GIẢI ĐIỀU BÍ MẬT THỨ NHẤT HỘ THÔNG REO VỀ LÊ VĂN KIM

Có ai biết Lê Văn Kim không đã?

Cái cậu học trò bé năm xưa ở trường Bưởi, có tiếng là sáng dạ. Đỗ hết bằng nọ đến bằng kia; thằng bé này rồi khá. Con cưng nhà trường, được ân đặc biệt, cậu Kim đeo va-li sang Pháp. Cái va-li ấy, khi theo cậu trở về, đã nhận từ đây, cái số phận phải chứa đầy văn bằng hơn nữa.

Vốn giỏi về khoa tính, cậu bé quyết trèo lên đến cái thang kỹ sư. Ba năm sau, cậu quả nhiên giật được mảnh bằng kỹ sư cầu cống. Đối với người Tây, cái tiếng gọi ấy nó có giá lắm, vì nó chẳng phải là của chơi để được. Nhưng cậu là giống An Nam. Cậu nghĩ: kỹ sư cầu cống! không oai. Khi về nước, dân An Nam nó bảo mình là anh cai lục lộ. Nhất là gái An Nam càng không ưa lắm nữa. Giống An Nam lại là giống chuộng văn. Mình phải đỗ đến ông nghè văn chương, mới cứng. Thế là cậu Kim đáng lẽ theo đuổi nghề cầu cống về môn thực hành cho giỏi thì cậu nay cặm cụi về khoa văn chương. Lúc đó bên Tây có hội Quốc tế phụ nữ, cậu Kim liền thảo trình một thiên luận "nữ quyền", nhng mong hội Phụ nữ tán dương. Cái óc "khéo theo thời" của cậu đã nảy mầm từ đấy. Nhưng hội Phụ nữ như không hiểu cậu, mà thiên đại luận kia chỉ làm chứng cho cậu thêm một mảnh bằng.

Là một văn khoa tiến sĩ, chưa đủ. Thế mới rầy! Có khó gì, cái óc cậu vốn là cái máy nhớ, chẳng bao lâu, nuốt trôi mấy bộ luật dày, cậu Kim tôi giật luôn mảnh bằng nữa: Tiến sĩ luật khoa!

Thôi nay đã lớn khôn, chẳng lẽ làm con mọt sách mãi, cậu Kim khóa va-li lấy tàu về. Trên bể Địa Trung Hải hay trên bể Ấn Độ, cậu vẩn vơ trăm mối: Công học mười năm, đến đây là đã thành tài, một mình thu ba bằng tiến sĩ, giá sống vào hồi trước, dân An Nam sẽ đón mình ở bến Sài Gòn, bến Hải Phòng, tôn mình là trạng Lê. Thôi, nhưng ở vào đời này phải trông vào chỗ thiết thực hơn. Có danh rồi phải có tiền.

Về đến nhà, chẳng nhà báo nào ton hót cậu lấy một câu; dân An Nam không biết trọng hiền! Từ đấy, cậu "đếch" thèm chơi với giống "khó chơi". Vác đờ-măng xin chân giáo học trường Cao đẳng. Này lương cao, này vợ đẹp, cậu định sống riêng một cảnh Tây trong cõi trời Nam.

Nhưng cái việc dạy học nó buồn tênh. Lương ba cọc ba đồng, không có bổng. Mà sự ăn tiêu phải theo lối mới, lại cô vợ tí hon như có ý vẫn chẳng vui.

Cái óc tính lại bắt đầu tính. Tính làm trạng sư thì được cả hai điều lợi. Lợi về danh: Ai cũng gọi là quan trạng. Quan trạng làm nghề bênh vực người ta. Lợi về tiền: Ai mất tiền thì ta cãi hộ. Cái nghề con đĩ có nể gì ai (lời thầy Mayet). Rồi cậu còn tính xa hơn nữa, là theo gương các nhà chánh trị các nước, ta phải làm trạng sư để đặt sẵn con đường đi vào chánh giới.

Biết đâu đấy...

Thế là cậu vào Nam tập làm thày kiện.

Nay Thông Reo không hiểu, cho là việc bí mật, bí mật về chỗ sao ông Kim không ra làm đốc công để thi thố cái sở học nghề cầu cống, về chỗ sao ông Kim đương dạy học lại bỏ đi tập sự nghề thày kiện.

Khốn nạn, có gì mà Thông Reo không hiểu kia.

Trông ngay anh tài xế lái xe hơi bận Tây lắm khi sang hơn chủ. Vì anh chẳng muốn gọi anh là anh tài xế. Trông chú thợ nhà in, đi làm cũng áo sa khăn lượt giày giôn, vì chú chẳng ưa ai gọi chú là dân nhà thợ.

Ông Kim cũng một tâm lý ấy.

Nếu Thông Reo đặt ông Kim lên địa vị vĩ nhân của xã hội An Nam thì quả cho đó là một điều bí mật.

Nếu Thông Reo trông ông Kim bằng con mắt người thường thì sẽ thấy ông Kim cũng chỉ như anh tài xế, chú thợ in kia, không biết trọng nghệ nhà.

Dễ lắm. Cứ dò theo cái lối ăn học của ông Kim, ta có thể nói rằng: Ông kỹ sư cầu cống, kiêm văn khoa tiến sĩ, luật khoa tiến sĩ, hiện làm dân quý quốc kia, nó không có mục đích.

Ồ! ở đời người ta phải có đích để mà theo chứ. Ông Kim vốn chỉ quen sống trong thành đầy sách (cité des livres).

Thông Reo định cợt ông Kim chứ Thông Reo há rằng không hiểu, không hiểu câu chuyện sáng tỏ như ban ngày.

Nào còn điều bí mật thứ hai, Văn Tôi đợi đây giải hộ.

VĂN TÔI

Đông tây, Hà Nội, s. 136 (2. 1. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân