GIỐNG GÌ CŨNG KHÔNG MẠNH BẰNG HOÀN CẢNH HẾT

Ai ngồi mà than thở, hay nằm mà khóc lóc, hay đứng phắt lên mà hò hét nộ nạt om sòm rằng trong nước thế nầy thế kia, trong xứ thế kia thế nọ, là tôi nhắm cũng chẳng ích chi. Người nầy hỏi sao không làm cách nầy, người kia hỏi sao không làm cách kia, tôi nhắm cũng không ích chi nữa. Theo tôi, sự than thở ấy, sự khóc lóc ấy, sự hò hét nộ nạt ấy, cho đến sự hỏi ấy là đồ bá vơ  hết thảy.

[......](*)

Hễ hoàn cảnh mà khá lên thì một trăm sự chi cũng khá lên theo hết. Còn cái hoàn cảnh đã không nên dáng thì giống gì cũng không nên dáng được [….....](**)

Có một tờ báo tây ở đây mới ấn hành một bài, hỏi một cách thật là bặm trợn: hỏi chớ "tại làm sao Đông Dương thiếu thầy thuốc" (Pourquoi l' Indochine manque-telle de médecins?)

Thiếu thầy thuốc! Thiếu thầy thuốc! Báo ấy hô lên thiếu điều nhức lỗi tai. Nói những thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn, Nam Vang mà thầy thuốc không đủ dùng. Còn nói chi các tỉnh thì có tỉnh đất rộng bằng hai ba quận bên Pháp, đáng lẽ có đến năm bảy hay chín mười ông thầy thuốc mới phải, mà cái nầy có trum trủm chỉ một ông!

Hô lên như vậy rồi báo ấy có ý đổ lỗi cho chánh phủ, nói tại chánh phủ để tiền làm các việc về kiến trúc, công nghệ, mà không chăm lo việc vệ sanh, không trọng sanh mạng người ta, cho nên mới để thầy thuốc thiếu. Xem một cái đề nhỏ nối theo cái đề lớn trên đó thì biết ý họ: "Avant de construire dé travaux d'art, il faut sauver l'homme de la maladie" (Trước sự kiến thiết về công nghệ, phải lo cứu người ta cho khỏi bịnh hoạn đã).

Thiệt oan cho chánh phủ! Theo tôi biết thì xứ nầy thiếu thầy thuốc là tại hoàn cảnh buộc phải thiếu, chớ chẳng phải tại chánh phủ để thiếu đâu.

Số thầy thuốc như hiện có bây giờ đó là đủ dùng chớ không phải thiếu; nếu hơn nữa thì dư. Bởi vì ở các thành phố hay các tỉnh cũng chỉ có người Tây và nhà An Nam nào sang trọng mới dùng thầy thuốc ấy mà thôi. Còn ngoài ra họ có chịu dùng đâu, vì họ chê mắc, và vì tiền họ ít lắm.

Một lần coi mạch năm đồng bạc, nhiều quá, An Nam không ưa; lại thuốc uống thuốc chích chi cũng nặng tiền hết, cứ bạc đồng trở lên mới được, nên họ không xài mà xài thuốc bắc, vì thuốc bắc có 4 cắc một thang, thầy coi mạch không tiền.

Như vậy bảo nhà nước sắm thầy thuốc cho nhiều rồi để họ ngồi không đó mà họ chịu cho sao? Trái lại, [......](*) chừng nào xứ nầy có nhiều tiền hay hoặc thầy thuốc tây và thuốc tây hạ giá xuống, thì chừng đó các ông mê-đờ-xanh họ tìm họ tới, không cần phải kêu réo. Kêu réo mà chi; tại hoàn cảnh mà!

Đừng nói ở đâu xa, ở Sài Gòn đây, là chỗ ở bên đít pháp luật đây, mà họ cho vay ra thể nào? Có một thứ kêu bằng "tiền góp": đưa ra 20 đồng rồi cứ mỗi tháng góp vào 3 đồng, 10 tháng là tróc nợ. Như thế là 20 đồng mà 10 tháng thành ra 30 đồng, nặng biết bao nhiêu, song cũng còn là nhẹ đó! Còn một thứ nữa kêu là "tiền đứng": đưa ra mười đồng, rồi cứ mỗi ngày trả vào 3 cắc, ấy là trả lời; trả như vậy hoài hoài cho đến bao giờ trả được 10 đồng bạc vốn thì mới hết trả. Kiểu cho vay ấy còn nặng lời đến đâu nữa!

Phải chi tự trước đến giờ chánh phủ không ra cái lịnh cho vay không được quá mười hai phân một năm thì chắc có nhà báo khác cũng kêu về việc nầy rồi. Song cái lịnh ấy chánh phủ đã ra lâu lắm mà thiên hạ chẳng kể chi hết, ai cho tiền góp cứ việc cho tiền góp, ai cho tiền đứng cứ việc cho tiền đứng!

Ấy là tại đồng tiền ngặt lắm, người ta cần nó, người ta thuận tình với nhau chịu nặng lời, thì chánh phủ cũng chẳng biết làm sao. Làm thế nào cho đồng tiền dư dật trong dân gian, người ta không ngặt vì nó lắm thì cái lịnh của chánh phủ mới là có thiệt dụng. La rầy vô ích, trách vô ích. […..](*)

Hoàn cảnh tốt thì tự nhiên giống gì cũng tốt. Giống gì cũng không mạnh bằng hoàn cảnh hết.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6706 (16. 4. 1932)

 


 

(*) chỗ này báo gốc chấm lửng 1 dòng.

(**) chỗ này báo gốc chấm lửng liền 4 dòng.

(*) chỗ này báo gốc để trắng 1 dòng.

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân