HỄ LÀ DỊCH THÌ ĐỀU ĐÁNG GỚM HẾT

Cái chuồng ngựa gì lại giá đến 4.031.739 đồng vàng Y-pha-nho? Quái!

Khoan, xin độc giả cho tạm bỏ qua chuyện ấy đi để nói chuyện dịch đã.

Hễ là dịch thì đều đáng gớm hết. Thông Reo bình nhựt nói luôn luôn như vậy.

Thứ nó hay truyền nhiễm quá. Thổ tả, hạch chuột, cúm, v.v., không mắc thì thôi, mắc thì ít ai qua khỏi được, thuở nay nó giết biết bao nhiêu là người. Cho nên hết thảy các chứng dịch đều là đáng gớm. Ai khôn vía thì nên phòng ngừa đặng tránh khỏi nó.

Vô phước cho trong nghề làm báo cũng có một cách truyền đạt cái ý của thứ tiếng nầy ra thứ tiếng kia, mà cũng kêu bằng "dịch", cho nên cái dịch nầy nó cũng là đáng gớm. Bởi vì đã nói: hễ là dịch thì đều đáng gớm hết. Dịch mà sai thì cái sai ấy nó làm cho độc giả cũng hiểu sai nữa. Trong độc giả, một người hiểu sai rồi đến trăm ngàn người hiểu sai, nó chẳng khác nào bịnh truyền nhiễm từ một nơi mà lan ra nhiều nơi, từ một người mà lây đến nhiều người.

Hiểu sai, có phải là điều sơ sịa, bỏ qua đi cũng được đâu? Hiểu sai, ấy là làm cho cái óc chết; cái óc chết, lại còn ngặt bằng mấy cái xác chết nữa. Bởi vậy, cái dịch nầy nó cũng đáng gớm chẳng khác gì cái dịch kia.

Nãy giờ chẳng qua nói kiểu "jeu de mots" (*) chớ chẳng có ý nghĩa gì cho lắm. Tuy vậy, "jeu de mots" mà không đến nỗi vô lý, độc giả cũng có thể nghe mà vui tai vậy. Rồi đây mới nói đến chuyện cái chuồng ngựa.

Mới có một tờ báo hằng ngày đăng cái tin như vầy:

"Mới rồi ban uỷ viên thành phố Madrid có gởi thư qua Pháp cho phế đế Alphonse XIV, ngỏ ý muốn mua cái chuồng ngựa của ngài. Vua Alphonse trả lời lại, ưng thuận, hai bên định giá cả với nhau xong xuôi. Tính ra giá cái chuồng ngựa ấy là 4.031.739 đồng vàng Y-pha-nho".

Tôi đọc qua, chẳng lành chớ tôi lại nghĩ rằng: Sao, cái chuồng ngựa gì mắc thế? Tôi không thạo, không rõ đồng vàng Y-pha-nho là ngang với đồng bạc là mực nào, nhưng nghe một tiếng bốn triệu thì ai cũng phải chịu là mắc.

Tôi mới nghĩ: Họ ở bên nầy như mình thì họ làm gì mà biết việc nầy mới xảy ra bên Tây? Đây chắc là họ do tin trong báo Tây mà dịch ra, chớ chẳng có gì lạ.

Vậy thì có lẽ là họ dịch bậy chăng? Thủng thẳng nghĩ thử coi.

Khi ấy tôi bèn tò mò như là kẻ cái người kiếm. Bởi vì nguyên văn của cái tin họ dịch, tôi đã không biết ở đâu thì tôi chỉ có một nước tò mò đi kiếm trong đầu tôi mà thôi.

Tôi đoan quyết ba chữ "cái chuồng ngựa" là do chữ Ecurie mà dịch ra. Thế thì trong chữ nầy có thể làm cho họ lầm.

Nếu là Ecurie thì có hai nghĩa. Một nghĩa là cái chuồng ngựa (Lieu destiné à loger les chevaux...) một nghĩa là hết thảy cả ngựa trong chuồng (Ensemble des chevaux logés dans au même local).

Lấy lý mà nói thì cái chuồng ngựa chẳng có làm thế nào cho đến hơn bốn triệu đồng vàng đặng. Ở Huế năm trước có một ông quan tính cất cái chuồng ngựa ba ngàn đồng mà thiên hạ đã kêu là xa xỉ quá đi rồi. Không lẽ, không có lẽ, tuyệt nhiên không có lẽ. Cái chuồng ngựa mà đến ngoài bốn triệu đồng vàng, không thể tin được.

Nếu có cái tin ấy và trong có chữ Ecurie thì đó là hết thảy cả và ngựa trong chuồng như nghĩa thứ hai. Duy có mua hết thảy cả và ngựa trong chuồng, không biết mấy con, mà ngựa của vua thì chắc là ngựa hay nữa cho nên mới mắc đến giá ấy.

Bà con nghe tôi nói vậy có gật đầu cho tôi một chút không? Ví dầu tôi nói không trúng đi nữa, nhưng mà rất có lẽ.

Vậy thì Ecurie là cả bầy ngựa, mà vì người dịch không hiểu nghĩa ấy nên mới dịch ra là cái chuồng ngựa, hóa nên cái giá 4.031.739 đồng vàng Y-pha-nho mới là mắc.

Vậy thì cái dịch nầy há chẳng cũng đáng gớm ư? Tôi nói lu lơ vậy mà nhằm đa!

THÔNG REO

 Trung lập, Sài Gòn, s. 6660 (19. 2. 1932)


 

(*) jeu de mots (chữ Pháp): chơi chữ.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân