HAY! CỨ NHÈ PHÚ Ý NGƯỜI TA MÀ SỬA HOÀI!

Trong các dân tộc trên thế giới, tưởng không có dân tộc nào mà phú ý mục lục cứ lộn xộn hoài, lâu lâu lại có người đặt tay vào sửa đổi như cái phú ý của dân tộc An Nam chúng tôi. Đó tôi muốn nói với ít nhiều người Pháp ở đây nên mới nói như vậy.

Theo lịch sử chúng tôi thì nói:

Cháu đời Viêm Đế thứ ba,

Nối dòng hỏa đức gọi là Đế Minh.

Quan phong khi giá nam hành,

Hay đâu Mai Lãnh duyên sanh Lam Kiều!

Vụ Tiên vừa thuở đào yêu,

Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.

Dòng thần sánh với người tiên,

Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nối ra.

Phong làm quân trưởng nước ta,

Tên là Lục Tục, hiệu là Kinh Dương

Ông Kinh Dương ấy là thỉ tổ của người An Nam chúng tôi đó. Mà ổng là con trai của ông Đế Minh, ông nầy là cháu đời thứ ba của vua Viêm Đế. Vậy thì ông Kinh Dương, ông tổ chúng tôi, là cháu đời thứ tư của Viêm Đế vậy. Cái lai lịch ấy, chép đành rành trong lịch sử chúng tôi, coi như là phú ý chắc chắn đã mấy ngàn năm nay.

Theo đó thì gốc gác của chúng tôi là ở bên Tàu qua. Chẳng phải là do một chú Khách nào ở bên Tàu xiêu tầu tấp lại mà là do dòng dõi đế vương sang trọng nữa.

Tuy vậy, nay xem lại trong sử Tàu thì chẳng thấy chép việc ấy. Chẳng thấy nói có ông Đế Minh nào là cháu đời thứ ba của vua Viêm Đế qua cưới vợ nhỏ bên An Nam rồi sanh con ra làm vua xứ nầy. Trong sử Tàu chẳng có chỗ nào nói như vậy hết.

Bởi gốc tích không được vững chãi như thế mà rồi nhiều ông Tây đặt miệng vào muốn xóa cái phổ hệ ấy đi.

Có ông Tây làm sử An Nam nói người An Nam do người Tây Tạng xuống, xuống ở miền Bắc kỳ thành ra người Giao Chỉ, riêng ra một dân tộc chớ không dính líu gì với người Tàu.

Năm trước đây có ông Tây ở trường Bác cổ Hà Nội lại sửa một lớp nữa. Ông nầy cứ theo trong Sử ký của Tư Mã Thiên mà nói giống An Nam nguyên là một dân tộc do phía tây nam nước Tàu dời xuống.

Thật, tôi xin chịu rằng người An Nam chúng tôi dở quá, chỉ có tông đồ phổ hệ của ông cha mình mà cũng không xong, để bữa nay nghe người nói thế này, mai nghe kẻ bảo thế khác, rồi không biết đâu là phải cả.

Nực cười nhứt là trong các trường, khi con nít An Nam học sử Pháp, chúng nó đọc rằng: "Nos ancêtres sont des Gaulois", nghĩa là "tổ tiên chúng tôi là người Gaulois"!

Vả chăng người Gaulois chẳng là tổ tiên của người Pháp chớ có dính dấp gì với An Nam đâu. Có điều khi người ta cho trẻ An Nam học sử Pháp cứ để y sách mà không sửa, thành ra con trẻ An Nam trở nhận Gaulois là tổ tiên mình!

Cái phú ý An Nam của chúng tôi đến đó thật là loạn bậy không còn chỗ nói!

Không ngờ đến ngày nay lại có ông Tây muốn gắn bó tình nghĩa Pháp Việt với nhau, ổng làm cho câu sử ấy thành ra sự thiệt phứt đi!

Mới rồi trong bài lịch trần của ông Anatole Beauville khi ra nghị viện Tây, ổng nói thiệt tình như vầy: "Tôi nói thiệt chớ không phải dỡn. Người Pháp với người An Nam đồng ra từ người Gaulois. Phải, người Giao Chỉ không phải ai lạ, tức là bọn Gao-lao-chi, tổ tiên họ lập nghiệp tại Galatie mà bị người La Mã xâm lấn luôn nên phải chạy trốn trong miền Tiểu Á Tế Á trước kỷ nguyên mấy năm đó. Các dấu tích xiêu lạc ấy sau khi qua đến phía nam các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Tàu và phía bắc xứ Lào rồi không có thể tìm lại được".

Nguyên văn như vầy: "Je parle sérieusement. Les Français et les Annamites descendaint des Gaulois. Oui, les Giao-Chi n'étaient autres que le Gao-Lao-Chi, les ancêtres établis en Galatie fuyant toujours devant les invasions romaines en Asie Mineure quelques années avant l'ère chrétienne. La trace de cette émigration à été jusqu'ici impossible à retrouver après leur passage dans le sud des provinces chinoises du Koang-Si, du Koang-Tong et dans le nord du Laos".

Như vậy thành ra người Pháp đến ở đây là ở đất của anh em bà con mình...

Hay! Ông Beauville khéo nói hay!

Giao Chỉ tức là Gao-Lao-Chi, mà Gao-Lao-Chi tức là Gaule, tức là Gaulois, người An Nam với người Pháp đồng ra từ một ông tổ, – ông Beauville nói hay thiệt!

Phú ý An Nam chưa yên đâu, còn động nữa! Vậy có còn ông nào muốn sửa nữa thì luôn củi luôn lửa mà sửa đi, coi thử nào!

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6721 (4. 5. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân