MỘT BÀI THƠ HAY BỊ CHỐI DÀI

Làng thơ Tàu từ đời Tống nhẫn nay có một bài truyền tụng, ai nấy cũng chịu là hay, mà nói rằng của tác giả nào thì ai nấy cũng kiếm thế chối dài không nhận. Ấy cũng là một sự kỳ quái chỉ có thể xảy ra được ở giữa văn học giới phương Đông nầy mà thôi! Bài thơ như vầy (kỳ thiệt là một bài "từ" theo điệu "Sanh tra tử", nhưng cũng nói là thơ đi cho tiện):

"Khứ niên nguyên dạ thì, họa thị đăng như trú. Nguyệt thượng liễu sao đầu, nhân ước hoàng hôn hậu. – Kim niên nguyên dạ thì, nguyệt dđăng y cựu; bất kiến khứ niên nhân, lụy  mãn xuân sam tụ!"

Dịch ra như vầy:

Rằm tháng giêng năm rồi, chợ hoa đèn tỏ rạng. Trăng lên đầu ngọn liễu, người hẹn sau chạng vạng. – Rằm tháng giêng năm nay, trăng cùng đèn vẫn sáng; chẳng thấy người năm ngoái, áo xuân lụy lai láng!"

Đại ý bài ấy là tả cảnh lẩn tình của một cuộc trai gái, sau khi ly biệt mà vói nhớ lại hồi hội ngộ cùng nhau. Trong đó có câu 3-4 là đẹp và tươi hơn hết; bài thơ truyền tụng là nhờ câu đó.

Thuở nay tương truyền nói bài ấy của Châu Thục Chơn là một tay nữ thi nhân ở đời Tống làm ra. Nhà phê bình Dương Thăng Am có nói rằng: "Thơ vẫn hay thật, nhưng một người đàn bà đng đắn há nên nói thế?"

Chửng trong làng thơ mới có người đứng ra mà cãi giùm cho nàng Châu. Có điều họ không nhè chính mình bài thơ mà biện hộ, họ lại nhè chối phứt!

Như Vương Ngư Dương nói rằng: "Bài đó ai cũng bảo là của Châu Thục Chơn, nhưng kỳ thật thấy trong văn tập Âu Dương Tu, cuốn 131, thì không biết làm sao đời lại truyền là của Châu thị?"

Rồi lại có kẻ làm thầy kiện giùm cho ông Âu Dương Tu nữa. Như Trần Chất Trai nói rằng: "Trong thơ ông có đôi bài lả lúa, ấy là bởi kẻ thù nào ngụy tạo ra để làm mất danh dự ông". Lại Tăng Thườu cũng nói: "Đó là kẻ tiểu nhân nào tạo ra dâm từ mà mạo làm của ông vậy".

Hiện nay bên Tàu có nhiều tay chuyên khảo cứu về văn học, mà cũng chưa ai đoán định được bài đó là của Châu Thục Chơn hay của Âu Dương Tu. Nhưng thấy có một nhà phê bình nói như vầy:

"Chúng ta nay không cần hỏi bài ấy của ai. Của Âu Dương Tu cũng được, của Châu Thục Chơn cũng được, hay là của "kẻ thù, kẻ tiểu nhân" nào cũng được, chúng ta không cần biết; chỉ biết nó là một bài thơ hay, là một cái thành tích tốt đẹp của nghệ thuật hồi nhà Tống. Nó không phải là đồ độc, không phải là vật làm hư phong hóa đâu, nên chẳng cần vì tác giả nó mà biện hộ làm chi. Nếu quả là của nàng Châu làm ra, và có ai vì đó chê nàng là bất trinh, là dâm phụ, thì thôi đừng đọc bài thơ ấy mà đi đọc Tứ thơ Ngũ kinh là xong chuyện!"

Xem mấy lời phê bình ấy, thấy trong cõi văn học Tàu ngày nay, người ta khuynh hướng về phái "nghệ thuật vì nghệ thuật" (l'art pour l'art) chớ không chịu cái thuyết "nghệ thuật vị nhân sanh" (l'art pour la vie).

K.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 159 (14. 7. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân