HỒI MINH MẠNG MÀ Ở NAM KỲ CŨNG GẦN CÓ CỌNG SẢN

Mấy cha cọng sản có muốn một điều kỳ quá, là lấy đất nhà giàu chia cho nhà nghèo. Làm như vậy có ai chịu đâu. Đừng nói nhà giàu họ không chịu đã đành, mà cho tới ai ai cũng không chịu vì nó ngang quá.

Ở Nam kỳ, hồi chộn rộn năm kia đây người ta cũng hô lên như vậy, nhưng mà có ai chịu nghe? Sự ấy chẳng những ở đời nay, cái căn cơ của chế độ tư bổn vững vàng lắm rồi, không có thể làm ra được, mà cho đến ở đời xưa cũng vậy, cũng chỉ là thất bại mà thôi.

Năm Minh Mạng 21, các quan tỉnh Gia Định tâu về cho vua như vầy:

"Trong hạt chúng tôi bởi không có công điền cho nên nhiều nhà giàu bao lãm đến hằng ngàn hằng trăm mẫu; còn kẻ nghèo thì không có được một cục đất mà cày. Vậy bây giờ xin lấy số đất tư của các làng mà chia hai ra, nửa phần thì để cho nguyên chủ canh trưng, còn nửa phần thì làm ruộng công điền, đem quân cấp cho đồng dân như các làng ở miệt ngoài có công điền vậy".

Lời sớ ấy dâng lên, vua Minh Mạng không chịu.

Tuy cách các quan tỉnh Gia Định làm đó không giống hệt với cách của cọng sản, song cái sự cướp ruộng trong tay nhà giàu thì cũng như nhau. Làm vậy hẳn là nhà giàu không bằng lòng rồi. Mà gẫm coi, ai lại bằng lòng?

Bấy giờ vua xuống tới dụ như vầy: "Cái tỉnh Nam kỳ, đất ruộng đã tốt mà lại nhiều, chỉ lo dân làm không siêng, chớ không lo ruộng không đủ. Nếu các quan có lòng với dân, khuyên nhà giàu thả bớt ruộng mình ra cho nhà nghèo làm mà lấy lúa tá nhẹ nhẹ, thì tự nhiên kẻ nghèo cũng có nhờ vào đó, chớ hà tất lại phải cướp của họ đi?

Nếu làm theo cách quan tỉnh nói đó thì phải xáo lại bộ tịch một lần nữa, càng thêm rắc rối mà người ta lại ta oán. Như vầy thì được. Bây giờ hãy sức ra cho dân, bất kỳ chỗ nào hễ có đất hoang thì ai cũng được hiệp sức nhau mà khai phá hết ; khai phá rồi thì lấy ruộng ấy làm công điền mà quân cấp cho đồng dân. Hay là làng nào có ruộng nhiều quá, cày không hết, thì các quan phải hiểu cáo(*) cho họ, khiến họ trích ra ba hoặc bốn phần mười mà cho dân nghèo cày cấy rồi làng ăn rẽ(**). Hãy làm thử hai cách đó coi thành hiệu ra sao rồi tâu cho trẫm biết".

Vậy thì vua Minh Mạng cũng không chịu lấy ruộng nhà giàu mà cho nhà nghèo.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6659 (18. 2. 1932)


 

(*) hiểu cáo: có lẽ như hiểu dụ, hiểu thị.

(**) ăn rẽ (bản gốc là ăn rẻ, có lẽ thợ in lầm dấu giọng): tách ra một phần, hưởng một phần hoa lợi; tương tự làm rẽ, cấy rẽ.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân