KHÔN VONG THÌ NHẢ RA

Hèn chi người ta nói: "Có gian mà không có ngoan". – Ngoan ấy là khôn mà.

Cái người gian mà không khôn ấy, họ thấy của người ta thì họ muốn cướp lấy, họ tưởng cướp chắc êm ru, không hệ gì hết, có ngờ đâu thứ của ấy nó khó nuốt lắm, nhiều khi họ ực không trôi.

Có khôn vong thì, tôi nói với cái người trên đó, hãy nhả ra đi, đừng rán nuốt bướng mà mắc cổ bây giờ.

Ở Phú Nhuận, có ông già năm nay 67 tuổi, làm nghề chằm nón lá kêu là nón "bù hụp", đủ chi độ hằng ngày cho hai vợ chồng già. Ông ấy bình sanh lại thích hai món, là mua giấy xổ số và cá ngựa. Bởi vậy chiều chúa nhựt nào ông cũng có mặt ở trường đua; và hễ có cuộc xổ số nào là ông cũng mua một vé, không trật.

Mới rồi, trường đua ngựa lại mở cuộc xổ số, dồn hai cái thích của ông vào một chỗ, ông khoái hèn gì, nên ông mua một vé một đồng.

Mua cái vé về, ông cất kỹ, lại ghi mấy con số nơi một miếng giấy riêng, để trái một nơi. Số vé của ông tôi không biết, chỉ nghe rằng có bốn con số, nghĩa là từ mấy số ngàn trở xuống.

Đến ngày xổ số, những số trúng đăng lên báo, ông vì con mắt thớ mớ, nên mới cậy một người hàng xóm, thuở giờ tin cậy, dò giùm cho mình. Người hàng xóm ấy tên là Tám H..

Chiều bữa ấy, ông cầm cái vé số của mình đi qua nhà anh Tám, ở cận bên hè. Ông nói chuyện cậy dò giùm thì anh nọ nhận lời, song xin ông để cái vé ấy lại cho va đặng lát nữa va mua nhựt trình về dò cho. Ông già lạc lòng, lại cũng bởi tin nhau lắm nên để cái vé của mình lại. – Phải nhớ giùm cho ổng rằng cái vé ấy có bốn con số.

Anh Tám ấy hằng ngày đi làm việc gì đó ở Sài Gòn lúc sáu giờ sáng. Bởi vậy, sáng hôm sau ông ta thức dậy hồi năm giờ, chạy qua hỏi thăm.

– Tám, em dò cho qua được chi không em Tám?

– Cậu ơi! Trật lất hết rồi cậu! Cậu có một cái, trật còn khá; chớ tôi đến ba cái mới dễ dóa cho!

Nói vậy rồi Tám ta đưa trả cho ông già một cái vé số. Ông làm thinh cầm về. Ông nầy mà ổng sá gì thứ trúng trật. Bởi hồi nào tới giờ ổng đánh số có đến mấy trăm lần mà có trúng triếc gì, thì lần nầy ổng cũng cầm như những lần trước vậy thôi.

Về nhà, bà vợ cằn rằn. Ông già giả lả. Ổng nói: Tôi dại quá bà! Phải chi để mua thịt heo cá lóc thì mạt nào cũng kho ăn được ba bữa.

Vừa nói ông vừa coi lại vé số thì té ra cho đến năm con số, quả không phải cái vé của ông gởi cho anh Tám hồi hôm.

Chạy qua hỏi lại anh Tám thì anh nầy nói vé của cậu tôi đưa cậu đó, tôi biết đâu?

Ngó bộ ông nổi cơn lên rồi đây! Ở đời mà bị chúng qua mặt, chịu sao cho nổi? Ông già bèn đi tìm thầy bày, thì thầy chỉ cho rằng chính cái số mà ông ghi trong miếng giấy riêng đó trúng khổng bao nhiêu, năm trăm đồng thôi.

– Nếu vậy thì thằng Tám nó tính cướp của mình! – Ông già nói thầm trong bụng.

Chửng ổng mới đi tuốt xuống chỗ chú Chà mà ông mua vé. Điều nầy cũng nên nói, từ nhỏ tới già, khi nào đánh số, ông già ấy cũng đều mua vé của chú Chà nầy.

Mới vừa thấy mặt một cái, chú Chà đã hỉ hả mà nói với ổng: "A, bận nầy sướng quá! ông già trúng năm trăm rồi!"

– Làm sao anh Bảy biết?

– Thì cái giấy số đó tự tay tôi bán cho ông già, sao lại không biết?

Ông ta bèn đem sự anh Tám cướp vé mà nói với chú Chà. Chú Chà biểu đi thưa đi, chú chịu làm chứng cho.

Chưa biết ông đã thưa chưa, nhưng Thông Reo làm phước nói cùng anh Tám liệu mà trả cái vé ấy cho ông già đi. Chớ việc đã vỡ ra, có chứng có cớ rồi, anh nuốt không vô đâu, mà không khéo lớ xớ anh lại mang tội nữa là khác.

Tôi đố anh Tám chuyển cái vé số ấy cho ông trời nào mà lãnh được 500p. đó thì cắt cái mặt tôi mà liệng đi! Anh Tám hiểu không?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6678 (11. 3. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân