LẠI MẤY CÁCH LÀM QUẢNG CÁO NỮA

Thiệt khổ quá! Hễ động tới hai chữ quảng cáo thì người ta nghi mình nói chuyện con buôn, mà nói chuyện con buôn là nói cặp vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận chớ gì!

Biết vậy chuyến nầy tôi phải trưng bằng cớ hẳn hòi, kẻo họ nói mình là thiên lịch.

Cô bác anh chị biết: Từ ngày các báo quốc văn ở Sài Gòn nầy bắt tay bài xích vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận về các ngón lợi dụng lòng từ thiện của quốc dân mà làm chuyện tham lạm trong Hội chợ Phụ nữ, thì có một mình anh bạn Nam Chúc tôi ở bên báo Đuốc nhà Nam là giữ được cái thái độ trung lập mà thôi.

Giờ đây tôi xin mượn lời lẽ của ảnh mà làm lịnh, thời bà con phải chịu cho tôi là ngay thật.

Trong số Đuốc nhà Nam ra ngày 12 Août vừa rồi, anh bạn Nam Chúc tôi có viết bài "Phấn son và sự sống" mà luận về tâm lý của hạng người đàn bà coi sự trang điểm trọng hơn là sự sống. Sau khi chứng quả nhiều cô, trong nhà thiếu hụt trăm phần mà hễ bước ra đường thì má phấn môi son, dầu thơm áo đẹp, bộ coi hí hởn không lo buồn gì hết, ảnh lại kết luận rằng: "Họ phải phấn son tô điểm như vậy mới có người thương kẻ mến, vì đời nầy người ta thương nhau ở cái bề ngoài là phần nhiều mà thôi".

Anh Nam Chúc tôi lầm. Người đàn bà dùng phấn son tô điểm, cũng như người đàn ông lo hớt tóc cạo râu, trước hết là vì muốn cho vẻn vang(*) sạch sẽ. Họ ăn mặc bảnh bao chưng diện, khác nào ta nói: đói trong lòng không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay. Còn họ hí hởn tươi cười, thời như mình thường suy nghĩ: dầu mà lao khổ sầu toan, mặt cũng tươi tắn như người hỉ hoan, ấy là cái lịch sự ở trong xã hội.

Có lẽ lúc chị Phụ nữ mới ra đời cũng nghĩ như anh Nam Chúc: phải phấn son tô điểm đặng cho kẻ mến người thương, nên chị ta mới nêu cái câu "Phấn son tô điểm sơn hà" kia.

Phấn son là những đồ trang sức, chẳng trọng chẳng khinh gì. Ai muốn trang điểm cách nào, miễn cho thích thời hạp cảnh, đừng lố lăng sặc sỡ thì thôi. Như mấy chị em ở Cần Giộc cứ khăn đen mặc thiệt, mà hễ nghe đâu làm việc nghĩa là trường trường ra trước, thì cũng "làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam" được vậy.

Trong một bài khác (7-8 Août), anh Nam Chúc "Cầu cho dư tấn sĩ cử nhơn" có nói: "Thấy anh em đậu cao học giỏi đông như thế, mà phần nhiều phải ở không, nhà nước không đủ chỗ bổ dụng, và kiếm các hãng ngoại cũng không có việc làm, thì nhiều người lo sợ".

Người ta lo sợ phải, vì hiện thời ở bên Pháp có không biết bao nhiêu là đồng bào ta ăn học đã thành tài, mà muốn về xứ đứt gân cổ cũng không kiếm đặng tiền tàu mà về xứ.

Thế mà chị Phụ nữ ta không biết gì hết, cứ hễ chiều chiều chừng chạng vạng, chị ta chạy ra đằng sau kho bạc bỏ tóc xã, xóc miểng sành, vừa cắn cỏ kêu trời, vừa vật mình rủa thả: "Tổ quốc Việt Nam có thâm thù gì với họ, mà họ bày tẩy chay Phụ nữ đặng cho tiêu học bổng, nè trời ơi!"

Trời ơi! Chị tưởng học bổng của nhà chị là tổ quốc Việt Nam sao? Tôi hỏi: chị còn mấy cậu em như Cao Chánh nữa mà chị có làm quảng cáo cho cái "quỹ học bổng kiểu con buôn" của chị một cách thống thiết lâm li dữ vậy?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6805 (15 và 16. 8. 1932)


 

(*) vẻn vang: gọn gàng, vén khéo.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân