HÃY CHO MỘT MỚ RÔ-BI-NÊ Ở NƠI ĐẦU CẦU MỐNG

Mỗi một lần đem chuyện gì hơi bẩn thỉu một chút mà nói lên trên báo, tôi đều có xin lỗi độc giả và rào trước đón sau thiệt cẩn thận, thì lần nầy tôi cũng tình nguyện làm như vậy nữa.

Một điều xin nói trước ra đây, là chuyện nầy nhờ có ông Nguyễn Khắc Hiếu nói tiên phuông ở Hà Nội rồi, thành ra ở đây, tôi mới dám chồng dấu mà nói theo.

Thiệt nó khai quá! Nó khai làm sao mà chịu đà không nổi, dầu có bịt mũi mà chạy mau đi nữa là khai nó cũng vẫn hoàn khai! Ai có đi qua chỗ đầu Cầu Mống, mà không phải bên Khánh Hội, chính tại bên Sài Gòn nầy, thì hẳn đã có thưởng thức qua cái mùi khai ấy.

Tôi thì tôi đã thưởng thức nhiều lần rồi. Đôi khi muốn đem mà kêu ca trên báo, song lại sợ bà con la rầy quở trách: sao có đem chuyện đái mà nói vào nhựt trình làm chi!

May sao hôm nay có ông Nguyễn Khắc Hiếu ổng nói toạc móng heo ra ở ngoài Hà Nội rồi, nên ở Sài Gòn đây tôi cũng dạn gan một chút.

Có lẽ bà con không ai để mắt đến tờ An Nam tạp chí của ông Nguyễn Khắc Hiếu. Vậy tôi xin thuật lại sơ lược về một bài ổng ấy viết trong cái tạp chí ấy mới rồi.

Ngay ở bài xã thuyết của cái tạp chí danh giá đó, ông đìa-réc-tưa của nó tức là ông Hiếu, viết mà kể tinh ngữ chuyện đái không.(*) Ông nói những là đàn bà An Nam đái ra sao, đàn bà Pháp đái ra sao. Lại ông có chê đàn bà nghèo ở Hà Nội, ra đường đụng đâu đái đó, mỗi khi ông thấy họ bung cái váy ra, ông liền nghe có nước chảy xè xè. Nói vậy rồi ông thú thiệt rằng nhỏ lớn ông chưa hề xem thấy bà đầm nào đái bao giờ và như có ý ước ao cho được thấy.

Tôi xin bái phục ông Đìa-réc-tưa của An Nam tạp chí, ông nghiên cứu về cái đái thiệt lắm công phu! Phải chi có ổng ở Sài Gòn, thì việc quan sát ở đầu Cầu Mống đây, tôi khỏi phải làm.

Đầu Cầu Mống, chỗ mút đường Pellerin, có cái tam cấp hai bên đi lên, lót toàn bằng đá hết, ấy là chỗ đã thành ra như cái cầu tiểu, nhiều người làm cách tự nhiên lắm, hễ đi tới đó là trật quần đái.

Bởi cái tam cấp đó chỉ sắm cho người đi bộ thì mới đi được, ai đi xe thì có đường khác, không ai để mắt tới đó làm chi. Lại cái chỗ hơi quanh co, khuất nẻo, đứng đái cũng ít ai thấy được, cho nên thành ra chỗ tốt thế cho người ta đái. Đã là đá lót, nước đái thấm vào nó không rút được; vả lại thêm trời nắng kiểu nầy, nó càng mau sắt cho đậm thêm. Bởi vậy cái mùi nó gắt gao nồng nàn, lộn vào trong không khí rồi truyền đi chung quanh. Ai vô phước mà đi ngang qua, hưởng nhằm thật là khó chịu.

Gặp có người đái đó tôi hỏi sao mà đái bậy vậy anh? Thì người ấy nói rằng: "Tôi ở chợ Bến Thành đái một chỗ rồi; có việc đi một nhà một chút, tạt ra ga xe lửa nhỏ Catinat, đái một chỗ nữa. Lại đi quanh quanh lộn xộn về tới đây, lại mắc đái rồi, thì đái, chớ biết sao?"

Nói vậy rồi, người ấy còn rầy thêm tôi rằng: "Thiệt anh hỏi kỳ quá! Anh cũng là dân An Nam, anh lại chẳng biết sao? Dân tộc mình ở về phương nam, chịu ánh sáng mặt trời hơn ai hết, mỗi ngày phải uống 5-7 tô trà Huế mới chịu nổi. Hễ uống nhiều thì đái nhiều. Vậy mà thành phố ta làm ít chỗ đái quá thì anh biểu tôi đái trong quần hay sao mà không đái nơi đây?"

Người ấy nói vậy rồi làm thinh làm thế mà đi mất. Tôi cũng đi đường tôi, vừa đi vừa tiếc, phải chi mình có tài hùng biện về cái khoa đái như ông đìa-réc-tưa An Nam tạp chí thì đã không đến nỗi bị ảnh rầy mình.

Nay tôi xin cùng thành phố: một nước là cấm tiệt, đừng cho ai đái chỗ đầu Cầu Mống ấy; còn một nước, nếu không cấm, để đái tự do, thì phải cho chỗ đó lấy một mớ rô-bi-nê.

Liệu mà lo trước đi, để có ngày ông Đìa-réc-tưa xứ Bắc ổng vô đây, không khỏi ổng lại cho một bài xã thuyết nữa!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6670 (2. 3. 1932)


 

(*) đây nhắc tới bài Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ (An Nam tạp chí, Hà Nội, s. 29, 20/2/1932, tr. 3-5), bài thứ hai trong loạt bài Tản Đà công kích Phan Khôi (Có trong phụ lục 2 của sách này).

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân