MỘT LỐI  "THƠ MỚI" TRÌNH CHÁNH GIỮA LÀNG THƠ

     Mới đây, tôi có được gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc chi từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn.

 

     Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu là lời nói dỡn đi nữa, với tôi, tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh, không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần, lại còn khó hơn chánh phủ thay đổi cái chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa, không phải việc chơi đâu mà hấp tấp.

 

Duy có vì nghe lời ông đó mà tôi nhớ sực lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ viết bài này là chính ở mấy lời của ông.

 

Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại cái thái độ ngâm thơ hồi trước, trong đó tỏ ra rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay là đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm nay tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.

 

Trước kia tôi dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm, tôi cũng có được dăm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng Nôm. Mà dăm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, kể cũng như là không có.

 

Xin thú thật với mấy ông thợ thơ. Không có, không phải tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được!

 

Vậy thì hiện nay, đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu cho tôi nhận đi nữa, mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao? Đó, chính cái vấn đề ở đó rồi.

 

Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!

 

Duy tân đi! Cải lương đi! À, có rồi chứ có phải không đâu. Thí dụ như bài thơ:

 

Dân quạ đình công

……………………..[*]         

Bài ấy của tôi đã đăng trong Đông Pháp thời báo năm 1928, được nhiều người hoan nghênh            , kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ! Cho đến ngày nay tôi đọc lại vẫn còn nhìn là được, nhưng thích thì tôi không thích.

 

Đại phàm thơ là để tả cảnh, tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quý cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ, như bài Dân quạ đình công đây, cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng mất già nửa phần.

 

       Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu. Như bài Dân quạ đình công đó, chỉ nhờ có đem việc đình công là một việc mới ra mà tả, việc ấy lại hiệp với … người đời nay thành thử người ta ưa, chớ coi kỹ thì nó cũ quá, thiệt tình chẳng phải hay gì.

Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như:

 

TÌNH GIÀ

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

 Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh       kề nhau than thở:

− “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau     hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

− “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao       cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông       Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”

            ………………………………………………………

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn        có đuôi!

 

Đó là bài thơ tôi làm trước đây vài tháng, mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.

Chẳng phải tôi là người thứ nhứt làm ra việc nầy. Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại.

Tôi dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa; nhưng tôi tin rằng sau này có người sẽ làm như tôi mà thành công.

                    

PHAN KHÔI

Tập văn mùa xuân. Báo  Đông tây xuất bản, Hà Nội,

Tết Nhâm Thân 1932, tr. 6-7.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 122 (10. 3. 1932)[*]


 

[*] Bài báo để chấm lửng chứ không in kèm bài thơ. Dưới đây là toàn văn bài thơ Dân quạ đình công của Phan Khôi  đăng Phụ trương văn chương của Đông Pháp thời báo số 726 (2. 6. 1928):                      

Mồng bảy tháng Bảy năm Canh Thân,

Chiếu lệ bắc cầu sang sông Ngân.

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay bổng về trời dường trảy quân.

`          Hai bên bờ sông đậu lóc ngóc,

Con thì kêu đói, con kêu nhọc.

Đường sá xa xuôi việc nặng nề,

Phần lũ con thơ ở nhà khóc.

Bỗng nghe lệnh Trời truyền khởi công,

Nào con đầu cúi, con lưng cong,

Thêm thầy huyện Bẻo đứng coi việc,

Đụng đâu đánh đó như bao bông.

Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt !

Làm có, ăn không, chết chó chết !

Cắn cỏ kêu Trời, Trời chẳng nghe,

Một con bay lên đứng diễn thuyết :

"Hỡi đồng bào, nghe tôi nói đây !

Dân quyền thạnh nhứt là đời nay,

Việc mà chẳng phải việc công ích,

Không ai có phép đem dân đày.

Trối kệ Hoàng Ngưu với Chức Nữ,

`          Qua được thì qua, không thì chớ ;

Quốc dân Ô Thước tội tình gì,

Mà bắt xâu bơi làm khổ sở ?

Anh em ta hè, về quách thôi ! "

Luôn thể kéo nhau vào cửa trời,

Động trống đăng văn ầm đế tọa,

Ngai vàng bệ ngọc rung rinh, rơi.

 

Có tin dân quạ nổi cách mệnh :

Trời sai thiên lôi ra thám thính,

Đầu đen máu đỏ quyết hi sinh.

Ngừng búa, thiên lôi không dám đánh.

Tức thì chiếu Trời vạch mây ra,

Đánh chữ đại xá Trời ban tha ;

Dân quạ ở đâu về ở đó.

Từ nay khỏi bắc cầu Ngân Hà.

 

Ờ té ra :

Mềm thì ai cũng nuốt,

Cứng thì Trời cũng nhả !

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay về hạ giới kêu "khá khá".

 

[*] Bài này trên thực tế đã được Phan Khôi đưa in trong Tập văn mùa xuân của báo Đông Tây ở Hà Nội vào dịp Tết Nhâm Thân, 1932. Bản đăng Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn muộn hơn khoảng một tháng, lại bị kiểm duyệt bỏ mất trên 100 từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào từ nào nhắc tới bài Dân quạ đình công, bài thơ gắn với phong trào kháng thuế xin xâu ở Trung Kỳ năm Mậu thân 1908. Như vậy, nếu muốn coi thời điểm công bố bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” như sự kiện mở đầu phong trào thơ mới tiếng Việt thì phải xác định thời điểm bài này ra mắt trong Tập văn mùa xuân của báo Đông tây.  (ngày mồng 1 Tết Nhâm Thân tức là ngày 6/2/1932; vậy tập sách phải được bán ra trước ngày đó ít nhất 1 tuần).

                                                                                                                 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân