LAI LỊCH CỦA MỘT VÀI DANH TỪ MỚI

Có nhiều danh từ bằng chữ Hán, ta thường dùng hoặc thường thấy mà hiểu nghĩa được, có điều không rõ lai lịch bởi đâu. Sự nầy có nhiều người nhìn nhận như vậy. Những danh từ ấy có cái tra tự điển từ nguyên thì cũng rõ được; song có cái, muốn tra cũng chẳng biết tra vào đâu. Thế mà trong khi không cố ý tra, đọc sách lại thỉnh thoảng gặp. Tôi mỗi khi đọc sách gặp như vậy, thường ghi lấy để nhớ. Nay xin lần lượt đem hiến cho những anh em chị em háo học.

Cảnh giáo ( 景 教 ) ‒ Trong các sách chữ Hán xuất bản vào khoảng đời Mãn Thanh, khi nói về đạo Thiên Chúa (Cựu giáo) hay đạo Gia-tô (Tân giáo), cũng hay kêu chung là Cảnh giáo (Về sau thì thôi, cho đến bây giờ, hai chữ Cảnh giáo không còn dùng nữa).

Sao lại kêu Cảnh giáo?

Xét ra đạo Cơ-đốc (Christianisme) truyền vào Trung Quốc từ hồi nhà Đường kia. (Bấy giờ do một phái khác truyền qua chớ không phải phái Thiên Chúa giáo). Lúc đó kêu đức Jésus ChristCảnh-tôn Mi-thi-ha. Bây giờ nghiệm ra, Mi-thi-ha tức là "Messie"; còn Cảnh tôn không biết do chữ gì. Bởi vị giáo chủ xưng là Cảnh Tôn, cho nên cái đạo kêu là Cảnh giáo.

Sự đạo Cơ-đốc truyền vào Trung Quốc từ nhà Đường có bằng cớ đích xác lắm. Bên Tàu có nơi hiện đương còn cái bia kêu là "Cảnh giáo bia", ghi sự tích truyền đạo lúc bấy giờ, đề niên hiệu vua Đường Thái tôn(*).

Huê kỳ ( 花 旗 ) - Nước Mỹ, sao người Tàu lại kêu bằng Huê Kỳ? Huê Kỳ có nghĩa gì không? Có. Nhơn lúc người Mỹ mới tới Trung Quốc, dân Tàu thấy mà chẳng biết người nước nào. Nhơn thấy trên lá quốc kỳ họ có nhiều ngôi sao, giống như hoa, thì kêu đại là "Huê kỳ", nghĩa là "lá cờ có hoa". Ấy là lấy cái đặc sắc của lá cờ mà đặt tên nước người ta vậy! Về sau đã biết là nước Mỹ rồi, nhưng theo tục cũng vẫn kêu Huê Kỳ.

Còn một thuyết khác nói rằng: Trước kia người Anh ở Trung Quốc nhiều hơn người các nước. Đến chừng có người Mỹ đến, người Tàu thấy họ từ chữ viết, tiếng nói cho đến phong tục, nhứt nhứt đều giống với người Anh cả, không lấy gì phân biệt được, chỉ có lá cờ thì khác, nên họ kêu người Mỹ là "Huê kỳ" để phân biệt với người Anh.

Lữ tống ( 呂 宋 ) ‒ nước Phi-li-pin hay Phi Luật Tân ngày nay trước kia người Tàu kêu là Lữ Tống. Chữ Lữ Tống đó bởi chữ "Luzon" tiếng Tây mà ra. (Đây là theo trong một cuốn sách Tàu chua như vậy) nhưng tìm trong tự điển lớn tiếng Pháp thì chữ "Luzon" không có. (Có lẽ là tên một hòn đảo ở quần đảo Phi-li-pin chăng).(*)

D.

Phụ nữ  tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6. 1932)

 


 

(*)  Đường Thái Tông (626-650).

(*) Luzon: hòn đảo lớn nhất trong số gần 7100 hòn đảo thuộc quần đảo Philippin trên Thái  Bình Dương, thuộc Đông Nam Á.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân