LẬU VỚI LIỄM

Trước khi bàn về lậu với liễm, tưởng khi nên nói rạch ròi ngữ thiệt với giả đã. Thiệt, là đồ ai nấy đều công nhận vẫn thường xài, còn giả là vật nhái, bắt chước hay lấy kiểu đồ thiệt mà làm cho người ta lầm, nên kêu là giả mạo. Thí dụ như giấy bạc giả là đồ không thiệt, vì dầu người giả mạo có giỏi vẽ theo in hệt nữa, thời cũng còn chỗ giả về màu, về giấy, về chữ ký, v.v...

Chí như đồng bạc đồng mới nặng nổi hai chục cà-ram, giá dịch ngân (tính theo phân lượng bạc) của nó thì kém xa giá bạc y ở thị trường thế giới nhiều lắm; bị vậy mà có bọn ngoại quốc gian hùng, lấy kiểu đồng bạc ta về đúc y phân lượng, rồi đem qua xứ mình mà đổi chác để thủ lợi, thì đồng bạc y nguy(*) bắt chước đó phải kêu nó là bạc lậu chớ giả nỗi gì?

Ừ thì lậu, chớ đâu phải giả. Vì giả làm sao mà nó in thứ thiệt như con đẻ song thai! Tỉ như thứ rượu nếp đặt ở nhà ("ở nhà" là một cách nói), vì sợ bắt nên hay chui bụi đế, nhủi cụm rừng mà ta đặt tên cho là rượu rừng, rượu đế đó, thì nó là rượu lậu chớ giả chỗ nào đâu.

Phải, nó có khác rượu máy, rượu công-xi: khác rượu máy Fontaine cái hơi làn lạt cay cay là vì ta không quen ủ tấm cám với ắc-xít (acide); còn khác rượu công-xi (như công-xi(*) Thủ Đức chi loại) là vì ta không có xin nhà nước phái một ông tây đoan (Douane) ổng nếm thử trước cho mình.

Mới đây Thông Reo có đặng tin rất nhiều người An Nam ở miệt vườn như Chợ Lách, Cà Mau, Vũng Gù, Ba Động, v.v... vì bị [.....](*) mấy ông tây đoan lỡ gặp có một ve, nửa ve hay phần ve rượu nếp ở trong nhà mà liên lụy đến thân sơ thất sở.

Thông Reo tôi nói thẳng, liên lụy là tại họ. Như cái anh chàng ở Chợ Lách, bữa trước ảnh đi chợ chia với một người lạ mặt có nửa lít rượu công-xi (công-xi Cái Nhum) đem về nhậu nhót mới góc tư, kế nghe con vợ nó đi ngồi lê đâu đằng xóm, bơ hơ bải hải chạy về: "Mình! mình, rượu, tây xét! Chết!!" Nghe có bấy nhiêu đó rồi mà quơ chai rượu, dông ra gốc sua đũa, đập bể tương! Việc bể bạt lậu ra, ông tây xét ổng hay, ổng hỏi: "Ê hèn! mầy không gian sao sợ giấu?" Bí!

Trong thế anh chàng tôi nghĩ túng: "Trời thần ôi! Rượu nào như rượu nấy, để đây chúng bắt còn gì!" Không! Tây người ta ăn học cao xa. Sao anh khổng mời ông nếm coi! Ông không nghe, đem về phân chất (analyser) thử?

Không có gì hết! Thông Reo nói: anh bị là vì anh bí. Rượu không lậu mà cái sợ của anh nó tiết lậu, lậu là anh.

Nói tới người ta lậu, nhứt là đàn ông, mình bắt nhớ chị em bán hoa không có giấy. Đến món hàng gốc (của mẹ đẻ nên tôi cho là gốc) nầy, thì không phải nghi thiệt giả được. Thế mà cũng là còn có lậu, nghĩa sao cà? Thôi, thôi, cái nghĩa nó ngoắt ngoéo ẩn vi, Thông Reo không dám biết. Song may nhờ có một cô đúng "mốt" ở nhà hàng, cổ gây với "bắt con gái" mà mình hội ý. Cô ả nói: "Tôi là đàn bà ở một mình, việc gì các người được đột ngột vào phòng tôi? Tôi lậu liễm gì mà các người xét bắt?"

À! phải rồi! Lậu với liễm là hai, mà hai cũng như một. Lậu chẳng là không đóng thuế, hoặc trốn thuế. Trốn không khỏi thì bị, cái đành rồi. Còn liễm (lậu) là có hoa chi "có giấy" có thuế(*) . Đã có thuế thì mặc tình thong thả chớ sao lại tróc lại tầm?

Hay là, trong cái nghề bán hoa nầy mới có hạng patente(**) cho bán nhóm, chớ chưa có bày ra hạng cho bán dạo, bán rong?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6884 (1. 12. 1932)


 

(*) uy nguy: y nguyên, còn nguyên (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

(*) công-xi: như từ "công ty" ngày nay.

(*) Chỗ này ở báo gốc để trắng gần 1 dòng

(*)  hoa chi: "cuộc lãnh trưng thuế vụ gì, như cờ bạc, v.v. " (H.T. Paulus Của, sđd.); có giấy: làm đĩ có giấy phép.

(**) patente (chữ Pháp): thuế môn bài.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân