KHÓC PHỤ NỮ TÂN VĂN NGÀY NAY

"Phụ nữ tân văn" đã chết rồi!

Bớ tình! Bớ nghĩa! Bớ duyên ôi!!

Mà khoan! Người ta chưa phát tang, chưa tẩn liệm, mình khóc hước họ nói mình khóc giàm(*). Yểm luỵ, ta yểm lụy ớ Thông Reo! Để nói qua cái chuyện người ta đứng trước ngọn đèn xanh (đèn xanh xui xẻo quá!) mà la lửa đã.

Nói la lửa cũng được mà nói trối chết cũng nên (vì là lời chót của báo Phụ nữ ngày nay hay hằng ngày gì đó), song nói la lửa thì đúng với cái giọng bài hải của họ hơn.

Thông Reo tôi ít có ưa "thấy người sang dắt quàng làm họ", mà không biết thế làm sao cái tánh tò mò tìm tòi nhận ra tiếng Pháp với tiếng ta nó có lắm chỗ ăn chịu hóa tức cười.

Như cái tiếng "la lửa" (crier au feu) rồi mà ngụ ra uyên thiên những là nghĩa bóng: ecrivain incendiaire (văn sĩ cháy nhà) écrit incendiaire (bài văn cháy nhà), pamphlets incendiaires (bài công kích cháy nhà); cũng như tiếng ta có những câu: "đến cho một bạt tai cháy nhà", "cháy nhà ra mặt chuột", "ăn mày hôi cháy chợ", v.v… Nhắc tới ăn mày hôi cháy chợ, tôi trực nhớ một bài thơ cổ, để biên thuộc lòng ra đây cho cô bác anh chị xem chơi:

Bất nhơn chi lắm lũ mày ôi!

Chợ cháy còn bay lại khuấy hôi.

Trời đất lấp tai thây trối kẻ,

Nước non có mắt thấy cho đời!

Lờ mờ nước đục cò no nóc,

Tan tác nhà chay quỷ phá rời!

Phút chốc lửa tàn đâu lại đấy,

Lăng xăng trùm tới đánh văng cời.

Thì có gì đâu, muốn cho ra mặt chuột phải đốt Hội chợ, hội chợ cháy lũ mày hôi, lũ mày hôi trùm tới đánh, mà đánh văng cời không phải là đánh đổ lửa sao?

Ừ, mà nghĩ ở đời cũng nhiều cái trẹo: hổm rày lửa cháy thời khổng thấy ai la. Để cho tới lửa tàn, chuột rút về hang rồi, mới la ba hơi nhập một la bài hải: "Cấp báo, cấp báo! chí nguy! chí nguy!... Loạn quá rồi! Loạn quá rồi! Lửa! Lửa!"

Tội dữ ác thì thôi! Hổm rày ai có nói làm sao mà không cho ông Nguyễn Đức Nhuận là quân tử? Nhưng ông có thật là "chơn chánh quân tử" hay chăng thì ai mà chắc đặng, vì hôm hội chợ mới phát cháy chúng tôi đã thấy có ông Nhuận ngồi rường!

Còn bà Nhuận? Ma mà bắt đứa nào có nói bà ta mất nết! Không, không, không! Bà Nhuận không hề mất nết. Trái lại bà ta có nết chớ, mà nết gì ai dám biết. Hu! hu! hu!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6771 (5. 7. 1932)


 

(*) tẩn hoặc tẩn liệm: phong gói tử thi để vào hòm (H.T. Paulus Của, sđd.); khóc hước: có lẽ như "khóc nức"; "hước" như "nấc"; khóc giàm: như "khóc gièm" ; "giàm" hoặc "gièm": muốn nhưng không dám nói thẳng (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd. ).

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân