LƯƠNG THIỆN

Thiệt ác quá, không biết thế làm sao mà hễ nói đến dân lương thiện, thì thiên hạ lại hiểu ngầm là dân cày sâu cuốc bẫm củi lụt, thiệt thà, ăn chắc mặc dày, dễ sai, dễ khiến; ấy là nói về đàn ông, con trai. Còn đàn bà con gái thì con nhà lương thiện là mấy chị ra đường trai chọc không dám ngó, đi xem trời về xem đất, cha mẹ đặt đâu nên đó, vì mấy đời bị Tống nho nhồi sọ đã in sâu trong  óc họ rằng: mình là phụ nhơn nan hóa, đàn bà quần vận yếm mang, đái không qua ngọn cỏ, thời nói làm chi ngữ chuyện áo mặc qua đầu?

Lương thiện! Lương là lành, thiện là hiền. Hay là "hiền giả hóa ngu"? Hay là "thiệt thà cha dại"?

Trong số báo hôm qua, Trung lập có đăng cái tin cô Nguyễn Thị Khâu, ở Tân Thành (Gò Công), 19 tuổi, mẹ cô mới gả cô cho một chú Khách khổng mấy ngày, mà cô bỗng dưng vùng phát bịnh trầm kha khi mê khi tỉnh. Mẹ cô tưởng cô bị tà nhập làm điên nên rước gian đạo sĩ (thầy pháp núi) tới chữa riết hai đêm, cô chết ngủm!

Ông Long Huyên là bạn thân của Trung lập, ông thấy chuyện dã man tích thượng, nên ông mắng dị đoan giết người! Được! ông mắng phải, tôi không bào chữa cho dị đoan đâu. Song tôi thì tôi gán cái tội sát nhơn tàn nhẫn nầy cho mấy câu sáo hủ ở trên kia thôi.

Đại phàm con gái 19 tuổi, dầu cho lương thiện gì đi nữa, cũng là biết muốn chồng rồi. Vả lại, ai cũng biết, gái Việt Nam mà lấy chồng ngoại quốc là một sự vạn bất đắc dĩ. Phải chi hồi cô Khâu cổ mới thọ bịnh "khi mê khi tỉnh", mà mẹ cổ biết giở xem quyển mạch lạc của Nguyễn Du tiên sanh (tôi muốn nói cuốn Truyện Kiều) thời bả sẽ nhận rõ như 5 với 5 là 10 rằng: chứng bịnh nầy là bịnh tương tư thất tình vậy.

Thì đây Thông Reo không nói chơi; đau đòi đoạn, ngất đôi hồi; tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê!"

Chứng bịnh nhận ra rồi, bả chẳng cần đi tìm chi cho tới "gian đạo sĩ", bả chỉ cho kêu cái thằng đực nào mà chầu xưa nó đã vò vè gắm ghé con Khâu đó, giao cho nó đem về nó chữa chẳng là yên.

Thông Reo tôi giận cái bà mẹ làm sao gặp con phải đứa nó hiền, nó lành nó cắn cơm không bể rồi bà cứ việc sử đơn sử kép nó? Vậy chớ tôi hỏi: sao bà không sử dùm thằng cha thầy mắc toi đặng cho nó nới con Khâu, trong lúc con nọ rên trối chết hử? Hay là bà thấy thẳng cầm búa lên đồng, oai phuông lẫm lẫm rồi bà khiếp? Còn con Khâu, tội nghiệp cho con Khâu! nó hiền lành như con chiên, cho đến chết cũng còn năn nỉ người hành hạ giết mình, nguyện xin theo mà phò hộ! Chớ chi nó điên tiết nó lên, nó lăn giây đấm mũi với người ta, thì ai mà bó mo bó giát nó cho được.

Giận bà mẹ nầy, rồi nghĩ thương cái bà mẹ ở Cái Vồn qua Cần Thơ tìm con bả theo trai, tìm không đặng rồi treo cổ hủy mình mà Trung lập đã đăng tin hôm trước đó.

Bà mẹ ở Cái Vồn bả thương con bả lắm, nên bả mới ăn năn. Bả nghĩ phải chi bả sáng tính thì giờ nầy đã chẳng mất con, mà lại được hai đứa nó hủ hỉ thương mình trong cơn già yếu.

Hỡi người làm cha mẹ! Biết thương con thì đừng có ích kỷ chỉ vì mình, mà phải vì con, để cho con nó sống với!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6907 (29. 12. 1932)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân