KHÔNG SỢ THẤT NGHIỆP

– Anh Tư, Thông Reo bữa nay không còn sợ thất nghiệp nữa.

–  Bộ hôm trước ông chủ của Thông Reo tính đuổi Thông Reo, rồi bữa nay thương lại rồi chớ gì, phải không?

– Cái tánh thương ghét của con người thường nay vầy mai khác. Nếu lo sợ vì chỗ thương ghét thì có gì là chắc ý. Cái nghề làm báo của Thông Reo, Thông Reo đem ra bán như bán hàng hóa kia. Cho nên, như các hàng hóa, nó phải theo luật kinh tế trên thị trường. Cái bọn thầy đồ như Thông Reo ở vào thời kỳ tây học nầy mà còn bán văn chương cũ, tư tưởng "Khổng Mạnh" được, là nhờ ở thị trường thi hành chánh sách bảo hộ mậu dịch. Hôm trước, trong làng báo có kẻ đồn: rồi đây dân mình sẽ được tự do ngôn luận. Thông Reo sợ, nếu dân mình được quyền tự do ấy, thì trong đám học Tây lắm kẻ ra trổ tài, đánh trôi bọn thầy đồ nầy đi, thì Thông Reo thế nào cũng bị thất nghiệp.

Nhưng nếu như tụi Tây học ra mặt đó, hâm mộ văn chương thì mình không lo gì. Họ nói về văn chương Pháp thì mình nói về văn chương Tàu, văn chương ta. Mình còn phải giúp sức cho họ, vì họ cần hiểu văn chương của nước nhà, hiểu Kim Vân Kiều, hiểu Tứ Thơ. Cái nầy, mình thấy như chị Nguyễn Thị Chín kia, chị là đờn bà, học chỉ tới bực tú tài mà thôi, mà chị đem ra những tư tưởng gì mới mẻ quá, Thông Reo nghe qua như vịt nghe sấm. Bảo làm sao Thông Reo đừng sợ tụi đực rựa Tây học có đầu óc.

– Nếu vậy thì như dân mình được tự do ngôn luận, tôi cũng buồn giùm cho Thông Reo phải bị thất nghiệp, song tôi lại mừng vì làng báo sẽ thêm giá trị.

– Mà tôi đã nói với anh rằng tôi không lo sợ nữa mà.

– Vì sao? Hay là Thông Reo tính bỏ xứ nầy sang chỗ khác kiếm ăn? Mà, nếu ra Bắc thì làm sao lại Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, ra Trung thì tranh sao lại Hoàng Thúc Kháng và hai vợ chồng Đào Duy Anh, ở Nam Vang nghe nói cũng sẽ có báo quốc ngữ, lên Lào thì đâu đủ độc giả để nuôi cho sống? Hay là Thông Reo đổi nghề? Sang qua nghề đóng hòm như tôi đây, khỏi sợ bán ế, vì người tiêu thụ không thể không mua được. Mà từ rày sắp tới, thiên hạ đồ khổ thiếu cơm thuốc, càng chết nhiều.

– Không, anh Tư. Tôi cũng cứ đeo theo cái nghề bán chữ. Thầy đồ nầy còn xài được chớ!

– Thông Reo làm gì?

– Ở đây thì bị có Ma-đầm Nhuận(*) đã choán chỗ. Chớ ở Trung kỳ, ông Lê Thanh Tường mới khai phá, chắc là cần dùng người. Như không được nữa thì còn hy vọng lập một tạp chí cho phụ nữ Việt Nam ở Cao Man.

– À! Thông Reo xoay qua viết báo cho phụ nữ. Bị bộ râu đó, làm sao Thông Reo nói Thông Reo là đờn bà được?

– Anh nầy điên sao chớ! Tôi viết bài ký tên Hoàng Tuyết, Mỹ Hoa, Diệu Liên thì là xong việc. Vợ tôi đứng tên làm tổng lý kiêm chủ bút.

– Rủi gặp đờn bà thiệt, như Nguyễn Thị Chín họ đánh đổ lý thuyết thì xấu hổ chết?

– Nam kỳ giàu, có con gái sang Pháp đậu tú tài, chớ ở các kỳ kia đâu có hạng người đó. Anh khéo lo thì thôi.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6839 (24. 9. 1932)


 

(*) Chỗ này tác giả nhại bằng pha tiếng Pháp Việt: "Ma-đầm Nhuận" tức là "Madame Nhuận", "bà Nhuận".

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân