ĐÒI VỚI XIN CŨNG NHƯ YÊU CẦU VỚI THỈNH CẦU

Quan ngự sử trên đàn văn của Phụ nữ tân văn độ nầy ổng bị cách chức hay ổng chết rồi sao chẳng biết mà chẳng thấy ổng củ hạch ai hết trơn; chớ mấy lối trước tuần nào ổng cũng lên tiếng luôn luôn, và ổng nói cũng có đôi cái nghe thông. Tức như ổng cắt nghĩa chữ "yêu cầu" với chữ "thỉnh cầu" khác nhau, sự cắt nghĩa ấy rất là có ích, bởi nó làm cho những kẻ ngửa tay xin ơn người ta không còn nói dóc được rằng mình là mặt bảnh.

Yêu cầu với thỉnh cầu, hai chữ nên phân biệt. Mà sự phân biệt ấy quan hệ lắm, chớ không phải chơi đâu. Chẳng những ông Ngự sử ấy nói vậy mà thôi, vừa rồi quan Thống đốc Nam kỳ cũng nằng nằng bảo người ta phải phân biệt. Té ra sự tinh thông văn pháp (grammaire) dầu cho nhà chánh trị cũng chẳng xem khinh xem thường.

Nguyên vì gần đây ông Labaste, chủ tịch Nông gia liên đoàn, có cùng đồng chí mình phát ra những giấy tờ phản đối sự định giá đồng bạc hẳn 10 quan. Kế đó ông ta lại đi với mấy người nữa là người An Nam đến ra mắt quan Thống đốc Nam kỳ đặng cắt nghĩa về sự mình chủ trương và cái thái độ mình đã lấy.

Ta phải nói sơ qua cái kết quả của cuộc hội diện ấy nhưng không lấy làm trọng. Kết quả ông Labaste hứa cùng quan trên rằng từ rày về sau sẽ không còn phát những giấy tờ như vậy nữa đâu.

Ở đây, tôi trọng tại chữ "đòi" với chữ "xin" mà quan Thống đốc muốn phân biệt.

Hình như trong giấy tờ của họ bằng Quốc ngữ nói về sự phá giá đồng bạc có dùng chữ "đòi"; ý chừng như "đòi" chánh phủ thi hành theo lời họ thì họ mới nghe. Xin độc giả hiểu chỗ nầy là tôi diễn thêm cái ý chữ "đòi" cho rõ, chớ không phải nguyên văn trong tờ của mấy ổng như thế.

Cho được cãi cọ chỗ quan hệ ấy và giải rõ văn pháp cho thính giả nghe, quan Thống đốc không nói tiếng Pháp mà nói tiếng Việt Nam. Ý chà! Tiếng Việt Nam hôm nay mới được cái hân hạnh có một ông quan lớn Tây nói tới, mà lại nói tới mẹo của nó nữa!

Ông Ngự sử hồi này ở đâu? Ông có ở đâu đây thì dửng tai lên mà nghe ông! nghe cho khoái ông!

Quan Thống đốc ngài nói, dùng chữ "đòi" nó hơi mạnh và khí quá đáng. Theo tiếng Pháp thì đòi là réclamer, không thì exiger. Như vậy, tờ phản đối kia chẳng phải thêm có ý cường ngạnh là gì?

Một ông trong bọn cho chữ "đòi" không nặng gì lắm. Nhưng quan Thống đốc nói gắt rằng, theo tiếng Việt Nam, chữ "đòi" là nặng.

Tôi thì tôi chịu quan Thống đốc nói phải: tôi dám nói ngài hiểu tiếng Việt Nam hơn một vài người Việt Nam tức như trong khi ngài cắt nghĩa đây.

Hãy có ý mà coi. Hễ xin thì trợt lớt, nghĩa là xin mà không cho thì cũng thôi. Chớ đòi thì đòi cho đặng mới nghe. Coi như con nít đòi ăn, đòi không được thì khóc; người cho vay đòi nợ, đòi không trả thì kiện. Thế thì sao lại nói chữ "đòi" không nặng hè?

"Đòi" tức là "yêu cầu", mà "xin" tức là "thỉnh cầu". Quan Thống đốc cũng như quan Ngự sử, các ngài tinh thông văn pháp, [...](*)

Có lẽ là họ dùng lầm, chớ ông Labaste với mấy ông An Nam nữa mà đòi ai cà?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6639 (15. 1. 1932)


 

(*) Chỗ này ở báo gốc để trắng gần 2 dòng, chừng trên 10 từ.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân