KHOA CÁCH TRÍ CỦA NHÀ NHO

Sách nho có dạy về những cách vật tri tri, nhưng xem các ông nhà nho xưa nay về khoa nầy lù mù lắm, các ổng ít nói đến mà nói đến cũng không rõ ràng.

Như sách Cận tư lục chép: Ngày kia ông Châu Liêm Khê và ông Thiệu Khang Tiết nói chuyện phiếm cùng nhau, ông Thiệu hỏi rằng: "Sấm sét dấy lên từ đâu?" Ông Châu theo sở kiến mình mà đáp lại làm sao đó, rồi lại hỏi ông Thiệu chớ như theo ý ông thì sấm sét dấy lên từ đâu? Khi ấy ông Thiệu thong thả mà đáp rằng: "Nó dấy lên từ chỗ mà nó dấy lên" (Khỉ vu khỉ xứ)! Thế mà ông Châu trở lại phục câu trả lời ấy, cho rằng nói vậy là đúng hơn mình lắm!

Đọc sách Nho, gặp những chỗ nói về vật lý, không biết có chắc đúng không, bèn dịch lục ra đây để hỏi các nhà khoa học.

*

Có sách chép rằng: "Cái mật của các giống thú vật đều dính vào lá gan mà không day động. Duy có cái mật của con trăn theo ngày mà chuyển: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần, cứ mỗi tuần thì cái mật chạy đi ở một nơi. Cái mật con gấu lại lại theo mùa mà chuyển: Xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa ở một nơi. Cái mật con với lại theo tháng mà chuyển: mười hai tháng mỗi tháng ở một nơi". Có thật vậy chăng?

*

Trong Chợ Lớn, mấy tiệm Khách bán kiếng đeo mắt, có chưng ra nhiều thứ kiếng bằng thủy tinh: thứ thì kêu bằng "trà tinh", thứ thì kêu bằng "phác tinh" v.v..., mà giá mắc hơn kiếng thường. Hỏi ra thì họ nói thủy tinh là vật thổ sản của Tàu chớ không phải của ngoại quốc. Còn hỏi nó ra từ đâu thì họ không biết mà trả lời.

Tra trong sách Tàu, có sách nói thủy tinh là thứ băng lâu đời thành ra. Vả chăng, băng tức là nước gặp lạnh quá mà đóng lại, rồi hễ gặp nóng thì lại tan ra nước, vậy thì làm sao trải qua lâu đời được mà thành thủy tinh?

Có sách khác nói: "Thủy tinh xuất sản ở Triều Châu, thuộc về tỉnh Quảng Đông, có mấy thứ: là những hoàng tinh, tử tinh, lục tinh, trà tinh, mặc tinh, phác tinh". Sách ấy chỉ nói vậy thôi rồi có bẻ lời sách trước đi mà rằng: "Đã xuất sản ở Triều Châu thì Triều Châu là xứ nóng, đâu có băng được? Vả lại thủy tinh có nhiều thứ như thế, rõ là không phải băng đóng mà thành".

Đến sách khác nữa lại nói: "Trong niên hiệu Chánh Hòa (vua Huy Tôn nhà Tống, 1111), ở đất Y Dương, núi Thái Hòa lở, lòi thủy tinh ra. Vậy thì thủy tinh là một thứ khoáng vật, sanh ra trong đá".

Lại tra, thủy tinh tức tiếng Pháp là Cristal. Mà Cristal thì là chất sanh ra trong mỏ mà sáng suốt (substance minérale transparente), như vậy có lẽ lời sách sau hết đó là đúng.

*

Xứ ta, ở nhà quê, muốn biết khi nào nước lên nước ròng thì thường xem mắt mèo: hễ tròng đen nó tròn và đầy là nước lên, còn lép là nước ròng. Tròng đen mắt mèo khi tròn khi lép như thế là sự có thật; song làm sao lại quan hệ với nước lên nước ròng thì không rõ, và cũng không biết có chắc vậy hay không nữa.

Một nhà nho đời Thanh có làm ra một bài ca chỉ định giờ nào mắt mèo tròn, giờ nào lép trong một ngày, ca rằng:

"Tý, ngọ, tuyến;

Mẹo, dậu, viện;

Dần, thân, tỵ, hợi, ngân hạnh dạng,

Thìn, tuất, sửu, mùi, trắc như tiển".

(Nghĩa là: giờ tý, giờ ngọ như sợi chỉ; giờ mẹo, giờ dậu thì tròn; dần, thân, tỵ, hợi in như lá cây ngân hạnh (?); thìn, tuất, sửu, mùi nghiêng như đồng tiền)(*).

Ông Du Việt, nhà học giả có tiếng, thầy của ông Chương Bỉnh Lân, có khảo cứu về điều nầy. Ông dẫn bài ca đó và có dẫn thêm lời ông Vương Mộng Vi nói:

"Mắt mèo, ban đêm sáng mà ban ngày mờ. Hồi giờ ngọ, mặt trời đứng bóng, sáng gắt lắm, tròng mắt mèo sợ sáng mặt trời nên hay nhắm lại mà ngủ. Nếu mình vạch ra mà coi thì thấy nó bị ánh sáng chói quá mà cái tròng lép lại còn bằng sợi chỉ. Hồi giờ thìn, giờ tỵ, mặt trời chưa nóng mấy; đến giờ thân, giờ dậu, ánh sáng đã dịu lần; cho nên nó đều nhỏ còn bằng hột táo. Nhưng đến ban đêm thì sáu giờ tròng mắt mèo cũng đều tròn cả. Có điều khi mình bắt nó đem lại dưới đèn mà vạch ra coi thì bị bóng đèn chói, nó cũng còn bằng hột táo thôi. Nhờ có ngày kia, lúc đứng trưa, con mèo nằm trên bàn, kêu nó ra phía hiên sau nghiệm thử, thì thấy cái tròng hơi nhỏ; nhưng bắt đem lại kề cửa sổ thì nó nhắm cứng mắt lại, không chịu mở, cố vạch ra xem thì lại còn bằng sợi chỉ. Lại một lần nữa, đứng trưa mà trời mưa tối, thì coi mắt mèo cũng vẫn tròn. Thế thì ra mắt mèo nhỏ đi là vì sợ sáng chớ không theo giờ nhứt định như bài ca ấy".

Ông Du Việt cho lời họ Vương nói là có lý. Lại dẫn thêm sách Dậu dương tạp trở nói: "Tròng mắt mèo sớm mai và chiều thì tròn, đứng trưa thì nhỏ như sợi chỉ", rồi chứng tỏ rằng mắt mèo có lớn có nhỏ là chỉ nội ban ngày mà thôi.

K.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 168 (15. 9. 1932)


 

(*)  ngân hạnh  銀 杏 (ginkgo biloba): cây thân gỗ lớn, lá hình vỏ hến, còn gọi là cây bạch quả, thường được dùng làm dược liệu.  

 

© Copyright Lại Nguyên Ân