LO CÓ CÁI ĂN

Cũng thời một câu nói: "Lo có cái ăn" mà hồi dân khương quốc thới thì nó là một câu nhiếc, còn gặp cơn quốc khốn dân nguy nầy, thì nó lại trở nên thiết thực lạ lùng!

Lúc nhà no, người đủ, thiên hạ âu ca, dân An-nam-mít mình cũng có tật hay nói chảnh như ai vậy: "Đặt ra con người ta ở đời, ăn cho đặng sống, chớ không phải sống để mà ăn" (On mange pour vivre, on ne vit pas pour manger). Đến chừng tràn đồng thất nghiệp, cả nước nghiêng nghèo, thì ai nấy mới giựt hồn, mới nhìn nhận cho cái ăn là sự sống.

Hồi nào nói quan ăn lễ ăn lộc, bây giờ là ăn lót ăn lo; hồi nào khoe ăn một đọi nói một lời, bây giờ chịu ăn làm sóng nói làm gió; hồi nào bảnh ghét ăn no sanh sự, bây giờ than đói đầu gối hay bò.

Tội nghiệp cho ông tây F. cựu kiểm lâm thất nghiệp! Ông vì bị đói mà ăn xin ăn xỏ giáp lao. Ngày kia, ông vô nhà một người đồng quốc (cùng nước – compatriote) mà xin xỏ. Gặp khi vắng chủ mà nhà cũng vắng, ông thấy đồ xa xỉ phẩm tứ giăng la liệt, ông bèn bợ một cái đồng hồ reo, bỏ túi kiếm về dùng. Việc bể bạt chúng truy ra, thiên hạ nói ông ăn kiêu ăn cắp.

Ăn kiêu ăn cắp hay ăn mót ăn thừa? Ông há không biết cái quyền sở hữu của cá nhơn sao? Biết mà còn phạm là vì con ma đói nó giục. Dư xài! Dư xài! Đó, tôi đố ai giỏi thuyết công lý với nhơn đạo cho ông ấy nghe đi. Nghe sao được mà nghe, hồi bụng ta đương có đói! (Ventre affamé n'a point d'oreilles).

Mạnh Tử nói: "Không có hằng sản mà còn giữ được hằng tâm, thì chỉ có bực hiền nhơn quân tử. Hạng thường dân, hễ không có hằng sản thời không giữ được hằng tâm. Mà nếu họ không có hằng tâm, thì không có việc quấy nào mà họ không   làm được. Một ông vua minh chánh, dùng cách chia đất cho dân trồng trỉa, là muốn làm cho mọi người có thể phụng dưỡng cha mẹ, bảo bọc vợ con; gặp những năm may mắn thì dư dả no nê, còn đụng những năm hư hỏng cũng không chết đói. Xong đoạn vua mới dắt dân đi đường lành, thì dân chúng đều vưng theo dễ lắm".

Biết rõ cái lẽ ấy, chánh phủ đã lo lập ba làng thực dân ở dọc theo kinh mới Rạch Giá – Hà Tiên. Chánh phủ có chia đất giúp tiền, nên dân sự đã tựu tới ở ăn đông đảo. Nghiệt một nỗi dân An Nam làm ruộng cứ noi theo cổ lệ, chưa hiểu cách văn minh. Thông Reo ước chớ chi chánh phủ mộ mấy ông [.....](*) thất nghiệp ở Sài Gòn cho họ xuống ba làng thực dân mới mẻ ấy làm hương chức, để họ dạy dân sự ở đó về mọi phương diện. Phần họ, họ đã khỏi thất nghiệp mà lại được học tiếng An Nam. Ấy có phải nhứt cử tam tứ tiện không? Chớ đợi cho có kẻ túng nghề rồi vầy đoàn kết tụi với An Nam như ông F. thì dầu sau có bắt đặng mà trị trừng đe phạt họ, tưởng không ích lợi.

Ở đâu thì không biết, chớ ở đất An Nam chúng tôi, ai cũng tin chắc mẻm rằng "Có ăn mới có sống". Dân chúng tôi có cái lệ hễ đi thăm người bịnh là hỏi "Có ăn được không?" Như nhà người đau nói "Ăn được" thì hãy còn trông cậy, vì ăn là sống kia mà.

Bị cái tin cả quyết ấy nên nhiều người đau muốn chết, mà cha mẹ hãy còn ép: "Rán ăn ba hột, con! Cơm thương cháo thương chớ không ai thương đâu con!"

Thật vậy! An Nam chúng tôi lo có cái ăn.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6876 (22. 11. 1932)


 

(*)  Tác giả hoặc tòa soạn chấm lửng chỗ này, hẳn để tránh phải in chữ "Tây" vào đây.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân