MUỐN CHO LỊCH SỰ MÀ THÀNH KHÔNG LỊCH SỰ

Dân tộc Pháp với dân tộc ta, vì khác máu khác màu da khác khuôn mặt mà thành ra trong sự ăn ở có nhiều điều không giống nhau. Nói rút lại mà nghe thì là vì hai đằng sự ưa thích bất đồng cho nên phong tục bất đồng.

Thế mà hai dân tộc lại nhè ở chung với nhau trên một miếng đất mới vui cho chớ!

Sự bất đồng ấy, tôi dám quyết rằng người Pháp ở đây chừng lấy một ngàn năm nữa rồi cũng phải đồng. Đến chừng đó mà nếu hai bên còn không hiểu nhau nữa, còn cười nhau nữa, thì đem mà xé xương tôi ra, tôi cũng chịu. Cốt là nhờ bây giờ ta phải chịu khó hiểu nhau đi rồi lần lần nó sẽ đồng nhau. Còn như không hiểu thì sợ cho dầu đến một ngàn năm nó cũng không đồng kia.

Hai dân tộc khác nhau, nhè ở chung một miếng đất mà việc gì tôi lại cho là "vui"? Thật thì cũng không có gì vui, nhưng mà có nhiều cái dễ tức cười, cho nên tôi nói là vui đó.

An Nam ta thuở nay tự xưng là nước văn hiến, mỗi mỗi nói ra làm ra, đều theo lễ nghĩa, cố gò làm sao cho lịch sự mới chịu. Ấy thật là cái thói quen của người mình, ngày nay nó đã thành ra tánh.

Cái đó được lắm, không hại chi hết. Càng lịch sự, càng lễ nghĩa chừng nào, tôi càng ưa chừng nấy. Duy có một điều, khi nào ta đối đãi với ta thì ta nên dùng lễ nghĩa và cách lịch sự của ta; còn khi nào ta đối đãi với người Pháp thì ta nên dùng lễ nghĩa và cách lịch sự của người Pháp. Người An Nam mình nếu cứ như vậy mà ở đời, thì tôi tưởng chẳng khi nào có lầm lỗi chi, và người Pháp ở đây, đối với mình, họ cũng phải lấy làm dễ chịu.

Có người phản đối cái thuyết ấy của tôi, cho rằng cứ xài nội lễ nghĩa của mình thì tới đâu cũng được hết, bởi vì nó đã là lễ nghĩa thì chẳng chia ra chủng tộc đâu.

Khổ thì thôi! đừng nói mửn(*) đó mà có ngày mang khổ! Nếu cũng theo cái thuyết ấy rồi một người Pháp nào đó họ theo lễ nghĩa của họ, họ nhè bắt tay một bà vợ của một ông An Nam nào, chắc phải sanh rầy. Vậy cho biết, đối đãi với người nước nào, cứ theo lề thói nước ấy, là hay hơn hết, đừng có cầu kỳ mà có khi sanh chuyện lôi thôi chớ chẳng chơi.

Tôi đọc một tờ báo quốc ngữ, thấy một cái tin vắn, viết bằng kiểu nầy làm cho tôi tức cười, nên tôi nói là vui:

"M. Eutrope đại nhân, quyền nhậm Nam kỳ thống soái, thế cho M. Krautheimer đại nhân.

M. Le Fol đại nhân, trọng nhậm Ai Lao khâm sứ, thế cho M. Châtel đại nhân thực thọ Khâm sứ Trung kỳ".

Tôi tức cười là vì đã "M"(*), rồi còn "đại nhân"! Theo tôi, lấy lễ nghĩa người Pháp mà đối đãi với người Pháp, thì cứ "M." là đủ rồi, còn "đại nhân" mà làm gì?

Vậy mà nhà báo ấy muốn nói theo kiểu An Nam mình cho lịch sự, mà té ra không lịch sự! Không lịch sự là vì đã "M." rồi còn "đại nhân", nữa thành ra nó trùng điệp mất.

Nhưng cái không lịch sự đó còn là nhỏ; đến cái không lịch sự dưới nầy mới lớn, nếu người Pháp để ý đến, người ta sẽ trách cho.

Hồi Đại cách mạng nước Pháp, chánh phủ Dân quốc đã ra lịnh cấm chữ "Seigneur" mà không cho ai dùng hết; hết thảy nhân dân nước Pháp ở dưới quyền thống trị của Dân quốc không dùng được chữ ấy mà xưng hô nhau từ hồi đó đến giờ.

Người Pháp ở với ta, ta cũng nên biết cái lễ của họ mới đặng. Cái lễ của người Pháp có một điều ở sự cấm kêu nhau bằng "Seigneur"(**), nếu kêu vậy là phạm phép, mà là vô lễ, bất lịch sự.

Chữ "đại nhân" trong tiếng ta nó cũng ngang với chữ "Seigneur". Tức như bên Tàu, hồi cách mạng thành công lập nên Trung Huê dân quốc, họ cũng cấm chữ "đại nhân" không cho dùng, thì đủ biết.

Nước ta không phải nước dân chủ, không có cấm chữ "đại nhân", vậy ta dùng mà xưng nhau thì được. Giả sử muôn một mà Thông Reo làm tham tri bộ nào đó như thiên hạ đồn ông Phạm Quỳnh làm tham tri bộ Học, thì người ta kêu tôi "Thông Reo đại nhân", tôi cũng bằng lòng, tôi chẳng từ nan.

Nhưng dùng mà xưng một người Pháp nào bất kỳ, tôi sợ lắm. Nếu họ bỏ qua thì thôi, bằng họ hỏi vặn lại, thành ra tôi "bất tri lễ" đi còn chi!

Tôi rất muốn cho người mình lấy lễ của nước Pháp mà đối đãi cùng người Pháp cho nó đúng.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6644 (21. 1. 1932)


 

(*) mửn (hoặc mửng): kiểu, trò (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

(*) M. là viết tắt "Monsieur" tức là Ngài, Tiên sinh…

(**) Seigneur: quý ngài, đại nhân.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân