KIẾP TRẦN

Đọc đến "kiếp trần" chắc ai ai cũng ngụ ý: kiếp trần là kiếp đọa đày, trần ai, khổ não! Từ xưa những bực tao nhân mặc khách có nói: con người từ trong bụng mẹ đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra, dường như nó vẫn biết mình sanh ra đời là phải khổ đến già vậy.

Khổ a! "Nghĩ thân phù thế mà đau, bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!"

Thế mà có nhà khôi hài giận cái tuồng dáo dở của đời, lại nói trẹo: "Nhứt quận công, nhì không nhà", rồi ngâm lên: "Võng điều sớm tới chầu đền tía, tay trắng chiều về ngủ gốc đa". Sướng chưa! Người mà không có cóc rác gì hết, thì còn mất cái gì kìa? Thôi thì mình trần thân trụi, chiếu đất màn trời, chi chi mà phải bận!

Ở vào đời thái bình thì sướng thật, vì ngày miễn no ba bữa, tối ngủ ngáy pho pho. Chớ gặp cái hồi giặc kinh tế liên miên nầy, thì cái hạng "bạch canh" kia, phải ra sao không hiểu?

Ai muốn xem cho biết, thử tối tối, lối mười hai giờ khuya về sáng, thả vòng quanh cái khoảnh từ chợ mới Sài Gòn qua chợ cũ, coi dạo nầy cái dạng mình trần thân trụi họ ngủ đường ngủ sá rất đông thôi!

Mấy bữa rày, gió bấc lạnh thấu xương, mà những người ấy nằm dưới đất, giữa trời đông, đắp có một tấm nhựt trình mà ngủ vất. Họ ngủ vất như thế ngay giữa lúc mà hội "Chẩn tế xã hội" đương tìm phương tìm thế mót tiền bá tánh mà ngừa đuổi bịnh lao. Họ ngủ vất như thế ngay giữa lúc mà những tay cự phú như M. Hui Bổn Hòa (tục kêu chú Hỏa), M. Sáu Nhiều, bỏ phố trống dãy nầy sang dãy khác.

Chớ chi mấy ông nầy sẵn của, hội "Chẩn tế" ra công, xin mượn đỡ ít căn phố trống kia, mướn ít người cu-li để xem sóc vệ sinh, giữ gìn trật tự, thì mấy cái "sở ngụ ban đêm" (astles de nuit) mà tạo thành không đặng?

Nhưng mà không. Thân mạnh không bằng thân bịnh, bịnh thì có nhà thương thí, có hội trừ lao, thân sống không bằng thân chết, chết thì có thầy thuốc coi, có hòm chôn tử tế. Than ôi! Cái câu "Người sống hơn đống vàng" nó chua cay, giả dối biết dường nào!

Có lẽ người ta sẽ hỏi gắt lại tôi: – Chú Thông Reo! Chú biết nói: giặc "kinh tế" vẫn liên miên chưa dứt, thời ai nấy đều có phận, ai lo phần nấy biết xong chưa? Chú không biết nghĩ cho người ta, cứ bạ đâu la ré đó.

– Không biết nghĩ! Hèn chi sách (sách Tàu đa!) chẳng có chữ: "Ninh vi thái bình cẩu, bất ninh vi li loạn nhơn". – Nghĩa là: "Thà làm con chó ở đời thái bình, chớ chẳng thà làm con người ở đời li loạn".

Nói thì nói vậy, chớ li loạn gì với cái hạng ăn no ngủ kỹ, xuống ngựa lên xe. Họ sởn sơ thơ thới như thường mới làm đặng những công kia việc nọ đó!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6892 (10. 12. 1932)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân