ĐỜI LỘN NGƯỢC

Từ mấy ngàn năm nay nhơn loại tôn trọng sùng bái các bực anh hùng liều mình hoặc đặng làm cho vẻ vang mở mang bờ cõi, hoặc đặng cứu vớt non sông tổ quốc. Bên xứ Grèce (Hy Lạp), ở đời thượng cổ, mỗi khi các đạo binh thắng trận trở về, thì đờn bà con nít hoan nghinh vui mừng một cách không thể nói được. Đến ngày kỷ niệm các võ sĩ hy sanh vì danh dự của nước nhà, thì chánh phủ và nhơn dân làm lễ rất long trọng, phụ nữ đem bông hoa rải đầy đền thờ, rải cho tới ngoài biển là cái mồ chung chôn biết bao nhiêu anh hùng lãnh mạng đi phạt ngoại bang. Cũng như thuở xưa bên xứ Grèce, ở Nhựt Bổn ngày nay, chị nào lấy nước mắt đưa chồng ra chiến trường là bị thiên hạ khinh. Cho đến đối với chuyện xâm lược Mãn Châu mà còn có nhiều chị liều mình tự ái để giục lòng chồng trong việc chinh chiến. Bên Á Đông ta, dân Nhựt có cái "đạo võ sĩ" là đặc biệt.

Dân mình ngu dại hơn hết mà cũng có nhờ Dr. Lê Quang Trinh lo lập được một cái nhà thờ tốt đẹp để làm kỷ niệm cho mấy chục ngàn người Việt Nam sang Pháp hy sanh cho "mẫu quốc".

Bên "mẫu quốc" thì chánh phủ cũng thờ một cách rất long trọng các chiến sĩ chết trong trận giặc 1914-1918. Chỗ thờ "chiến sĩ vô danh", lễ kỷ niệm rất lớn hôm nọ ở tại thành Douaumont là chỗ chứa xương của không biết bao nhiêu chiến sĩ, đó là những chứng bằng hiện tại.

Trong lúc chiến tranh năm 1914-1918, có một người đờn bà Pháp, ngồi chơi tại vườn Luxembourg ở Paris, trông thấy các con nít ngộ nghĩnh đương chơi giỡn kia, chị ta nhớ đến các con mình mới chết vì đạn súng và khí ngột. Chị ta vùng đứng dậy la lớn lên: "Chán quá rồi, chán quá rồi! Cuộc chiến tranh dây dưa bao nhiêu đó là đủ". Chị ấy bị tòa kêu án sáu tháng tù.

"Văn minh" đã mấy ngàn năm là thế. Mà ngày nay lại sanh ra một chuyện làm cho lộn ngược cả cái "văn minh" xưa nay.

Tháng bảy năm ngoái, tên thanh niên Simoens có gởi thơ tới quan, cho hay rằng đến ngày điền lính, anh ta sẽ không ra lãnh phận sự với nước nhà. Mà thật, đến ngày ấy, sở điền lính kêu, anh ta không đến. Tòa binh phải bắt đem ra trừng trị.

Tưởng rằng một mình anh ta hoặc vì nhỏ dại, hoặc vì khiếp nhược mà không chịu gánh vác phận sự với non sông. Té ra bà mẹ của anh ta xin đến trước tòa khai vài điều, thì, khi ra tòa, lại binh vực con, nhìn nhận con mình làm như vậy là phải. Bà quên cả cái lòng "ái quốc" của tổ tiên truyền dạy mấy ngàn năm. Bà nói bà bấy lâu nay dạy con theo nhơn đạo. Bà nói chủ nghĩa quân phiệt là […](*) Bà nói bà không muốn cho con bà nó[...](*) Bà nói sự chiến tranh là […...](*) Bà nói ôi thôi! – nhiều điều nghe lạ tai quá, nếu Trung lập thuật lại cả, thì chắc vỡ óc nhiều vị độc giả. Bà lại nói, nếu thiên hạ như bà thì nạn chiến tranh phải hết.

Câu chuyện nó trái ngược với thế thường như vậy, mà tòa binh ở thành Anvers phạt anh Simoens chỉ có sáu tháng tù. Mà anh ta cũng còn chưa vừa lòng, nhịn đói, quyết để phản kháng. Mà tòa binh cũng lo sợ, chống án giùm anh ta. Nhờ vậy, mà Simoens mới chịu ăn lại, để chờ ngày xử lại. Bãi thực được 72 giờ.

Như thế, cái đời nầy có phải là lộn ngược không? Nếu để cho người Nhựt hay là người An Nam mình làm tòa xử anh Simoens nầy thì anh ta không phải chỉ lãnh có sáu tháng tù thôi, anh ta lại hết nhõng nhẽo bãi thực, mà cho đến bà mẹ của anh ta cũng chạy không khỏi hoặc là khám lớn, hoặc là nhà thương điên Biên Hòa.

Thông Reo xin đánh câu hỏi: Đời nay như vậy có phải là đời lộn ngược không?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6843 (29. 9. 1932)


 

(*) Các chỗ này ở báo gốc mỗi chỗ chấm lửng một khoảng chừng 1-2 từ.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân