DƯ LUẬN BÌNH DÂN AN NAM ĐỐI VỚI CUỘC NHỰT HOA CHIẾN TRANH

Từ có cuộc Nhựt Hoa chiến tranh đến nay, trên các báo quốc ngữ của ta từ Bắc tới Nam thiếu chi là bài nghị luận. Người nói vầy, kẻ nói kia, tuy chưa chắc đúng với sự thiệt và cũng không có ảnh hưởng chút nào đến sự thiệt, nhưng xem đó cũng đủ thấy trong xứ ta ngày nay hầu hết ai ai cũng để tâm đến việc thế giới và cái kiến thức đối với việc thế giới không đến quá tệ như hồi xưa. Tiếng súng đại bác ở tận đâu đâu mà cứ mỗi một lần phát ra là làm cho con mắt lỗ tai của chúng ta thêm sáng tỏ ra nhiều ít; kể cũng cho là một bài học dạy khôn cho chúng ta và ta nên lấy làm chú ý lắm vậy.

Tuy vậy, những bài nghị luận trên báo, đều là đại biểu cho cái ý kiến của hạng người trí thức, họ có ăn học, thường ngày họ có đọc báo Tây báo Tàu, họ nghe thấy trong cuộc chiến tranh nầy cũng như người các nước văn minh nghe thấy, thì họ nghị luận đâu ra đó là phải. Ngoại trừ hạng người ấy ra, chúng ta nên lặn lội vào trong đám bình dân An Nam mà nghe thử họ phê bình với nhau cuộc chiến tranh nầy thể nào.

Sự tọc mạch ấy mới đáng cho là tọc mạch. Bởi vì nếu muốn biết trình độ dân trí nước ta ngày nay cao lên được đến đâu thì xem ở hạng hữu học không mấy đúng mà xem ở hạng bình dân mới đúng hơn, vì hạng nầy chiếm phần đông.

Bình dân ở đâu cũng chia làm hai hạng: một hạng ở nhà quê và một hạng ở thành phố. Bình dân nhà quê thì bao giờ cũng tấn bộ sau thành phố mà cái trình độ tri thức của họ kém bình dân thành phố nhiều lắm. Đó là vì sự giao thông và tiếp xúc một khó một dễ, một chậm một mau mà chia ra; cái lẽ cố nhiên, ai ai cũng hiểu.

Ở nhà quê ta, bất kỳ nơi nào, những người lo làm ăn vất vả thì cho đến việc xảy ra trong nước, nhiều khi họ cũng chẳng thấy chẳng nghe thay, huống chi là việc nước ngoài. Thế thì ta thử về miệt vườn miệt rẫy trong dạo nầy, đem việc Nhựt với Tàu mà hỏi những người vác cày vác cuốc, chắc họ không biết gì mà nói; nhưng ở Sài Gòn đây, ta thử lội vào trong đám anh em lao động, nghe họ nói chuyện thời thế với nhau, cũng có khi làm sáng lỗ tai ta chớ chẳng chơi!

Tình cờ chúng tôi được nghe mấy người thợ hớt tóc tranh luận với nhau về việc bên Mãn Châu, Thượng Hải làm cho chúng tôi không thể không đem mà viết trên báo, vì là lời nói có ý vị lắm.

Một người nói rằng:

"Chà! Nhựt Bổn dạo nầy lúng túng lắm, tới khó tới mà lui cũng khó lui. Vì trước kia Nhựt nghĩ trong ý rằng anh Tàu làm gì mà dám cự lại mình, nên nuốt Mãn Châu chưa xuống khỏi cổ thì chụp vồ luôn Thượng Hải. Không ngờ bị anh Tàu tới đây tức quá không nhịn được nữa, thì nổi lên cự lại, mà cự lại một cách rất hăng hái, đến nỗi cứ thắng luôn, làm cho bên Nhựt thiếu điều xiểng niểng. Như vậy, tưởng người Nhựt cũng phải rùng mình rởn ốc, hế còn ỷ tài ỷ tướng nữa".

Một người khác nghe vậy thì cãi. Tiếng tranh biện với tiếng nhịp cái kéo hòa nhau nghe có điệu lắm, mà lời luận cũng lại có lý lắm nữa. Lời cãi như vầy:

"Anh nói vậy là lầm. Nói vậy là anh cầm người Nhựt cũng khờ khạo như anh! Không phải vậy đâu. Việc đại sự, họ làm gì họ cũng tính trước từ đường đi nước bước, chớ có đâu hôm trước họ đui họ điếc, đợi đến người Tàu cự lại rồi bữa rày họ mới ngoáy lỗ tai mở con mắt ra?

Theo tôi thì tôi tưởng người Nhựt phải có liệu trước rằng quân Tàu sẽ cự lại mình trong khi xâm lấn ở Thượng Hải. Có điều họ trù liệu vững vàng rồi, dầu Tàu có cự địch mấy đi nữa là họ cũng cứ việc đánh Thượng Hải đi. Bởi vì họ muốn kinh lý Mãn Châu thì họ phải đánh Thượng Hải mà. Đại thế trong cuộc chiến tranh nầy là như vậy đó. Người Nhựt tuy chưa nuốt Mãn Châu xuống khỏi cổ như anh nói, song đất ấy đại để đã vào tay họ rồi. Ngày nay cái vấn đề người Nhựt nên giải quyết gấp ở Mãn Châu là các vấn đề về chánh trị. Tức trên kia nói rằng kinh lý.

Muốn kinh lý Mãn Châu mà cứ để yên cái cuộc diện như vậy, thì làm thế nào được? Phần thì chánh phủ Tàu ngó chăm vào đó, phần thì Vạn Quốc Hội cũng ngó chăm vào đó, không sanh việc nầy thì sanh việc khác, làm sao họ ngồi yên mà sửa sang trăm việc trong miếng đất Đông tam tỉnh ấy được ư? Vì vậy mà họ mới kéo binh đánh Thượng Hải, khiến cho người Tàu bu vào chỗ nầy mà cứu cấp, một triệu con mắt trong thế giới cũng đều chấu vào chỗ Thượng Hải đây, rồi ở ngoài Mãn Châu kia mới thành ra cái cảnh rộng trời rộng đất cho họ tha hồ làm gì thì làm.

Cái thâm mưu của người Nhựt là vậy đó. Vậy mà ở Mãn Châu còn có những quân nghĩa dõng nổi lên khuấy rầy họ đó thay. Bằng như hổm rày không gây việc Thượng Hải ra, thì ngày nay công việc ở Mãn Châu chưa chắc tấn hành đến như vậy".

Người thợ ấy nói nhiều nữa, song chúng tôi tóm đại ý và sửa soạn lời văn cho xuôi, mới thành ra cái đoạn biện luận trên đây. Độc giả xem đó thì đã biết tri thức của bình dân ta ngày nay lên đến bực nào. Chúng tôi không tin nói rằng hết thẩy anh em lao động đều có kiến thức như người thợ nầy hết, song chúng tôi thấy như là có một số không phải ít.

Cái ý kiến của anh thợ đó hình như chưa thấy trên báo quốc ngữ nào. Vậy có thể chắc rằng không phải anh ta ăn cắp hay nói theo người khác. Huống chi nghe lời nói song suốt, đỡ gạt lẹ làng thì đủ biết là người thông lắm.

Trình độ bình dân đến như vậy mà mấy ông thượng lưu, kẻ xảo trá thì toan bịt mắt họ, kẻ thủ cựu thì chực kéo cẳng họ, sao cho đặng ư?

T. L.

Trung lập, Sài Gòn, s. 6702 (12. 4. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân