ĐỜI NÀO GIẾT NGƯỜI NHIỀU HƠN?

Từ hồi có cơn Âu châu đại chiến đến sau, thiên hạ nhiều người buông lời rủa sả khoa học, nói rằng tại khoa học xương minh(*) nên mới chế ra những khí giới giết người: súng cối xay hay đạn hột lựu, toàn là những đồ đụng đến đâu chết đến đó.

Họ nói thật là oan cho khoa học quá. Muốn nói trái nghịch cùng họ, tôi nói nhờ khoa học nên ngày nay giết người ít hơn ngày xưa. Thật chớ không phải nói bậy mà chơi đâu. Hễ khí giới tinh xảo chừng nào, lại giết người càng ít chừng nấy, cái đó là lẽ hiển nhiên.

Sao vậy? Một là vì hễ có một thứ khí giới phát minh ra để giết người thì thế nào cũng có một thứ khác phát minh nối theo để trừ thứ ấy. Như máy bay thả trái phá mới chế ra, thì lại có thứ súng bắn máy bay chế ra liền theo đó.

Hai nữa là hễ có nhiều đồ giết người dễ dàng thì người ta sợ chết mà ít đánh nhau. Hay là đối với những đồ ấy, người ta thấy thì sợ chết bèn tìm phương chạy trốn thì cũng khỏi chết.

[........](*) nếu không có máy bay thả trái phá thì thế tất còn nhiều kẻ lăn vào mà cự địch, rồi còn chết nhiều hơn nữa. Nhưng chỗ nào có một cái máy bay thả đạn trái phá xuống rồi tuy bấy giờ có chết đôi chục hoặc đôi trăm người, cũng chết chng mà thôi, về sau người ta sợ, không dám cự với nó nữa thì khỏi chết thêm.

Theo lịch sử mà xét thì đời xưa chưa có khoa học cũng thường giết người nhiều hơn bây giờ. Coi như một trận quân Tần chôn quân Triệu 40 vạn tại Trường Bình trong chỉ có một đêm; lại Hạng Võ chôn quân đầu thú của nhà Tần cũng trong một đêm mà đến 30 vạn, thì đủ biết hồi đó giết người nhiều hay ít!

Trong trận đại chiến Âu châu, người ta kể ra chẳng có trận nào chừng trong 24 giờ đồng hồ mà chết hết 10 ngàn người trở lên. Còn như hiện thời đây, Nhựt đánh với Tàu, một trận chỉ chết đôi trăm, chớ không có khi nào nhiều đến hàng ngàn hàng vạn.

[...…..](*)

xưa nay chỉ thấy có hai lần chôn: một lần Nguyễn Huệ chôn quân Tàu gần Hà Nội tại Đống Đá độ mấy ngàn người; một lần nữa vua Minh Mạng chôn bọn loạn đảng theo Nguyễn Hữu Khôi 1300 [.......](**)

…. (Kiểm duyệt bỏ)

Vậy thì ta nên cảm ơn khoa học, ta nên cầu chúc cho các ông bác sĩ mỗi ngày mỗi phát minh [......] (***) ra cho nhiều, chớ cái gì mà rủa sả?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6699 (8. 4. 1932)


 

(*) xương minh: phát huy cho rõ rệt ra (Đào Duy Anh, sđd.)

(*) các chỗ này bản gốc để chấm lửng mỗi chỗ 1-2 dòng, ước chừng mỗi chỗ đã bỏ 10-20 từ.

(*) Chỗ này báo gốc để chấm lửng liền 2 dòng, ước chừng 14-16 từ bị bỏ.

(**) Chỗ này báo gốc để chấm lửng liền 7 dòng, ước chừng đã bỏ trên dưới 40 từ.

(***) Chỗ này báo gốc để trắng 1 ,5 dòng, ước chừng đã bỏ 7-10 từ.

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân