HẠN CHẾ QUYỀN CHA MẸ ĐỐI VỚI CON

Hôm đầu tháng mười một tây vừa rồi, toàn thể báo giới ở đây đều có thuật vụ một chị kia nhân vì thù oán đứa con nuôi của chỉ mà chỉ bắt con nhỏ dầm mưa, đem nó đi trấn nước và đánh đập nó đã đời. Đứa con nhỏ vô phước ấy qua ba ngày sau đã lìa bỏ cái thế gian cay nghiệt nầy mà tắt nghỉ. Việc vỡ lở ra, cò bốt can thiệp vào, vì vậy mà hôm kia đây, mới có cuộc kết quả trước mặt toà án: một năm tù và 16 quan tiền vạ để "thưởng" mụ ác độc đang tay đánh con và không săn sóc đứa trẻ ấy.

Tòa buộc tội nhẹ như vậy là vì không có đủ bằng cớ chỉ ra người đàn bà ấy cố ý đánh con bị thương tích đến đỗi thiệt mạng. Trước cái việc đã xử, ta chỉ biết cúi đầu thôi, nhưng thiết tưởng ta cũng nên nhơn dịp nầy mà xét đến quyền hạn cha mẹ đối với con cái bây giờ.

Chúng tôi nói bây giờ, là vì chúng tôi biết nếu nói thuở xưa thì cái vấn đề nầy là bất thành... vấn đề vậy. Nhưng cũng nhờ "cái thuở xưa" ấy, mình mới có chỗ so sánh được. Theo luân lý phương Đông, cha là trời mẹ là đất, nên chi quyền hạn cha mẹ rộng rãi cũng bằng trời đất vậy... Câu "phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu" tức là câu mà kẻ làm cha hồi xưa, dầu dốt nát thế nào cũng phải học nằm lòng. Cái hiếu của người trước hiểu là bao giờ làm con cũng phải phục tùng mạng lịnh của cha mẹ, dầu cha mẹ có đánh chưởi thế nào cũng chịu; nói cho cùng mà nghe, dầu có giết cũng cam tâm.

Chuyện vua Thuấn với Cổ Tẩu tức là một chuyện để cho cha mẹ dựa vào mà nắm giữ cái quyền hạn tuyệt đối của mình. Nhưng than ôi! cha mẹ muốn làm trời đất đối với con cái thời cũng phải có cái lượng khoan dung như trời đất mới phải. Thế mà đem trái hẳn, thành thử giữa cha mẹ với con cái lắm lúc sanh ra những nỗi xốn xang đau đớn không thể nào chịu được. Phần nhiều những nỗi bất bình nầy là do sự roi vọt mà ra.

Hùm dữ không ăn thịt con, huống chi cha mẹ dữ lại là câu mà thiên hạ thường công nhận. Cha mẹ đánh con cũng là một cách ... thương con mà! Vì vậy mới có câu tục ngữ "Thương cho roi cho vọt"... ai mà chẳng biết. Sự thương gẫm lạ lùng thay! Mà cũng hại lắm thay! vì có khi "thương" quá trớn, rồi thành ra có kẻ giết con mà không hay không biết chút nào chớ. Pháp luật, đối với cha mẹ vô nhân đạo như thế, làm thinh không nói gì; luân lý lại càng làm thinh hơn nữa, vì cái xã hội xưa là cái xã hội ròng của người lớn, chớ chẳng phải của một phần con nít đâu.

Pháp luật với luân lý đã cấm thì kẻ làm con đâu dám nói; không dám nói, thiên hạ cho là hiếu đó! Nếu có kẻ dám nói, hay là dám lóc thịt như Na Tra quăng trả lại cho cha mẹ, hầu nói cho cha mẹ biết rằng: cha mẹ không thể làm chúa tể cả thân thể lẫn tinh thần của đứa con mãi được, thì thiên hạ lại trề môi bảo rằng: "Thứ đồ bất hiếu, còn kể số chi!"

Chúng tôi vẫn biết đạo hiếu của cổ nhân không phải ở trong sự chịu cho cha mẹ ỷ quyền sanh dưỡng mà húng hiếp mình quá lẽ, nhưng nếu chúng tôi không lầm, thì sự chịu đựng roi vọt ấy cũng là một phần trong chữ hiếu.

Thật ra không có sách vở nào bảo làm cha mẹ phải hành hạ con cái; nhưng loài người là một động vật tấn hóa chưa được hoàn toàn, thành thử lắm lúc để lộ cái thú tánh (instinct animal) ấy ra rất rõ rệt. Nếu mỗi khi gặp một vài câu sách cổ như chúng tôi đã nhắc ở trên, mà người mình cứ vớ càn rồi vịn lấy đó theo mù mà bảo: "Cổ nhân đã dạy, ... tổ tiên đã dạy...".

Cổ nhân là ai? Nào ai có rõ?

Cái quan niệm làm cha mẹ cần phải trị con cái bằng roi mây cán chổi, sao cũng thời ở phương Đông, mà người Nhựt Bổn không có chút nào vậy? Thử liếc mắt qua phương Tây, lấy đại thể mà nói, ta sẽ thấy họ hiểu cách thương con khác hơn mình nhiều lắm; họ thương bằng sự dạy dỗ điệu đàng nhiều hơn là sự hành hạ khổ khắc. Họ coi trẻ con không phải là một con thú nhỏ không có nhân phẩm, mà trái lại, họ không trọng gì hơn bằng trọng cái nhân phẩm trong sạch của trẻ con.

Vả tôn giáo của họ vẫn có dạy nên tưng trọng trẻ con rõ ràng, như có lời Đức Chúa Giê Du đã phán: "Hãy để cho con trẻ lại gần ta, vì nước Thiên Đàng là của nó. Kẻ nào được như con trẻ thì mới được vào nước Thiên Đàng".

Cái lòng từ ái ấy cũng thấy lộ ra rất hiển nhiên trong luật pháp. Riêng về nước Pháp, thì luật hình điều thứ 312, đoạn thứ 7, 8, trừng phạt đến cha mẹ đánh con trẻ sơ sơ và không lo săn sóc nó cho châu đáo. Nói như thế, để cho ai nấy biết nếu đánh con nặng đòn, trọng bịnh, hoặc có ý giết nó, thì pháp luật còn nghiêm trị là dường nào?

Hạn chế quyền cha mẹ như vậy chúng tôi tưởng là phải lắm. Đứng về mặt nhân phẩm mà nói, thì bao giờ nhân phẩm cũng đáng quý; nhân phẩm của trẻ con lại còn đáng quý hơn nữa, vì nhân phẩm ấy đương phát dục một cách trong sạch thật thà, nên ta phải chắt chiu mà bồi bổ cho nó mới phải.

Về giáo dục mà nói, bao giờ cách dạy dỗ bằng lời ngon lẽ ngọt cũng công hiệu hơn những cách dạy bằng dùi đục, cẳng tay, vì nó hạp với nhân phẩm và lòng thương xót của tạo hóa.

Về gia đình và xã hội mà nói thì trẻ con cũng là một phần tử, mà phần tử nầy thật, không biết giá đáng đến chừng nào mà định trước: một người đã thành nhân ta biết giá, chớ làm sao mà biết giá một đứa trẻ đương tơ? Biết đâu sau nầy nó chẳng trở nên một người hiền, một nhà bác lãm làm ơn cho hậu thế?

Hậu sanh đáng quý, mà cũng đáng sợ thay! Người mình, phần nhiều, còn chưa có cái quan niệm đào tạo trẻ con bằng những cách diệu mềm ngon ngọt ấy, bởi cái lệ chưa rõ biết trách nhiệm vì xã hội mà nuôi con thôi.

Vì vậy mà những vụ như vụ chị đem con mà dầm mưa, trấn nước, đánh đập đến thiệt mạng kia, còn có thể xảy ra hoài. Chúng tôi tưởng nên nhơn đó mà nhắc nhở cho ai nấy nhớ đến cái nghĩa vụ làm cha mẹ của mình và nhứt là nên nhớ cái quyền hạn của mình hơn hết. Quyền hạn nầy tuy rộng rãi như trời như đất, nhưng đời bây giờ đây, xã hội đã thâu tóm lại chỉ còn trong mấy khoản luật hình thôi.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s. 6892 (10. 12. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân