KHÔNG BẰNG CON ẾCH

Đọc đi đọc lại bài "Quần chúng nói chuyện con cóc" của anh Nam Chúc đã đăng bên Đuốc nhà Nam ra ngày 20 Juin vừa rồi mà lòng những ngậm ngùi cho đám anh em lao động.

Anh em lao động nhà ta ôi! Người ta bảo anh em nói chuyện con cóc tức thị là bảo anh em biết có cái "con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi" thê. Nói cho quịt mà nghe: họ bấm khéo anh em ngay chỗ dốt đấy.

– Không nà, anh Thông Reo! Anh Nam Chúc ảnh có nói rõ con cóc ở trong chuyện ngụ ngôn La Phong Tên (La Fontaine) mà.

– Chết nỗi! Anh lại bé cái lầm nữa! Trong chuyện ngụ ngôn La Phong Tên làm gì có con cóc? Có chuyện con ếch với con bò thì có. Mà thôi, ếch thì ếch, để mình nói chuyện ếch nhà mình chơi.

Cũng trong một số báo ra ngày 29 Juin ấy, Đuốc nhà Nam có đăng cái tin quan Thống đốc Eutrope (Nam kỳ) vừa rồi có thông tri cho các chủ tỉnh thi hành nghị định ngày 14 Décembre 1931 mà ra lịnh cấm, kể từ 1er Juillet 1932 sắp tới, không ai được bắt trăn, để dưỡng trăn cho trăn ăn chuột; không ai được bắt ếch, để dưỡng ếch cho ếch ăn cua. Ở xứ ta trăn đâu có cho nhiều, nhưng ngữ ếch thì thật là giống tràn đồng đông hết cỡ. Đó, anh em thấy, kể từ đây loài ếch đã được nhà nước bảo hộ đủ lẽ rồi. Ếch là vật rất hữu ích cho nghề nông xứ nầy, thời nhà nước bảo hộ chúng nó là thậm phải.

Còn anh em chị em? Anh em thì năm nào như năm ấy, chỉ mỗi người đóng có một dấu thuế sáu đồng rưỡi bạc (6p50)… Tuy vậy cũng còn khá hơn chị em, chị em không hề có đóng góp đồng nào hết. Có lẽ vì thế mà bị liệt vào hạng cóc nhái chớ gì?

Đều thôi! Cóc nhái gì thây kệ, chị em cứ nhớ: hằng niên chị em vẫn có đóng góp bằng cách gián tiếp, cho sở Thương chánh, thuế khóa cũng bộn bàng, thời manh quần tấm áo, thời hộp quẹt, dầu hôi, thuốc bánh, muối ăn, chỉ, kim, khăn, lược, v.v… Ấy là chưa nói tới cái công mang nặng đẻ đau của chị em đã giúp cho nhà nước có dân mà…… mà…… làm việc, v.v…

Họ nói bên Tây có hạng đàn bà lỗi lạc như….. như……, còn chưa được quyền bỏ thăm thay. Đó là họ nói bướng với chị em chơi, chớ chị em vẫn biết ở ta, đàn bà có đứng ba-tăng(*) từ hạng sáu trở lên đã được quyền bỏ thăm cử hội đồng thương mãi, đàn bà có đứng địa bộ điền thổ(*) đã được quyền công cử hội đồng canh nông kia mà. Mấy bả cũng như chị em, chớ lại hơn gì đó?

– Dạ, họ hơn chị em chúng tôi về tiền của!

– Tiền tiền! Của của hoài! Chị em không thua họ về nhơn cách, về tri giác thì thôi. Chớ con ếch nó lại mấy có tiền có của? Thiệt họ muốn cho chị em không bằng con ếch!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6773 (7. 7. 1932)


 

(*) ba-tăng (chữ Pháp patente): giấy đang ký nộp thuế môn bài; địa bộ điền thổ: sổ đăng ký quyền sở hữu đất đai.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân