GIỐNG GÌ MÀ DỮ VẬY

Theo ông Ng. A. N.(**).., hiểu tâm lý người đời như "vua cờ bạc", như "đầu nậu chợ phiên" cũng cho vào hạng "bao thầu" khá giả.

Ừ, khá thì có khá, song ai cho cái phường "chó má" ấy đem thân ô uế ra "trước mặt độc giả quốc dân" mà thách đố nầy kia khinh khi ngạo mạn?

Thời ở đời cái giống sợ ma hay nói tướng, cũng như phường gian lận quen chối lứt cho qua. Sự ấy vẫn thường tình. Lạ hơn nữa là cái bọn nghe tới tên pháp luật thì run, sợ ở tù như chết, mà hễ động động tới là thách đi tố cáo, gạy gạy ra là hét biểu trị trừng, dường như chúng nó coi công lý ở nhơn gian là đồ chơi của chúng vậy.

Gần đây có một anh chàng hay đánh phách kia, dám mang cái "mặt mo" ra kêu giữa quốc dân một lời thách đố như vầy: "Ai dạn nói trong cuộc Hội chợ nầy có sự xâm lạm thì hãy đứng lên tố cáo đi. Xét ra thấy công việc phân minh, thì bấy giờ trách nhiệm sẽ đổ trên đầu kẻ ấy".

Trong ý họ tưởng nhục cho có án tiết mới là nhục, nhơ đem đổ trên đầu mới là nhơ, chớ như hổm rày mà công chúng ở Sài Gòn nầy vì nhờm gớm mà khạc nhổ huyên thiên trên cái trán vồ hơi của con Võ Hậu, trên cái mặt lại cái của chàng Lữ Bất Vi, đã chưa cho là nhục sao?

Đằng nầy người ta đang nói chuyện cái khoé "con buôn" giỏi ăn qua pháp luật như "vua cờ bạc", thì Lữ Bất Vi ta lật đật đi lòn qua đút lại lợi dụng đủ vành để hòa dụ mua cho hết các tay trọng yếu ở bên địch. Những cách hèn mạt nhuốc nha như mỹ nhơn kế, trá hôn, tấn thiếp, v.v… chúng đều nhẫn tâm làm được cả, mà người ta còn chưa nỡ lôi chú chàng ra giữa tòa trừng trị thay!

Anh Lữ Bất Vi nầy! Bị án tiết chưa ắt đã là nhục, mà bị muôn miệng một lời đồng thanh khai khí tiết mới thiệt là di xú vạn niên cho. Anh là tay loạn thế gian hùng có thể ví với Tào Man(*), thì lẽ nào anh ngu ngơ gì chỗ đó.

Song có lẽ tâm lý của người đời anh ráng hơi thâm hiểu đặng, chớ còn tâm lý của anh, anh bối rối nên mê. A-Man! lai tỉnh dậy A-Man!(*)

Liệu mà lai tỉnh thong dong,

Chớ đừng lòng lại dối lòng hại to.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6746 (6. 6. 1932)


 

(**) Ng. A. N.: viết tắt họ tên Nguyễn An Ninh; thời gian này ông đang cùng Nguyễn Văn Tạo tìm cơ quan ngôn luận để vận động tranh cử cho các ứng viên của phái lao động vào hội đồng thành phố. Ông có một số bài phê phán hành động buôn bán lợi dụng Hội chợ Phụ nữ của vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận trên các báo Công luận, Trung lập

(*) Tào Man hay A Man: ý nói Tào Tháo (155-220), ở dạng là nhân vật của truyện Tam quốc diễn nghĩa, thường được coi là kẻ gian hùng trong lịch sử Trung Quốc.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân