MỪNG ĐỨC VUA BẢO ĐẠI

Nghe tin Việt Nam Hoàng đế là đức Bảo Đại hồi loan, sẽ ngự giá đến Tourane (Cửa Hàn) và kinh đô Huế ngày hôm nay, mà mình lặng lẽ làm thinh thì lòng không yên đặng. Nhưng mà nói thì phận mình ti tiểu, tiếng dội chẳng xa, biết có vượt đến cửu trùng thấu đến tai thánh thượng?

Song đã định nói thì cứ nói, đức Bảo Đại không nghe thì cũng còn công chúng họ nghe lóng có ngại gì.

Tưởng khi đức Bảo Đại ngài còn nhớ: Vừa mắng tin(*) thánh giá sắp hồi loan, thì anh em thể thao ở Nam kỳ, nhứt là các bạn ten-nít Yên, Chim, Giao đã nô nức hô hào lo tổ chức cuộc nghinh tiếp ngài cho trọng hậu.

Anh em có cảm tình với ngài một cách đặc biệt như thế là vì thảy hồi hai nhà quán quân ten-nít Chim, Giao sang dự cuộc đấu xảo Paris, đã từng được ngài dùng theo cách lịch sự nước văn minh mà đãi hai bạn Nam kỳ ta ra vẻ lắm.

"Cái nghề làm vua là một nghề rất khó". Ở đây Thông Reo tôi đã có nhắc mà về sau quan Thượng Albert Sarraut lại cũng có dùng cái câu cổ ngữ đó mà làm câu châm ngôn để đưa hoàng thượng lên đường. Giờ đây hoàng thượng đã đạp đến "cái nghề làm vua" kia rồi, thì thần dân trong cả nước đều bắt mặt trông chừng từ nhứt cử nhứt động của hoàng thượng. Vừa để chơn lên đất nước là đồng bào ta ở Cửa Hàn sẽ đặng nghe thấy bản "quốc thiều" tâu trổi do giạ nhạc nhà binh của chiến hạm "Dumont d' Urville" thôi.

Một điều cải cách mới sẽ có ảnh hưởng rất sâu xa. Nước mà có vua thì phải có quốc nhạc, quốc ca (hymne national) mà quốc nhạc quốc ca ấy được tận thiện tận mỹ như quốc ca quốc nhạc ở đời vua Thuấn thì hậu thế sẽ phong ngợi là quốc thiều.

Chúng tôi muốn nghe bài quốc ca mà các báo Pháp hổm rày đều gọi là hymne notional annamite lắm.

Có quốc nhạc quốc ca thì t nhiên có quốc lễ: đức vua Bảo Đại sẽ truyền cho quan quân văn võ chào bài quốc nhạc cách nào? Chào quốc nhạc tức là chào vua, vậy thì cách thi lễ với nhà vua phải làm sao cho thích hạp?

Mới rồi Thông Reo tôi có đi dự cuộc đại lễ ở Cao Miên, thấy một sự cải cách của đức vua Monivong, về phục mãi. Theo cổ phong ở xứ ấy, dầu cho đến bực vua chúa, muốn ăn mặc cách gì thì mặc, song dưới cũng phải vận chăn luôn. Có lẽ họ giữ cái thói vận chăn để cho dễ mọp thì phải. Bây giờ không phải vậy. Trọn cuộc lễ mà Reo tôi ngó thấy, thì từ vua tới quan cho chí kẻ tùy tùng hầu hạ đều mặc toàn Âu phục cả. Họ dẹp bỏ cái chăn đâu mất!

Ắt hẳn họ đã hiểu: sự cử động của con người, nếu tập thành thói quen, sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức tánh (subconscient) cho nên họ mới là thích tình chọn lấy cái kiểu tự do dạn dĩ của Âu Tây.

Đức Bảo Đại ta đã từng chịu giáo dục của Tây Âu, tiêm nhiễm thấm sâu rồi, thì lẽ nào ngài lại bỏ qua cái thuyết "sự cử động của con người là quan hệ mật thiết với tiềm thức tánh".

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6825 (8. 9. 1932)


 

(*) mắng tin (cũng như mắng tiếng, mắng tai, mắng nghe): nghe tin, nghe tiếng, nghe nói (H.T.Paulus Của, sđd.)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân