KHÔN SỐNG LÂU HAY DẠI SỐNG LÂU?

Thiệt ở đời có hai chữ "khôn", "dại" mà luận mãi không rồi, vì "khôn" cũng như "dại", có nhiều đường nhiều hạng, thiên hình vạn trạng, phân biệt hết được đâu.

Song bữa nay tôi muốn nghiệm lại coi: khôn sống lâu hay dại sống lâu, là vì về khoản nầy nghe miệng thế còn phân phân bất nhứt.

Khôn hay dại, bên nào sống lâu hết? Tục ngữ có câu "Khôn thì sống, bống thì chết". Lại cũng có câu: "Khôn ngoan quỷ quyệt chết liệt lao tù, lù mù lù mù già khù chết rũ".

Ờ! tưởng chết mà có chỗ hay ho gì, chớ chết rũ là chết mục với cỏ cây thì ai thèm hâm mộ làm gì mà hòng muốn sống tới già khù già khú! Té ra khôn, dầu cho sống lâu hay chết yểu, cũng là đáng yêu đáng chuộng hơn dại mà.

Nhưng khôn mà sống lâu hay chết yểu lại là một vấn đề quan trọng đáng cho ta chiêm nghiệm hơn nữa. Người khôn thì thường là người có đởm lược, có tâm can. Bởi lớn mật to gan nên người khôn hay dám làm những việc phi thường mà thế tục họ hay cho là khó, là nguy, là hiểm đó.

Ừ, cái "dám" là một cái đức cả của nam nhi, không có không được. Song ta hãy dám cho phải dịp phải thời, dám cho phải đường phải cách, nói tóm lại là dám cho nên thân cái dám kia.

Đây tôi xin tỉ dụ cho cô bác anh chị nghe. Cái dám tỉ như một gốc cây kia mọc lên có hai nhánh cái, một nhánh thưa một nhánh rậm. Nhánh thưa ta ví với cái dám làm còn nhánh rậm ta ví với cái dám nhẫn. Chữ nhẫn người ta hay dịch ra nghĩa nôm là nhịn, nhưng Thông Reo tôi không chịu vì nhịn nó có hàm ý nghĩa là nín mất, nín mất sợ quên luôn, quên luôn thời còn dám nói gì? Tôi thì tôi cho chữ nhẫn là dằn, dằn là dám: việc đó mình sáng kiến thấy rồi, liệu sức mình dám được hữu dư, song suy ra chưa phải hội phải thời, ta dằn xuống để chong mong chờ dịp.

Bởi vậy cái dám làm huy hoác(*) dễ thường là cái khôn thưa thới, sợ e chết yểu ghe ngày, còn cái dám làm ngấm ngầm là cái khôn đáy chốt, ai mà đả đảo được ư?

Nghe nói hôm sớm mai chúa nhựt rồi đây, anh em làm việc các nhà buôn có nhóm kỳ đại hội bất thường trót năm sáu trăm người, tại nhà Philharmonique ở đường Tabert để duyệt y cuộc công cử ban trị sự mới. Không rõ trong anh em có một số người bất đồng ý kiến làm sao mà sau khi bàn qua cãi lại giây lâu thì có một vị vùng đứng dậy tuột cái áo ngoài ra va xăn hai tay áo sơ mi vừa hô lớn: "Bây giờ duy có nước dùng võ lực giải mới quyết. Đánh, ta đánh!" Khá, anh em trong cuộc không ai để chi đến đỗi... Thế rồi giải tán ra về.

Ông nào nóng đó, tôi chưa quen mặt mà cũng chưa hân hạnh biết đặng tên, nhưng tôi xin thành thật nhắc khuyên đây:

Chữ nhẫn là chữ tượng vàng

Ai mà nhẫn đặng thì càng sống lâu.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6782 (19. 7. 1932)


 

(*) huy hoác: vẻ hào phóng, làm ra sự thể lớn ( H.T.Paulus Của, sđd.)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân