LO GÌ KHÔNG BÁN GẠO ĐƯỢC?

Hôm trước có thấy trong báo tây, cũng ở Sài Gòn đây, một bài nói về sự bán gạo ở xứ ta. Họ nói gạo Nam kỳ hai năm nay có khi cao lên được. Mà cao lên được là nhờ bán về bên Pháp cho người Pháp ăn. Mà người Pháp từ nay lại đổ ra ăn gạo và mua gạo ta như thế, là nhờ có chánh phủ ở đây làm quảng cáo riết lắm, tuyên truyền dữ lắm, cổ động gắt lắm.

Cái tin ấy nhớ như có dịch đăng vào Trung lập rồi thì phải. Mà đăng vào số nào, ngày nào, thì xin tha lỗi cho Thông Reo một chút, vì thằng chả có tánh mạnh quên.

Sở dĩ phải nói làm vậy, là vì nếu mà tôi nhớ rõ cái tin ấy đã dịch đăng vào số nào, thì chỉ hành tội cho cái đầu tôi càng thêm nghĩ ngợi, chớ có được gì!

Nghĩ ngợi là vì trong đó có sự khó hiểu. Vả dân Pháp từ đời nào đến giờ chẳng là thứ dân ăn lúa mì quen rồi. Họ ăn lúa mì quen đi thì chỉ có bao giờ mất giống lúa mì trong cả nước họ, họ mới thôi ăn; cũng như ta đây quen ăn gạo thì có khi nào lại chịu để gạo cho chuột ăn mà đi ăn thứ khác? Thế mà nói rằng nhờ chánh phủ tuyên truyền cổ động nên rày về sau họ cũng tập ăn gạo, rồi gạo ta nhờ đó sẽ bán được, thì tôi, tôi lấy làm hơi khó tin một chút.

Nhưng mà bữa nay tôi tin được, tôi tin rồi, tôi tin phăm phắp. Tôi nói cho bà con hay rằng gạo Nam kỳ sẽ cao giá, sẽ bán được, đừng lo chi hết, bà con đừng lo chi hết.

Cũng nhờ một tờ báo tây hôm thứ bảy đây, nói cho tôi biết rằng chánh phủ Đông Pháp mỗi một năm chịu tốn cho hãng Havas hai triệu (?) để làm quảng cáo cho gạo của Đông Pháp.

Rồi tờ báo đó lại nói thêm rằng: Mủng(*) lấy cái việc phú thác ấy, hãng Havas không chính mình làm lấy, lại trao tay cho các tờ báo bên Pháp, nhứt là các tờ báo ở các tỉnh cổ động giùm cho. Chửng rồi họ mới đua nhau mà bàu chuốt cho gạo Đông Pháp là thơm làm sao, là ngon làm sao!

Tôi đọc qua một đoạn trong bài báo đó mà tôi phải tin cái sự họ nói hôm trước rằng gạo ta sẽ cao giá là thật lắm. Tài chi đem hai triệu ra làm quảng cáo trong một năm mà lại không có kiến hiệu chút nào sao?

Thấy nói hai triệu (deux millions) chớ không nói rõ là hai triệu quan tiền tây hay hai triệu đồng bạc. Tôi chỉ sợ nó có hai triệu quan tiền tây mà thôi. Chớ nếu mà hai triệu đồng bạc, thì chạy nhằm cho tới hai chục triệu quan tiền tây lận, chắc sẽ kiến hiệu còn mau và nhiều hơn nữa. Tại sao vậy? Tại đời nầy buôn bán chỉ mạnh về quảng cáo, ai chịu bỏ tiền ra làm quảng cáo, ấy là nấy bán hàng mình được chạy.

Ngặt có chỗ nầy. Cũng theo như tờ báo tây ấy nói, các báo hàng tỉnh bên Pháp cổ động cho gạo ta về cái thơm cái ngon của nó, được rồi; lại còn làm khôn làm khéo nói đến cái sắc của nó nữa, mà nói nghe nực cười quá!

Họ nói gạo Đông Pháp nhỏ hột mà sắc vàng. Trời ôi! Tôi nghe nói rụng rời! Như vậy mà quảng cáo chi, bàu chuốt chi, vậy rồi đem bán cho ma nào? Ai thèm mua? Gạo nhỏ hột thì được. Chỗ đó tôi nhìn cho họ biết điệu ăn gạo đó. Chớ còn sắc vàng thì bướng lắm.

Gạo chỉ có sắc trắng, sắc đỏ hay là tím mà thôi, chớ không có sắc vàng. Gạo sắc vàng, người ta kêu bằng "gạo nanh chuột" gạo "vò hơi", ấy là gạo cũ, hoặc phơi không được nắng, hoặc chất ối lại rồi lâu ngày nó ẩm, nó mới vàng. Gạo vàng là gạo dở, gạo xấu, sao lại đem cái vàng ra mà khoe?

Họ tưởng đâu gạo An Nam cũng vàng như màu da An Nam sao? Tôi nực cười là vì đó. Họ làm quảng cáo giỏi thật!

Song dầu có thế nào đi nữa, ta cũng nên tin rằng gạo Nam kỳ đây rồi sẽ cao giá, rồi sẽ bán chạy, bởi vì chánh phủ đã hết lòng bỏ ra mỗi năm hai triệu mà làm quảng cáo cho nó.

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6687 (22. 3. 1932)


 

(*) mủng: các từ điển chỉ ghi "mủng" như danh từ (1. đồ đan sít bằng tre, dùng để đựng; 2. thuyền thúng); ở đây tác giả dùng như động từ (như "mang").

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân