MŨI NHƠN OAI

Ông Nguyễn Tiến Lãng viết trong tạp chí Indochine ký tên bằng chữ L. có nói: "Dân Annammit bị có một cái tánh nhát mà hư hèn lụn bại đến chừng nầy".

Sự trụy lạc ấy vẫn có nhiều duyên cớ, song Thông Reo tôi chỉ lấy nhón một lẽ cốt yếu cũng đã bia cái tính nhát ấy ra mà...

Lẽ ấy là vì người mình quá tin nơi số mạng. Chỉ có một cái quá đó mà đã gầy nên một cái hoạ lớn vô ngần. Ở đây không phải là nơi giảng triết lý hay tâm lý, vậy để Thông Reo tỉ dụ ít chuyện cho bà con nghiệm thử coi.

Hôm lễ "Các thánh nam nữ" vừa rồi, thừa dịp nghỉ mấy ngày, hai vợ chồng ông bác vật Tây cùng người bạn là ông Tây X. đi chơi bãi Ba Động (Trà Vinh). Cả ba đi xe hơi Ford kiểu thể thao và có đem theo một cây súng để bắn những loại chim ăn cá như gà đãy, diệc mốc, nhan sen ở miệt ruộng dọc theo quan lộ, vì tháng nầy là tháng nước nổi, những loại ấy thiếu gì.

Xe chạy tới chặng đường Cầu Ngan đi Chà Và, thình lình cây súng nắm trong tay ông bác vật Y. vùng phát nổ. Các báo Tây ở đây đều rập nói phát đạn bay phớt bà đầm Y mà xuyên qua trái tim một người ăn mày An Nam đang đi dưới bờ đường. Không nói bà con cũng biết người An Nam ta chết tốt.

Thấy một tờ báo Tây kia nói "Thân nhơn người bạc mạng nầy cũng cho là một việc rủi ro nên không nài hà chi hết".

Ờ phải! Rủi chẳng rủi. Vậy chớ cô bác anh chị không nghe người ta nói "Mũi thiên oai chờ người bạc mạng" hay sao? Theo tiếng lề của ta "mũi thiên oai" là phát súng, còn người bạc mạng là người tới số kia mà.

Tội nghiệp thì thôi! Không biết cái tiếng lề gì mà độc hại sát nhơn cho đến đỗi! Phải chi lưỡi tầm sét lừng trời rơi xuống giết, thì sợ kêu là thiên oai, thiên số cũng cho đành. Cái nầy từ cây súng, bì đạn là vật của người làm, cho tới nó muốn nổ muốn không gì cũng đều tự ở tay người điều khiển ráo, mà gọi là thiên oai, thiên số, thì sự dại khờ sợ sệt ấy nó đau đớn biết sao ta!

Thiên số! Thiên oai! Thiên oai, thiên số ơi! Thông Reo tao hỏi mầy: "Rày về sau tao quyết kêu chỉ danh mầy là nhơn oai nhơn mạng, rồi mầy mới làm chi tao a hả súng?" Ừ, con người là khôn hơn vạn vật thì phải cho oai vệ hơn chút chớ. Con vật hễ thấy chết thì sợ, là vì nó không hiểu đặng nguyên do cái chết ấy tự đâu. Còn con người có lý trí, biết nghĩ suy, thì lẽ đâu đi sợ dại sợ khờ: cho cái chết của con người làm là thiên oai thiên số đặng?

Có một người An Nam, biết quyền của mình hơn hết, là thầy giáo Bùi Quang Hinh. Thầy chán đời, từ Lái Thiêu xuống Sài Gòn, mướn xe hơi chơi thả cửa. Đêm gần lụn, thầy bèn ra giữa cầu lớn bên Lăng Tô (tục gọi cầu Tân Thuận) mà ùm đại xuống sông tự vận. Tưởng là tự giết mình cho rảnh, nào dè đâu bị chúng vớt đem lên. Khi thầy tỉnh lại, bót La-rắc hỏi:

– Tại sao anh tự vận?

– Buồn! Hết muốn sống.

– Bây giờ người ta cứu anh khỏi chết, anh có ăn năn cái việc anh đã làm chăng?

– Ăn năn! Để tôi rảnh chưn đây, tôi sẽ tự sát nữa, cho mà cứu!

Oai hôn? Oai chớ. Oai cho đến đỗi cò bót phải mất công đem xe hơi chở ông cậu vô nhà thương, lại cắt người giữ khít rim cho mấy bữa...

Đó, ai nấy nghĩ: thiên oai hay nhơn oai?

Nhơn oai mà! Cũng như mũi dao phẫn uất của ông hội đồng Huợt đâm mình, là một "mũi" nhơn oai quả thị vậy.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6866 (8. 11. 1932)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân