NGHĨ VỀ ÔNG NGUYỄN KHẮC HIẾU VỚI CÁI NẠN PHAN KHÔI

Lời Đông tây. - Về việc ông Nguyễn Khắc Hiếu bài bác những ý kiến của ông Phan Khôi đăng trong Phụ nữ tân văn, Đông tây vốn tự nhiên là chốn diễn đàn chung, thì điều hay đã không giấu, tất những lẽ dở phải không thể không vạch ra. Bởi vậy dù có đăng những bài của Ấu Mai, Thượng Minh công kích Nguyễn Khắc Hiếu, cũng là bởi muốn giữ cái lẽ công bằng, "hay khen hèn chê", và muốn rộng đường ngôn luận, cũng như ngày nọ đã từng có đăng bài phản đối lại chuyện "Thân oan cho Võ hậu" của Phan Khôi. Còn những bài của Nguyễn Tiến Lãng gửi về thì chưa kịp cho đăng, các báo đã thấy đăng rồi, không có lý nào Đông tây còn đăng nữa! Mà dẫu có đăng những bài ấy, Đông tây cũng phải có lời bình phẩm riêng, vì những bài của Nguyễn Tiến Lãng lập luận quá thiên, nói không chứng cớ, không phải là lời lẽ xác đáng, trung chánh.

Dù sao, người chân chánh bao giờ cũng có cái thái độ công bằng. Còn kẻ tiểu nhân mới có bụng ngờ: người này bênh người kia vì tình bè bạn, người kia bênh người nọ vì giây họ hàng. Vả lại chữ "bênh" không nên có ở trong một cuộc cãi nhau về ý tưởng. Về ý tưởng chỉ có đồng ý hay không đồng ý, mà đó là quyền riêng của mỗi người được tự do tư tưởng.

Muốn cho rằng Đông tây bao giờ cũng đứng cao trên những ý nghĩ nhỏ nhen, hỗn xấc, bài ông cử Trịnh Đình Rư đăng dưới này, Đông tây xin mở rộng cột báo.

Ai phải, ai trái, có công luận. – Đ.T.

 

*

Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở trong Nam, – ông Nguyễn Khắc Hiếu, một nhà thi sĩ, khởi xướng lên cuộc ấy ở tạp chí An Nam hồi tháng Janvier trước.

Ông Hiếu công kích ông Khôi là công kích về những lý thuyết ở các bài đăng báo Phụ nữ tân văn, không có can thiệp gì đến Đông tây, thì Đông tây dù có đăng những bài phản đối ông Hiếu, cũng chẳng qua là bởi muốn rộng đường ngôn luận. Độc giả nhận chỗ đó, chắc là tự rõ.

Lạ một điều ông Phan Khôi từ khi bị công kích sao tự ông vẫn chửa thấy viết bài công nhiên biện luận cùng ông Tản Đà? Ông Khôi cũng lại là một nhà "học phiệt" như ông Phạm Quỳnh mà chính ông Khôi đã chê ngày nọ chăng? Ông Khôi đã biết tặng người cái tên ấy, chắc không khi nào lại chịu để cho người đem tặng trả lại.

Vậy, vì lẽ gì ông Khôi chửa nói, hay đợi dịp nào mới nói? Đó là việc ông Khôi. Tôi chỉ vì nhân đọc những bài công kích ông Khôi ở An Nam tạp chí và xét lại những bài ông đã viết ở Phụ nữ tân văn mà nghĩ ra nhiều điều, không thể không đem ra bàn góp.

Muốn bàn một vấn đề gì hay cãi về một lý thuyết gì, tất phải vứt bỏ cái tình riêng, mới mong tìm ra lẽ phải. Tôi, đối với ông Hiếu vốn có chút tình tương thức đã ngoại mười năm; đối với ông Khôi cũng có chút tình hai lần tương ngộ trên hai tờ báo; song tôi quyết chẳng dám bênh ông nào mà tìm lời biện hộ, cũng chẳng dám nể ông nào mà nói giọng mập mờ; những lời tôi sẽ nói đây, đều là do tấm lòng thành thực, lẽ công bằng mà ra cả.

Ông Hiếu đối với đạo học Á Đông, vốn trọng về sự "bảo thủ", dù cho văn chương, tư tưởng của ông cũng có nhiều chỗ mới, nhưng những nghĩa lý ở thánh kinh hiền truyện, không khi nào ông dám vượt qua. Bởi đã cố giữ một lòng sùng bái cổ học, nên động thấy ai nói một câu, hay làm một việc hơi trái với cổ nhân, thì chẳng những ông chẳng ưa, mà ông lại còn cần phải công kích.

Ông Khôi, tuy cũng là một nhà cựu học, song đã đọc nhiều sách mới, ưa lý tưởng mới, lại muốn lựa theo cái phong trào đổi mới của xã hội ngày nay, phàm bàn đến một vấn đề gì, về học thuật, văn chương hay phong hóa, ông cũng cố tìm lấy lẽ mới mẻ để hòng trái lại những điều đã cũ. Nói rõ ra, ông Khôi theo chủ nghĩa "khai phóng" nên nhiều chỗ nói bạo mà hình như không tự biết.

Một ông "bảo thủ" với một ông "khai phóng", thật là tương phản, rõ như một ông ngồi ở Cực Bắc, một ông đứng ở Cực Nam, không bao giờ có thể gặp nhau được. Chủ nghĩa đã tương phản, tất phải người này khởi công kích người kia. Điều đó chẳng lạ gì, song công kích về lý thuyết mà đến ông Hiếu cho ông Khôi là cái "nạn" của xã hội, cố sức xướng lên việc bài trừ, thì chẳng là "to chuyện" ru?

Cứ ý tôi, ông Khôi xưa nay lập luận, phần nhiều chuộng sự mới lạ, cho nên không khỏi có bệnh "hiếu kỳ, mộ tân", gia dĩ ông bàn bạc thuần trọng về lý, cho nên muốn nói vỡ lẽ thì chẳng tiếc lời mà thành ra lắm câu khí bạo. Ông Hiếu công kích ông, chính lại nhè ở những chỗ đó. Song những lời ông Hiếu công kích ông Khôi, phần nhiều chưa nhận được là xác đáng.

Tôi không biểu đồng tình cùng ông Hiếu:

1) Nói "cái nạn Phan Khôi"

Nếu quả những bài nghị luận của ông Phan Khôi làm được bại hoại cả nhân tâm phong hóa, thành ra "cái nạn Phan Khôi lưu hành lai láng ở xã hội ta" như lời ông Hiếu, thì xã hội dẫu lấy làm lo, nhưng riêng ông Khôi nên tự lấy làm thích, thích vì cái văn của mình có ảnh hưởng đến xã hội được to tát nhường bao! Nhưng nào có thế! ông Khôi đã làm nổi được cái "nạn to" ấy đâu.

Gọi được là cái nạn chung trong xứ, tất phải là một cái nạn nhiều người cùng chịu. Như cái nạn kinh tế, cái nạn ngập lụt, cái nạn tật dịch, cái nạn binh hỏa, v.v....

Ông Phan Khôi viết bài ở báo, tờ báo dẫu lưu hành được khắp, nhưng liệu những lời ông Phan Khôi viết, đồng thời có rất nhiều người coi như những câu kinh kệ mà tâm niệm luôn không? Hay bảo: những bài ông Phan Khôi viết ra, có hại cho người đọc cũng như các tập văn nhảm, các tiểu thuyết nhảm? Có thế nữa, cái hại đó cũng chỉ ngấm ngầm riêng từng người ưa đọc, chứ không thể thành một "cái nạn lai láng" vì văn nhảm, tiểu thuyết nhảm hiện nay kể có "hàng rừng", chứ những bài của ông Khôi mà ông Hiếu cho là trái ngược xét ra chẳng có mấy.

Giả sử ông Khôi gần đây dựng nên một cái học thuyết không chánh đáng, mà viết luôn trên báo tiếp tục không rứt, do đó rồi được vô số những người sùng thượng, thành ra cái học "Phan Khôi" có cái sức mạnh lay chuyển được xã hội thì gọi là "cái nạn Phan Khôi" mới phải. Song xét những bài ông Phan Khôi viết ở báo Phụ nữ mà ông Hiếu bảo là "làm hại nữ lưu" dù ông Hiếu chửa kịp kể ra hết, nhưng ta giở báo mà coi, đại khái thấy những chỗ ông Khôi bàn về cải giá, về trinh tiết, cho chí thân oan cho Vũ hậu, ý tưởng dù có mới lạ, nhưng rút lại chỉ là những bài văn, như thế tưởng chưa đủ gây nên cái nạn cho đời được.

Mà đối với nữ giới, nhưng bài đó thật cũng chửa có gì là ảnh hưởng đâu! Điều đó tôi thật đã xét thấy.

Như ngoài Bắc, độ báo Phụ nữ tân văn còn lưu hành, nhân tôi xướng lên vấn đề soạn sách ở báo ấy, mà được tiếp chuyện rất nhiều bạn gái có học, thường thấy tỏ ý không chuộng những chỗ lập luận quá mới, quá bạo của ông Phan Khôi.

Còn về phần nữ giới trong Nam, tuy tôi không được rõ, song ông bạn quá cố của tôi là Trần quân, hồi ấy làm quản lý Phụ nữ tân văn, có viết cho tôi rằng: "Ở trong này, tôi xem ra, có nhiều người không thích bài Thân oan cho Võ hậu mà nhất là nữ giới, lại có lắm người không hoan nghênh".

Xét thế thì đủ biết: buộc cho nữ giới ngày nay mắc phải "cái nạn Phan Khôi" thật là ngoa lắm vậy.

Rút lại, ông Hiếu nếu cho những cái lý thuyết của ông Khôi là bất chánh mà muốn viết bài công kích, thì cái đề mục phải đổi lại thế này mới phải: "Phản đối những thuyết bất chánh của Phan Khôi".

2- Về bài "Cái cười của con Rồng cháu Tiên".

Muốn bài trừ "cái nạn Phan Khôi", ông Hiếu định "giết bỏ ông Khôi ở trên đàn ngôn luận", vậy về công việc bài trừ, trước hết ông Hiếu lôi bài "Cái cười của con Rồng cháu Tiên" ra khép ông Khôi tội "đại bất kính" rồi nghị: Trảm!

Sự "Trảm" ấy cũng là sự thuộc về câu chuyện "mộng"; dù tôi có là người bênh ông Khôi nữa, tôi cũng chẳng phải vì ông Khôi mà thân oan! Nhưng thôi, bỏ câu chuyện "Trảm" đi. Chỗ này tỏ ra ông Hiếu nghị luận quá ư câu nệ! Ông Khôi nếu có rước những chữ "bố Rồng mẹ Tiên" mà dùng làm "cái bia để mỉa mai chế riễu" thì trách là "bất kính" cũng đáng, còn như nói con Rồng cháu Tiên, chỉ vào những người hiện thời mà bới ra cái dở, thì chỉ làm bực mình vì thấy cái dở mà muốn tìm chữ "mỉa mát" đó thôi.

Ông Hiếu từng đọc văn Ẩm Băng, chắc câu "Khiêu chiến tứ vạn vạn quần manh" ông cũng còn nhớ đó. Ông Ẩm Băng tức giận vì tri thức của dân Tàu mờ mịt đến nỗi dám gọi bốn vạn đồng bào toàn là những thằng mù cả! Như vậy, nếu luận về tội bất kính quốc dân, thì tội ông Ẩm Băng lại còn to hơn tội ông Phan Khôi biết mấy!

Chê cái cười của con Rồng cháu Tiên, ông Hiếu bẻ. Coi đó biết rằng: ông Hiếu chỉ muốn phô trương cái hay của người mình, không chịu để ý quan sát đến những cái dở mà nhận cho rõ.

Này những cuộc đánh ban vợt, người mình cùng với người Tây người Khách ngồi coi chung quanh chật ních. Trong sân chiến tướng chạy theo ban, lỡ có trượt chân té nhào, người Tây người Khách không hề hé miệng, chỉ thấy người mình vỗ tay, cười như pháo nổ. Cái bọn "cười" này có phải là bọn không có học thức cả đâu!

Ông Hiếu nói: "Những bọn hạ lưu mới có cái cười xấu". Vậy thì sự quan sát của ông quả chưa được kỹ.

*

Nay nói đến chỗ tôi biểu đồng tình cùng ông Hiếu.

"Cái luật cấm cải giá là bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế trừ đi là phải", câu ấy ông Phan Khôi đem nêu ở đầu bài Tống nho với phụ nữ của ông viết ở Phụ nữ tân văn số 95 ra ngày 13 Août 1931. Đại ý bài ấy, ông Khôi cho rằng: Cái luật cấm đàn bà cải giá là do tự Tống nho, mà nhất là Trình Tử lại chủ trương một cách nghiêm khốc quá, cấm tiệt đàn bà không được cải giá, chẳng hề dung chế một chút nào.

Trong An Nam tạp chí số 34, ông Hiếu bẻ lại. Trước hết nói: ông Phan Khôi dùng chữ "luật" không đúng, vì xưa nay trong sách nho chỉ có những chữ hình luật, pháp luật chứ không có chữ luân lý luật bao giờ, mà ông Khôi bịa ra, nói: "Luật cấm cải giá không phải là luật trong pháp luật mà là luật trong luân lý", ấy là nói bướng! Rồi đến chữ "cấm", thì ông Hiếu cho rằng: phàm những sự gì mà do pháp luật cấm không ai được làm thì mới là cấm. Sự cải giá của đàn bà xưa nay không hề có luật nào cấm cả. Ông Khôi buộc cho bọn Tống nho cấm, ấy là nói vu.

Về chữ "luật", ông Hiếu bẻ vậy, là vì ông không biết ông Khôi dùng chữ "luật" đó theo về ý nghĩa chữ Pháp, tức là chữ "la loi" − "Loi", không phải chỉ là cái "luật" của nhà nước đặt ra để buộc mọi người phải theo. Còn có cái luật bởi tạo hóa định sẵn (loi de la nature), có cái luật bởi lương tâm người ta bắt buộc phải theo (loi morale), ông Khôi dùng chữ "luật" ở bài đó, tức là nghĩa chữ loi morale vậy.

Tôi biểu đồng tình cùng ông Hiếu về chữ "Cấm" mà ông đã bẻ, và tôi xin nói: Ông Khôi bảo Tống nho cấm tiệt đàn bà không được cải giá, thì thật không phải.

Xưa nay, đàn bà giữ tiết không chịu hoặc không dám cải giá, là vì tự chuộng hoặc tự bắt phải chuộng trinh tiết, mà chữ trinh thật nẩy mầm từ đời thượng cổ, ông Hiếu đã dẫn câu "trinh cát tòng nhất" trong Kinh Dịch mà chứng rõ.

Bởi sao đàn bà chuộng về trinh tiết?

Vì cổ nhân đã cho điều đó là trọng, gây thành một cái giáo dục thấm thía vào óc mọi người. Về bên đàn bà, chỉ nhờ về giữ trọn điều đó mới có thể sánh được với những người nghĩa sĩ, trung thần cùng những người có huân nghiệp bên đàn ông mà lưu danh đến thiên cổ.

Xét trong Bắc sử thật bao nhiêu những ngôn luận hành vi của cổ nhân trọng về trinh tiết đều ở những đời Xuân thu, Chiến quốc trở về trước, há phải đến đời Tống nho, người đàn bà mới bắt buộc phải giữ trinh mà không được cải giá đâu! Chẳng cần phải kể nhiều, ngay đời Ngũ đại (cách đời Tống không mấy) là đời loạn lạc, cương thường điên đảo mà cũng có một nàng họ Lý, góa chồng, giữ tiết nhất quyết không chịu tái giá. Lỡ có một buổi, bị người chòng ghẹo, nắm vào tay, nàng liền rật ra chạy, rồi về lấy dao chặt tay mình luôn! Việc ấy, gặp người có tư tưởng mới như ông Phan Khôi, tất cho là thủ tiết quá nệ. Song nên hiểu rằng: Chẳng ai buộc họ phải như thế, mà họ tự buộc lấy họ phải giữ cho trọn tiết thờ chồng. Cái ảnh hưởng của Tống nho với phụ nữ đời sau vị tất đã có được những việc giống như việc này.

Nói cho phải, Tống nho lập luận, phần nhiều chỉ dựa theo những câu nói của thánh hiền đời trước mà bàn nát thêm ra, nhiều chỗ sai cả ý nghĩa cổ nhân, đời sau có người chê cái học của bọn Tống nho là thế. Tuy nhiên những câu nói về "tái giá", "thất tiết" của Trình tử, dù chẳng được êm như cổ nhân chỉ khuyên người ta chuộng lấy chữ trinh, nhưng ta nên xét ra "luật cấm cải giá", không phải là bởi Tống nho ngang ngược dựng ra được.

Vì cái "tòng nhất", cái câu "bất canh nhị phu" nó đã nảy ra từ trước, Tống nho chẳng qua chỉ phụ hội đó thôi.

*

Trở lên, đối với những lời nghị luận của ông Hiếu cùng những cái lý thuyết của ông Khôi, ý kiến của tôi thế nào, tôi đã xin kể rõ. Nay xin quay lại đầu bài mà nghĩ về cái lẽ ông Hiếu đối với cái "nạn Phan Khôi".

Ông Khắc Hiếu vốn là một người dốc lòng theo đạo Khổng, Mạnh. Mạnh Tử học Khổng Tử, ông Hiếu cần phải học Mạnh Tử trước. Việc "bài trừ cái nạn Phan Khôi" này, tức là học cái công việc "tịch Dương Mặc" của Mạnh Tử đó. Vì ông Hiếu cho cái lý thuyết của ông Phan Khôi là bất chính, cũng "nghĩ" như Mạnh Tử coi cái học thuyết của Dương Mặc là tà thuyết vậy.

Song tôi thiết tưởng: Mạnh Tử vốn sẵn có một đạo học thuần chánh bao quát được cả chánh trị, giáo hóa, vậy mới đủ át nổi đủ những thuyết của Dương Chu, Mặc Địch mà truyền chánh học về đời sau.

Còn như Dương Mặc, mỗi người đều đã dựng ra được một cái học thuyết riêng, cái thuyết "vị ngã" và "kiêm ái" tuy trái với Nho giáo, song xét cho kỹ, mỗi thuyết tuy có một cái "thiên" nhưng vốn cũng có điều hay,(1) vậy mới được nhiều người chuộng mà theo, khiến cho cụ Mạnh phải lấy làm sợ.

Ngày nay, ông Hiếu ngoài Bắc, hỏi đã có cái đạo học bằng Mạnh Tử, mà ông Khôi trong Nam, hỏi đã có cái học thuyết bằng Dương Mặc chưa? Một ông không phải là Dương Mặc, một ông không phải là Mạnh hiền, thì ông nọ xướng lên công việc bài trừ ông kia, chẳng qua chỉ là gây nên một cuộc cãi lý.

TRỊNH ĐÌNH RƯ

Đông tây, Hà Nội, s. 166 (27. 4. 1932); s. 167 (30. 4. 1932).


 

(1)  Xem quyển Việt Hán văn khảo của ông P.K.B. đã có nói qua về chủ nghĩa Dương Mặc, mà Đông tây đã có lần bình phẩm đến. (nguyên chú)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân