GÁI KHÔN

Trong vấn đề "phụ nữ giải phóng" theo cách của con cháu các nhà tiểu tư sản phát sanh trong xã hội, thì vấn đề "tự do kết hôn" là quan trọng nhứt.

Bảy, tám năm nay, nhiều tuồng hát cải lương cố ý phản đối cha mẹ gả ép con. Cha mẹ với con cái xung đột nhau hẳn hòi, chớ không còn như xưa, con phiền trách cha mẹ mà chỉ để trong lòng, còn bề ngoài thì vâng theo ý muốn của cha mẹ. Trung lập hôm nọ, trong bài "Phụ nữ giải phóng" có chỉ phớt qua rằng sự thay đổi trong nền kinh tế của giai cấp tiểu tư sản giúp cho con cháu tiểu tư sản đủ sức mà chống lại với gia đình áp chế.

Nay Thông Reo muốn suy xét coi gia đình có tánh áp chế là vì xưa nay xã hội mình hẹp hòi hay là vì người mình có tánh tuân theo từ chữ từ nét của thánh trước hiền xưa để lại.(*)

Mà có lẽ là vì người mình dốt quá, không thể nhờ tâm trí mà suy xét ra lý lẽ, có lẽ là vì người mình là nô lệ của nguyên văn. Câu "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên" là câu thường ở đầu lưỡi các cha mẹ lắm chớ. Song có thể nói câu ấy là nói ngoài môi. Cha mẹ nói vậy với người ngoài, mà trong nhà thì ép buộc. Hai chữ "ai nỡ" chỉ rằng cha mẹ trọn quyền nhứt định cho con, song vì thương con mà không nỡ. Nhưng mà cái cách thương đó có khi sát với bụng con, mà cũng vì thương mà cha mẹ "nỡ" ép duyên, thì gia đình cũng còn áp chế.

Song, ngoài xã hội, thì nhiều điều chứng rằng xã hội không hẹp hòi gì lắm. Thông Reo không chỉ cái tánh tự do của phần đông trong con gái của bình dân, cũng không mượn những gương của vài bà tư bản cũng tự do chim chuột, chồng lớn chồng bé chẳng kém gì các ông tư bản. Câu hát: "Không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian lẽ thường", câu ấy có cái giọng chơi chơi giỡn giỡn. Chớ câu nầy: "Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân", thì có giọng thiệt, mà quyền chọn lựa lại là ở nơi trai với gái, có khác nhau thì khác nơi "cách" chọn lựa của phe nam với phe nữ đó thôi. Câu hát: "Tiếc cho con gái khôn nó lấy thằng chồng dại, tỷ như cái bông hoa lài mà cặm bãi cứt trâu", thì lại có tánh phản luân lý, chọi với cái luân lý buộc đờn bà phải trung tín với người chồng của cha mẹ đã lựa chọn cho, dầu anh chồng ấy ngu dại đến thế nào.

Như vậy thì đối với vấn đề "chọn lựa trong việc hôn nhơn", dư luận xưa nay đối với phụ nữ không gắt gao gì. Nhưng xem như xưa kia ít nói đến quyền "tự do" mà lại chú trọng về chỗ "khôn, dại".

Mà thiệt, Thông Reo có đọc lịch sử của xứ nầy xứ kia cũng nhiều, ở trong xã hội Việt Nam nầy, Thông Reo tai nghe mắt thấy cũng được bộn, Thông Reo quả quyết được điều nầy: Đối với hàng phụ nữ mà đã được thiên hạ tùng phục là "khôn", thì luân lý, phong tục, dư luận, dầu hẹp hòi bao nhiêu, cũng không dám đả động đến. Người xưa rộng rãi với "gái khôn". Điều ấy có lẽ phụ nữ ngày nay cũng nên để ý đến.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6847 (4. 10. 1932)


 

(*) "từ chữ từ nét": từng chữ từng nét (từ  là dạng biến âm của từng) (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân