN KHÔI

Xem bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan tiên sinh, đăng trong Tập văn mùa xuân của Đông tây, trong óc tôi vụt nảy ra một tia hy vọng mới về lối thơ văn đó.

Chẳng phải là thi sĩ, tôi như cũng thích thơ! Lắm lúc cao hứng muốn làm thơ, nhưng ít khi được có bài viết trôi một mạch, mà phần nhiều cứ kéo được vài câu rồi "thơ" đâu chẳng biết, chỉ thấy "thẩn" người ra! Cái óc "khô khan" như muốn thúc cái tay "cứng quèo" đẩy cái bút "ngô nghê" đi nhanh trên tờ giấy trắng. Nhưng than ôi! hồn thơ mỏng mảnh, mà bệnh thơ như muốn giết hồn thơ.

Trong một bài thơ, đếm chừng phỏng được mấy câu? Mỗi câu lại được là mấy chữ? Thế mà còn nơm nớp, sợ hết chứng nọ đến tật kia: lạc vận, vất đi; khổ độc, sổ toẹt; thất niêm, vòng mép; thất luật, đánh đòn. Da chi dĩ lại còn lo trong một câu, mà chữ thứ mấy điệp vận với chữ thứ mấy, thì bị quở là có bệnh phong yêu hạc tất! vân... vân...

Nay Phan quân đem lối "thơ mới" ra, cảnh tỉnh khách làng thơ; tôi tuy chẳng phải người trong làng thơ, nhưng thực có thấy khoái như được bàn tay tiên gãi hộ vào chỗ ngứa.

Ừ mà "thi dĩ ngâm vịnh tính tình" thì đem ý thật có trong tâm khảm mình mà tả ra bằng những câu văn là đủ rồi, hà tất phải niêm luật câu thúc làm gì cho nó phiền phức nữa?

Nhưng nếu muốn cho những câu văn của ta tả ra, có thể gọi là thơ được, thì nhất định câu nọ phải có vần với câu kia. Tôi xin đồng ý ấy với "ngôi sao trỗi giữa trời thơ" vậy.

Duy đã ép câu nọ phải có vần với câu kia, thì cũng lại cần có quy tắc nhất định, bắt chữ thứ mấy câu trên, cùng vần với chữ thứ mấy câu dưới.

Nếu vần mà ở cuối câu cả, như trong bài "Tình già" của Phan tiên sinh thì nhất định bài đó phải ép mỗi câu có là bao nhiêu chữ; chứ phóng quá ra để cho mỗi câu cứ muốn bao nhiêu chữ cũng được, thì rồi nó có khác gì văn xuôi mấy? Vì chính trong văn xuôi, nhiều khi có những vần tự nhiên, mà vần nọ cách vần kia, gần xa không nhất định.

Tôi nói thế, không phải là lập một cái định lệ, ép mỗi câu thơ lối "Phan Khôi" phải có bao nhiêu chữ mà bài nào cũng như bài nào đâu. Không, không phải thế; tôi chỉ muốn rằng tùy ý người làm, muốn dùng bao nhiêu chữ trong một câu cũng được, nhưng cần trong một bài, câu nào cũng chỉ có từng nấy chữ mà thôi. Lại như muốn cho nó khác thể văn xuôi, thì ta cũng nên hạn rằng mỗi câu ít nhất là phải có mấy chữ, mà nhiều nhất chỉ được bao nhiêu chữ là cùng.

Theo ý tôi đã định, tôi xin phép đổi bài thơ "Tình già" của Phan quân ra một bài thơ lục ngôn lối Phan Khôi – hay muốn cho được thông dụng hơn, ta gọi quách là một bài thơ lục ngôn tân thể – như sau này:

                           Tình già

Từ hai mươi bốn năm xưa,

Một đêm vừa gió, vừa mưa,

Dưới đèn mờ, trong nhà nhỏ,

Đôi bạn đầu xanh than thở;

Ôi, đôi ta tình thương nặng,

Mà lấy nhau đà không đặng;

Đến nỗi tình trước phụ sau,

Chi bằng sớm liệu buông nhau!

Hay! nói bạc làm sao chớ!

Buông nhau làm sao cho nỡ?

Được chừng nào hay chừng nấy,

Trời bắt đôi ta phải vậy!

Nhân ngãi há phải vợ chồng,

Mà toan tính việc thủy chung?!

Đến hai mươi bốn năm sau,

Tình cờ đất khách gặp nhau:

Đôi cái đầu đều đã bạc;

Chẳng quen, đố nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ đó mà thôi.

Liếc nhau rồi, mắt còn đuôi!

Bài thơ này đổi xong, tôi xem lại, không thấy sót mất ý của tác giả, mà chỉ thêm bớt mỗi câu một vài chữ, cho nó thành ra một bài thơ có hạn chữ trong mỗi câu đó mà thôi.

Nếu có ai kêu là còn bó buộc, tôi xin thưa rằng vần còn bó buộc hơn, mà ta vẫn còn phải giữ. Huống chi cái cách hạn chữ, đối với cái lối lựa vần, còn phóng túng hơn nhiều, há ta không nên giữ lại ít nhiều, để cho văn vần có một cái biệt thể khác với văn xuôi ru?

Thiển ý của tôi, trong bài này, chỉ là muốn hưởng ứng với Phan tiên sinh về cái lối thơ tân thể đó, sở dĩ muốn bàn thêm ra, là để mong cho nó sẽ có ngày chiếm được một cái địa vị khả quan trong thi xã.

THƯỢNG MINH

Đông tây, Hà Nội, s. 147 (17. 2. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân