MỘT LỐI VĂN MÀ XỨ TA CHƯA CÓ: NHỰT KÝ

Văn học nước ta, ngày xưa bằng chữ Hán, ngày nay bằng quốc ngữ, tuy chưa được giàu thạnh rực rỡ bằng của các nước, chớ cũng đã có được ít nhiều, các thể văn cũng tạm gọi được là đủ. Nói thi, ta cũng có thi; nói phú, ta cũng có phú; nói tứ lục, ta cũng có tứ lục; nói cổ văn ta cũng có cổ văn… Bây giờ cả văn học của Á Đông đã day chiều và khuynh hướng theo văn học Thái Tây, nhắc tiểu thuyết và kịch bổn lên ngồi kề thánh kinh hiền truyện, thì ta cũng đã mô phỏng mà sáng tạo ra tiểu thuyết kịch bổn rồi. Một sớm một muộn đó thôi, chớ rốt cuộc rồi người ta có cái gì, mình cũng có cái nấy, – à mà tôi còn quên nói một hay một dở nữa!

Tuy vậy, có một điều đáng rất lấy làm lạ, là lối văn "nhựt ký" rày về sau chưa biết có sản sanh ra được chăng, chớ từ xưa đến nay thật rõ ràng xứ ta chưa hề có.

Nhựt ký, tiếng tây kêu bằng Journal, tức là cuốn sổ của mỗi người dùng mà chép chuyện hằng ngày, chuyện mình trải qua hoặc mình nghe, mình thấy, mình suy nghĩ ra. Hiện nay thì bên Tây bên Tàu, người ta đã coi cuốn nhựt ký là vật cần dùng của mỗi người, không có không được, cũng như cái khăn cái áo của ta, lúc ở nhà hay lúc đi ra ngoài cũng phải mang theo mình luôn luôn. Đến những nước văn minh hơn hết như nước Anh, nước Pháp, nước Mỹ, thì quốc dân của họ, không luận đàn ông đàn bà, trong một trăm người, họ dám chắc là đến chín chục người có nhựt ký.

Ngay ở Sài Gòn đây, vào khoảng cuối năm và đầu năm dương lịch, ta đi dạo xem các cửa hàng nhà in, bán sách, cũng đủ thấy thứ sổ nhựt ký ấy thông dụng giữa xã hội người Pháp là thế nào. Các nhà in in ra đủ thứ nhựt ký sẵn để bán: nhựt ký của học trò, nhựt ký của nhà buôn bán, nhựt ký của người ở lính, cho đến nhựt ký của người thường đi biển, chẳng sót hạng người nào. Cuốn nào cũng in sẵn ngày tháng và chừa giấy trắng để ai mua dùng thì cứ đó mà chép vào cho tiện.

Người Tàu biết dùng nhựt ký đã lâu rồi, song bây giờ họ cũng bắt chước Tây mà dùng thứ nhựt ký in sẵn đó. Không đợi qua Tàu mới quan sát được, ở đây, ta thử dạo coi các tiệm bán sách Chợ Lớn, cũng thấy họ dàn ra đủ thứ nhựt ký như kiểu người Tây trong khoảng cuối năm và đầu năm.

Bán nhựt ký nhiều như vậy là nhờ người mua nhiều. Mà người mua nhiều, là gốc ở người biết chữ nhiều, đủ tài biên chép vả lại siêng biên chép nữa, lẽ đó không cần phải nói.

Trên đó là nói cái hiện trạng của người Tây người Tàu bây giờ. Đây nói vói lên đời xưa, cho biết cái sự dùng nhựt ký ở gia xã hội họ đã thành ra như một cái thói quen từ lâu rồi.

Ta đọc lịch sử các nước Âu châu thường thấy dẫn vào những lời trong nhựt ký của bậc đế vương, của tay khanh tướng, của nhà văn hào, có khi đến của người lính tráng nữa. Tức như pho sử Pháp quốc đại cách mạng bất kỳ của tác giả nào, một phần trong đó cũng lấy ở các cuốn nhựt ký của các bậc danh nhân lúc bấy giờ mà làm ra. Có một đôi việc truyền lầm từ trước đến sau, sau nhờ căn cứ ở một bổn nhựt ký đáng tin của người nào đó mà đính chánh lại. Nói vậy đủ biết ở bên Tây đời xưa, những người có danh tiếng, hoặc về chánh trị, hoặc về văn học, hoặc về nghệ thuật, phần nhiều là có nhựt ký truyền lại đời sau rồi vậy.

Bên Tàu, mà cho đến bên Nhựt Bổn cũng thế. Kể đến xưa hơn nữa thì không rõ, chớ nội khoảng ba trăm năm nay thì có nhiều người Trung Huê còn lưu truyền nhựt ký lại đến ngày nay. Bổn nhựt ký nào chép bởi tay một người có quan hệ với thời đại mà được liên tiếp khỏi đứt sót, thì thôi, bây giờ người ta coi là thứ của quý vô giá.

Nhựt Bổn lại lạ lắm nữa. Nhựt ký ở nước họ phát đạt sớm lắm. Vào thời kỳ trung cổ của họ, bờ một ngàn năm nay, mà cũng đã có nhiều bổn nhựt ký truyền lại đến giờ. Lạ là điều nầy: nhựt ký ở Nhựt Bổn đã biệt lập thành một cái văn thể (style), nhiều nhà tác giả tranh đua nhau về lối đó, cho nên trong văn học sử nước Nhựt phải lập riêng ra một mục kêu là "Nhựt ký văn học" cũng như là "Lịch sử văn học" hay là "Tiểu thuyết văn học" vậy!

Trong sử nói Kỷ Quán Chi là người đầu tiên sáng tạo ra lối văn nhựt ký ở Nhựt Bổn. Ông ấy có sách Thổ Tá nhựt ký. Nguyên ông làm quan thú quận Thổ Tá, niên hiệu Thừa Bình năm thứ tư (934), mãn nhậm về kinh, đi dọc đường làm bộ nhật ký nầy. Văn sạch sẽ đơn sơ, người đời sau ưa đọc lắm.

Lại có người đàn bà, không rõ tên, con gái của Gian Nguyên Hiếu Tiêu, vợ của Quý Tuấn Thông, có chép một bộ kêu là Canh khoa nhựt ký. Thời gian của bộ nhựt ký nầy kể cũng là dài mà được cái tiếp tục nhau: tác giả ghi sự sanh hoạt hằng ngày của mình từ lúc mới lấy chồng cho đến lúc chồng chết, kể vừa 40 năm.

Cứ như trên đây lược kể, thì cái thói quen chép nhựt ký của người Tây, người Tàu, người Nhựt là có từ đời xưa rồi, chớ không phải mới có từ ngày nay. Nước ta tiếng rằng nước văn hiến, mà từ xưa đến nay chưa thấy bộ nhựt ký nào hết, coi một chút đó, tôi phải nhìn nhận rằng cái trình độ văn hóa của mình còn kém họ xa lắm, nhưng để đến sau đây rồi sẽ nói.

Đây tôi muốn nói qua cái lối văn nhựt ký nó có thú vị thế nào, nó có ích lợi thế nào, và sự chép nhựt ký có điều khó khăn ở chỗ nào.

Có người luận về văn nhựt ký đã nói như vầy: Nội các thể văn chỉ có nhựt ký là thiệt thà hơn hết, chắc chắn hơn hết; cái thú vị của nó ở trong chỗ đó mà ra. Xem các thể văn khác chưa chắc biết đúng tánh tình của tác giả, chớ xem nhựt ký của ai thì biết đúng tánh tình của nấy. Bởi vì làm thi, làm tiểu thuyết, làm kịch bổn là để cho người thứ ba đọc, cho nên phải dồi mài gò gẫm hết sức, e khi dồi mài gò gẫm quá rồi đến nỗi sai với chơn tình của người làm. Còn xích độc (thơ tín) là để cho người thứ hai coi, sự dồi mài gò gẫm có bớt đi, nhưng cũng chưa dứt hẳn. Đến chép nhựt ký là để cho chính mình coi, mình có trong bụng làm sao, ắt phải viết ra mà nói với mình làm vậy, không cần dồi mài gò gẫm làm chi, tự nhiên phải giữ được cái tánh tình thật mà khỏi mất. Hễ cái gì đã là chơn thật thì phải có thú vị.

Nói đến ích lợi thì nhựt ký rất là có ích lợi cho việc chép sử, như kia có nói qua rồi, nhựt ký mà đến nhựt ký của các bậc danh nhân thì thật là một món sử liệu rất quý vậy.

Tôi theo trong một bài khảo cứu về nhựt ký, trích ra đây mấy câu trong quyển nhựt ký của Uông Huy Tổ bên Tàu, về đời Mãn Thanh. Về năm thứ 20 trào Kiền Long (1755), ngày nào đó, ông chép rằng:

"Ở Thiệu Hưng mùa thu mất sạch, một đấu gạo giá đến ba trăm đồng tiền, người đói chết đầy đường".

Qua năm thứ 39 trào ấy (1794), ông chép rằng: "Trong khoảng mùa hạ, một đấu gạo tới ba trăm và ba hoặc bốn chục đồng tiền. Hồi trước một đấu gạo giá đến một trăm năm hoặc sáu chục đồng tiền thì đã có chết đói rồi; còn ngày nay gạo mắc luôn mà người ta vẫn vui sống; là vì hồi trước chỉ mắc có một mình gạo, nhưng bây giờ cá tôm rau trái không cái gì là không mắc, cho nên đến kẻ buôn gánh trồng vườn cũng vẫn nuôi miệng được".

Nếu ta có cần khảo cứu cho biết tình hình sanh hoạt của dân Tàu ở đời Kiền Long, thì coi đó cũng biết được một vài. Huống chi trong đoạn sau đó lại làm cái tánh chất lịch sử nữa, thật là một món tài liệu đáng quý.

Lại một người thi nhân Nhựt Bổn, tên là Nhứt Trà (Yssa), cũng có để lại một tập nhựt ký, trong có nhiều điều vụn vặt mà có thú vị lắm.

Dưới năm thứ nhứt trào Văn Hóa (1804), tháng 12, Nhứt Trà chép rằng:

"Ngày 27, mua nồi.

Ngày 29, mưa, mua tương".

Trong hai hàng chữ vắn vắn đó thấy ra cái cảnh tượng bần cùng của con nhà thi sĩ.

Lại nơi khác, chép rằng:

"Ngày 24, tạnh. Đêm lại, một tấm ván cầu trước nhà bị ai ăn cắp mất.

Ngày 25, mưa. Còn bao nhiêu tấm ván cầu cũng bị mất luôn".

Đọc hai đoạn đó, chúng ta có thể biết đến cái hoàn cảnh của Nhứt Trà là thế nào nữa.

Cái thể văn nhựt ký coi như trên đó thì rất là dễ dàng, biết một thứ chữ nào khá thông, thì có thể cầm bút chép được chớ không khó; khó ở chỗ khác.

Khó ở chỗ biết tìm việc mà chép và ở chỗ chép luôn đừng bỏ ngày nào. Người ta ở đời, ngày nào lại chẳng có tiếp xúc với cái nầy cái kia, làm lụng việc kia việc nọ, dầu cho đến người ở không suốt đời đi nữa cũng còn có nghe thấy nhiều việc chớ. Nhưng trong chúng ta, chưa thấy ai chép nhựt ký; nếu hỏi nhau tại sao không chép, ắt trả lời rằng không biết chép chuyện chi, vì xung quanh ta ít việc quá. Song xã hội ta cũng sống như xã hội nước khác, thì sao lại không việc được? Thế thì tìm cho thấy việc đáng chép mà chép, là sự không phải dễ.

Tìm thấy mà chép, lại còn phải tìm thấy luôn luôn mỗi ngày hầu chép cho khỏi gián đoạn, sự nầy còn khó hơn nữa. Trong chúng ta chắc là có nhiều người đã một lần hay mấy lần bắt đầu chép nhựt ký rồi, nhưng lần nào rồi cũng bỏ dở. Nếu sự nầy quả có thật thì là một cái chứng nghiệm rõ ràng rằng người mình kém nhẫn nại, không có nghị lực bằng người các nước vậy.

Hai điều khó trên đó hoặc giả là cái cớ làm cho nước ta không có nhựt ký chăng. Đây sắp xuống tôi sẽ nói về sự nước ta không có nhựt ký.

Thật vậy, tôi thấy cũng đôi chục cái văn tập của tiền bối ta để lại, mà trong đó chẳng hề có mục nhựt ký nào. Thứ nhứt là dò đi dò lại những mục lục sách đã liệt trong Lịch triều Hiến chương Loại chí của ông Phan Huy Chú, về mục Văn tịch chí, từ Lý Trần cho tới Hậu Lê cũng chẳng hề có sách nhựt ký nào hết. Lại trong khi đọc các sách của người nước mình làm ra từ trước cũng chưa hề thấy dẫn câu nào trong sách nhựt ký của tác giả nào.

Dựa vào mấy chứng cớ ấy tôi dám quyết rằng nước ta từ xưa đến nay chưa có cuốn nhựt ký nào của ai hết. Hoặc giả có mà không truyền, cho nên người đời sau không thấy được, thì cũng kể luôn là không có.

Lại phải biết nhựt ký có hai thứ theo tánh chất và thời gian mà khác nhau. Một thứ phổ thông, chép chuyện sanh hoạt hằng ngày, thời gian dài đến đôi ba hay là năm sáu chục năm mới dứt; một thứ đặc biệt, chép chuyện riêng về một cuộc kinh lịch hay một cuộc lữ hành thời gian, có hạn, hoặc mấy ngày cho đến mấy năm, hễ hết việc rồi thì thôi chép. Tôi nói nước ta không có nhựt ký là nói riêng về nhựt ký phổ thông. Chớ còn nhựt ký đặc biệt thì nước ta vẫn có một vài cuốn truyền lại, như Tây phù nhựt ký của ông Phạm Phú Thứ chép chuyện đi sứ bên Tây là một.

Kể ra thì nhựt ký đặc biệt không quan hệ với văn học hay là với lịch sử cho bằng nhựt ký phổ thông. Vì trong nhựt ký phổ thông, người ta thường thấy được cái tánh chất của cá nhân, cái hoàn cảnh của xã hội trong một thời đại; nếu như nhựt ký đặc biệt thì chép về việc nào chỉ thấy được việc ấy.

Nước ta không có nhựt ký phổ thông, trên kia tôi đề chừng rằng bởi hai sự khó làm ngăn trở; song ngoài cái cớ ấy, tưởng phải còn cái cớ khác nữa, mà cớ nầy mới là cớ gốc.

Người ta có nhìn rõ sự sống của mình là có giá trị thế nào, có biết quý cái ngày tháng mình còn sống ở đời, tóm lại là có cái nhân sanh quan vững chắc và sáng suốt thì mới lấy làm trịnh trọng mà chép lại những điều mình đã trải qua hoặc nghe thấy suy nghĩ mà để lại về sau. Nhựt ký phổ thông sản xuất ra vì đó. Người Việt Nam ta chưa có ai chép nhựt ký phổ thông hết, hoặc giả là bởi chúng ta chưa có cái nhân sanh quan đến bậc ấy chăng?

Hiện những người đương thời đây, nếu ai có chép thứ nhựt ký thì tôi lại không có thể biết được. Như mười năm về trước, khi ở Hà Nội, tôi có được hầu chuyện quan thượng Thân Trọng Huề, ngài có đưa cho coi mấy cuốn nhựt ký của ngài chép từ lúc còn du học bên Pháp. Theo lời ngài thì đó về sau ngài vẫn tiếp tục chép theo hoài, đến lúc ở Hà Nội đó đã đầy mười cuốn lớn. Song sau khi ngài quá vãng, chẳng biết pho nhựt ký ấy lọt vào tay ai. Có lẽ pho nhựt ký của ngài đó là quan tiên phong của đội nhựt ký Việt Nam sau nầy.

Kết luận bài nầy, tôi ước mong người mình ngày nay, nhứt là anh em thanh niên, hãy bắt công dụng công vào việc ghi chép ấy. Nhựt ký, không nói quá, nó có lẽ là cái thước để đo trình độ văn minh của một dân tộc. Trong khi cả nước Việt Nam xưa nay chưa có một cuốn nhựt ký nào hết mà bảo rằng một nước văn hiến, một nước có văn hóa cao, thì tôi chẳng hề tin.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6. 1932)

                                                                                                                 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân