LÀM VIỆC LÚC BA GIỜ KHUYA

Ông nào mà siêng dữ vậy? Thưa rằng: Ấy là một ông [....] ở phía bắc xứ Nam kỳ. Tức là cái ông mà mấy hôm nay người ta đồn rằng ổng bị rách đít và tức háng đó vậy.

(Kiểm duyệt bỏ)

Khéo thì thôi! Bởi có siêng quá như vậy mới sanh chuyện, mới rách đít và tức háng; nếu không thì dầu cho cuối năm đi nữa, làm gì có rốt tam tai?

Chuyện mới vừa xảy ra cuối năm 1931 đầu năm 1932 đây mà. Ông lớn [....] ấy, không nói, người ta cũng biết. Họ biết mà biết không hết đầu đuôi câu chuyện, vì vậy mà tôi chịu khó thuật cho họ nghe.

Số là cô nọ, người cùng làng với Ngài, hiện nay làm vợ một tay chủ tiệm cầm đồ, ở gần lỵ sở của ngài, mà người chủ tiệm lại vốn chưn sớp-phơ. Ông lớn có nhà riêng, thường ngày hai buổi đi buya-rô làm việc phải đi ngang qua tiệm. Tài gì con mắt người ta mà biểu cứ ngó ngay hoài được? Cái chỗ đó xin độc giả cho phép miễn nói.

Vì tình quen biết với vợ mà quen biết luôn cả chồng. Từ lâu có qua lại cùng nhau, và chủ tiệm có cho Ngài mượn đỡ một trăm bạc. Lâu mà không trả, chủ tiệm sai đòi, khi sai vợ, khi sai người nhà. Nhưng Ngài chẳng hề trả một đồng xu.

Bữa hôm rốt năm đó, thình lình người vợ chủ tiệm, – kêu là cô Tám – tiếp được lá thơ của Ngài, viết coi kỳ cục quá, bèn đưa cho chồng coi, thơ viết đại khái như vầy: – Tám ôi! Hai hôm nay qua có tiền rồi, mà cứ ngồi đợi em đến sẽ trả cho, sao em không đến? Chiều hôm qua, qua ngồi buya-rô trọn cả buổi; hồi hôm đây, qua đi rỏn về ngồi đợi em lối ba giờ khuya mà cũng chẳng thấy em! Thôi em hãy đến buya-rô đi, qua sẽ trả cho.

Người chồng thấy vậy thì tức đà phải ách: Té ra thuở nay thằng chả anh anh em em với mình ngọt xớt mà không dè nó lòng lang dạ thú như vầy. Thôi thì, mình ơi! – (nói với vợ) – khá tương kế tựu kế đi.

Anh chủ tiệm ta tức mình là tại chỗ đợi đến ba giờ khuya. Đã biết chỗ đó là chỗ công môn, song biểu đàn bà tới đó hồi ba giờ khuya mà làm cái trò gì?

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Lúc đó đã chạng vạng. Vợ chồng họ bèn rủ bộn bàng người ta lối xóm tới chực sẵn bốn phía dinh ông lớn.

Cô Tám thì giả đò vào lấy bạc, còn người chồng thì đứng bên ngoài. Cô Tám mới vừa lọt vào phòng giấy, ông lớn liền xây trái đóng cửa lại rồi bóp khóa. Từ đó ổng làm trò gì chẳng biết mà ở ngoài chỉ nghe tiếng la làng la xóm như ở ngoài Bắc những lúc bị vỡ đê!

Người ta chực sẵn đó tính ào vô. Song có [....] gác cửa la lớn lên rằng: "Đây là chỗ công môn, sao các người làm loạn quá. Ta nói rồi, nếu bay không nghe thì đừng có trách số". Nghe vậy, thiên hạ hoảng tháo ra lần.

Đó rồi có cò bót tới, và qua hôm sau thì việc ra tới tòa. Cô nọ khai rằng trong khi đóng cửa rồi, ông lớn đã làm hỗn, nắm tay cô cứng ngắt và vật xuống trên ván ngựa – chỗ nắm tay đó ửng bầm ra, có quan thầy khám nghiệm hẳn hòi – cô bèn nổi đóa, lấy chưn dộng vào háng Ngài. Chửng Ngài bị tức, chịu không nổi, mới buông cô ra.

Nguyên bữa vừa rồi, ông lớn đi rỏn về còn để khẩu súng lục trên bàn; và có một con dao phay, bắt của bợm đem về làm tang, cũng để ở đó. Cô nọ hoảng hốt, chụp con dao đâm Ngài rách đít; còn Ngài thì cũng vớ khẩu súng, nhưng chưa kịp bắn thì [....](*) ở ngoài kêu van om sòm, xin Ngài mở cửa.

Tới đó là hạ màn.

Chuyện vậy đó là chuyện thường, không gì lạ. Lạ chỉ có một điều là làm việc hồi ba giờ khuya! Bởi vậy chúng tôi muốn biểu dương và mong cho Ngài sẽ được thăng thưởng.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6638 (14. 1. 1932)


 

(*) Các chỗ ngoặc vuông này, ở báo gốc để trắng mỗi chỗ khoảng 1- 4 từ. 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân